27/08/2011 10:38 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái
(TT&VH) - Thế hệ họa sĩ sau Bùi Xuân Phái đã có nhiều người theo đuổi đề tài sáng tác về Hà Nội. Dù không làm nên được một thương hiệu “Phố Phái” như họa sĩ họ Bùi, nhưng với lối đi riêng, cách thể hiện riêng, họa sĩ trẻ Vương Văn Thạo cũng đã thể hiện được cái nhìn sâu sắc về di sản Hà Nội xưa, và đã “vĩnh cửu hóa” được hồn phố, hồn người bằng dự án dài hơi mang tên “hóa thạch sống”. Một dự án nhằm làm sống lại di sản thủ đô đến muôn đời sau.
Với nhiều người, có lẽ tên dự án “hóa thạch sống” nghe có vẻ mâu thuẫn, bởi “hóa thạch” mang một ý nghĩa chết. Nhưng đằng sau hóa thạch là chữ “sống” thì nó lại mang một ý nghĩa khác: vì được “hoá thạch” nên những cái cổ, cũ và những cái tưởng như “chết” ấy sẽ tồn tại giữa cuộc sống hôm nay!
“Hóa thạch” để tái sinh sự sống cho di sản
Ý tưởng “hóa thạch sống” nhen nhóm trong Thạo bắt đầu từ năm 2004, nhưng đến năm 2006, anh mới có được hai ngôi nhà cổ hóa thạch. Sau khi thấy phương pháp này làm “bật lên” được ý đồ của mình, Vương Văn Thạo bắt tay vào việc “hóa thạch” 36 ngôi nhà cổ, đại diện cho 36 phố phường Hà Nội cùng hóa thạch cầu Long Biên. Tiếp theo tháng 5 vừa qua, anh làm tiếp hóa thạch 36 cổng làng, đình, ngõ thuộc Hà Nội, gần là các cổng làng, ngõ dọc phố Thụy Khuê ven hồ Tây, xa là ở các vùng Nghĩa Đô, Hoàng Mai, Đông Anh, Hà Đông...
Cách làm “hóa thạch” của anh không giống ai. Sau khi đi khảo sát, chụp ảnh, anh đắp mô hình ngôi nhà, cổng làng... bằng đất, làm khuôn slicon rồi sau đó là đổ trùm composite “trong suốt” lên để bao bọc lấy, tạo cảm giác như một khối hóa thạch, hay nói cho đúng hơn là “nhốt” những ngôi nhà cổ, cổng làng cổ trong khối màu hổ phách với hai màu chủ đạo vàng, đỏ tuyệt đẹp.
Bên cạnh những ngôi nhà là các cột điện cũng được hoá thạch, gắn biển báo tên phố hoặc đánh số nhà. Trong khối hổ phách đó, Vương Văn Thạo khéo léo đổ hóa chất nhằm tạo ra những vết nứt, vết rạn, lột tả sự mâu thuẫn trong công cuộc phát triển TP Hà Nội.
Anh tâm sự: “Điều quan trọng nhất tôi muốn khi mọi người đứng trước tác phẩm của tôi là hãy suy nghĩ về những đổi thay, về sự biến mất của những dấu vết văn hóa vật chất trong dòng chảy đô thị hóa. Qua đó hãy cùng tôi nhìn nhận về quá khứ và nghĩ tới tương lai. Hãy cùng với tôi trả lời một câu hỏi chung: con người có thể tái sinh sự sống cho di sản hay không?”
Tiếng vang trong và ngoài nước
36 ngôi nhà cổ bọc trong composite nhưng vẫn giữ nguyên được kiến trúc tổng thể cũng như dáng vẻ, sự rêu phong, cũ kỹ... của Vương Văn Thạo lần đầu tiên được triển lãm tại Trung tâm Văn hóa Pháp năm 2007 đã thu hút được rất đông công chúng. Đến với triển lãm này, người xem như được gặp, được hiện diện, được gần gũi với những biểu tượng văn hóa, những chứng tích lịch sử và những biểu trưng cho vẻ đẹp của con người Hà Nội xưa. Sau đó, bộ tác phẩm “hóa thạch sống” của Vương Văn Thạo đã lọt vào Top 10 cuộc thi APB Foundation Signature Art Prize 2008 sau khi vượt qua 34 tác phẩm quốc tế khác do Bảo tàng Mỹ thuật Singapore (SAM) tổ chức.
Hiện nay, bộ tác phẩm “hóa thạch sống” của Vương Văn Thạo đã thuộc quyền sở hữu của Bảo tàng Mỹ thuật Singapore (SAM) và vẫn được bảo tàng danh tiếng này tổ chức triển lãm định kỳ hàng năm để giới thiệu đến công chúng Singapore, du khách thế giới về một cách nhìn, cách thể hiện và hơn cả là tình yêu của một họa sĩ trẻ dành cho quá khứ, hiện tại và tương lai của Hà Nội.
Muốn biến Hà Nội thành bảo tàng ngoài trời
Vương Văn Thạo sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Bố mẹ anh không phải là những người “dính dáng” đến ngành mỹ thuật nhưng cả ông nội và ông ngoại anh lại đều có năng khiếu về lĩnh vực này. Bằng chứng là toàn bộ trang trí của chùa Hưng Ký được xây dựng vào năm Bảo Đại thứ tám (1932) trên địa phận làng Hoàng Mai thuộc thôn Đoài, nay là quận Hoàng Mai, Hà Nội là do ông nội Vương Văn Thạo đắp.
Năm 1995, sau khi tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật, Thạo chuyên làm sắp đặt và vẽ tranh giấy dó. Năm 2001, triển lãm sắp đặt đầu tay của Thạo là “Đất và nước” đã đoạt giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Sau khi manh nha ý tưởng “hóa thạch sống” Vương Văn Thạo cần mẫn sáng tác giấy dó, bán lấy tiền để mua hóa chất nhằm hiện thực hóa ý tưởng của mình. Trung bình một ngôi nhà với “diện tích” đã được “hóa thạch” 30cm x 30cm x 16cm tiêu tốn của Vương Văn Thạo khoảng trên 5 triệu đồng, đó là chưa kể có rất nhiều tác phẩm “hóa thạch” bị hỏng, phải làm lại.
Hiện nay, Vương Văn Thạo vẫn tiếp tục cần mẫn đi khảo sát Hà Nội để tiếp tục nuôi nấng ý tưởng “hóa thạch” Hà Nội, hay nói cho đúng hơn là muốn thấy Hà Nội trở thành một bảo tàng ngoài trời, trong đó những ngôi nhà cổ sẽ là những tác phẩm nghệ thuật hiện đại sau khi được “hóa thạch”. Với cách làm này, Vương Văn Thạo tin tưởng quá khứ sẽ được sống trong hiện tại và cả trong tương lai.
Anh cho biết: “Với mỗi một con phố trong 36 phố phường, tôi chọn ra một ngôi nhà mang nét văn hoá truyền thống đặc trưng của Việt Nam và của phố cổ Hà Nội. 36 ngôi nhà sẽ đại diện cho 36 phố phường Hà Nội nếu được phủ composite sẽ là 36 viên kim cương khổng lồ, 36 điểm nhấn trong bản đồ du lịch hấp dẫn trong lòng phố cổ”.
Thạo tâm sự: “Tôi đã từng nói chuyện với một đại gia có nhà cổ ở phố cũ: “Thôi anh mua nhà khác đi! Bỏ ra 1 triệu đô em “hóa thạch” căn nhà này, anh sẽ giữ được dáng vẻ cùng những giá trị mà nó có mãi mãi. Hoặc anh nhiều tiền, đi mua lại những căn nhà cổ cho em “đổ”, trong căn nhà ấy, em “hóa thạch” cả cái biển có ghi tên anh với tư cách là nhà tài trợ đại loại như: “Căn nhà này được “hóa thạch” với sự tài trợ của anh A, anh B”...
Cho đến nay, đại gia mà Vương Văn Thạo “cạy cửa” đưa ra ý tưởng được cho là “điên rồ” đó vẫn chưa trả lời Thạo. Song, như một người nông dân, Thạo vẫn đang cần mẫn “cày xới”, vẫn mải mê canh tác trên những “thửa ruộng ý tưởng” của mình về việc làm sống lại những nét văn hóa của người Hà Nội những giá trị xưa cũ của Hà Nội bằng tình yêu như đã “hóa thạch” không thể mai một...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất