19/09/2020 09:23 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Sau nhiều vòng xét duyệt, Hà Nội đã thống nhất đề cử 92/109 nghệ nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ ba năm 2021.
Những con số biết nói này là minh chứng cho tâm huyết, tình yêu và quyết tâm gìn giữ di sản của các nghệ nhân, những người đang nắm giữ hồn cốt giá trị văn hóa truyền thống ông cha để lại.
Gìn giữ, bảo tồn và phát huy, với nhiều giải pháp hỗ trợ nghệ nhân đã được Hà Nội nỗ lực thực hiện trong nhiều năm qua. Đây cũng là cơ hội để những nét riêng có trong vốn di sản văn hóa Thủ đô được lan tỏa, thăng hoa giữa nhịp sống đương đại.
Làm gì để tôn vinh di sản Hà Nội?
Trong danh sách 92 cá nhân được đề cử xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể năm 2021 có 18 nghệ nhân ở loại hình di sản nặn tò he, một loại hình di sản độc đáo chỉ có ở Hà Nội. 18 nghệ nhân nghề trong danh sách xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT ở lĩnh vực “Tri thức dân gian” đều đến từ thôn Xuân La (xã Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội). Cao tuổi nhất là nghệ nhân Chu Tiến Công (sinh năm 1949), trẻ nhất là Đặng Đình Sự (sinh năm 1985).
Tin vui này đến với người dân thôn Xuân La như động lực của sự ghi nhận, tôn vinh những người đã nỗ lực bảo tồn, phát huy nghề truyền thống đã có hàng trăm năm trên đất Kinh kỳ, mặc cho thời cuộc xoay vần và những guồng quay hối hả của cuộc sống đương đại. Điều đặc biệt càng khiến cho sự tôn vinh nhân thêm nhiều ý nghĩa là loại hình di sản này chỉ có ở Hà Nội, tập trung chủ yếu tại Xuân La. Là nghề gia truyền nên những bí quyết của nghề nặn tò he chỉ truyền dạy trong thôn, làng. Theo các nghệ nhân của làng nghề, tính độc đáo riêng có chính là ưu điểm và cũng là hạn chế của nghề truyền thống đã có hàng trăm năm này.
Cũng có một điều mà ít người biết, đó là những khó khăn của những nghệ nhân ở Xuân La. Để những người thợ làm tò he từ việc nỗ lực gìn giữ nét văn hóa dân gian truyền thống đến được đề nghị xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT như ngày hôm nay là cả một quá trình mà họ phải nỗ lực, đấu tranh giằng níu để giữ lấy nghề. Trong bối cảnh những loại hình đồ chơi hiện đại, mạng xã hội đổ bộ vào cuộc sống, rõ ràng việc phải cố gắng mưu sinh bằng nghề truyền thống của những người dân chân chất, mộc mạc chẳng dễ dàng gì. Đất sống của tò he ngày càng hạn hẹp cũng là điều dễ hiểu.
Trong bối cảnh đó, để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cha ông để lại, đã có nhiều sáng tạo được chính người dân thôn Xuân La thực hiện. Một CLB làng nghề truyền thống nặn tò he duy nhất chỉ có ở Hà Nội đã được thành lập. Chủ nhiệm CLB cho hay, việc thuyết phục người dân, các bậc phụ huynh trong làng cho các em nhỏ đến tham gia CLB là rất khó. CLB ban đầu chỉ có hơn 30 người nhưng với sự cố gắng, quyết tâm của các thành viên, đến nay đã có hơn 120 em theo học.
Bên cạnh đó, những năm qua, khi sức sống của các sản phẩm văn hóa nói chung và tò he nói riêng có những chuyển biến tích cực, nhiều chương trình trải nghiệm đã được tổ chức. Năm 2015, làng nghề Xuân La được Sở VHTT Hà Nội chọn làm điểm đón tiếp nhiều đoàn học sinh, sinh viên về trải nghiệm nghề truyền thống, nghe nghệ nhân trong thôn giới thiệu về sản phẩm kỷ lục Rồng thời Lý nặng 300 kg dài 3m, rùa cõng cúp kỷ lục nặng 250 kg dài 1,3m; bông hoa sen nặng 50 kg đường kính 1m. Các nghệ nhân tại đây đã phối hợp với Sở VHTT Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội... tổ chức các chương trình biểu diễn nặn tò he tại Lễ công bố Năm du lịch quốc gia, hội thi nặn tò he tại lễ hội “Làng nghề, phố nghề Thăng Long Hà Nội”... Những sáng tạo và nỗ lực đó đã từng bước gìn giữ, bảo tồn và đưa những tinh hoa di sản của đất Thăng Long được thăng hoa, tỏa sáng.
Những thách thức đặt ra
Với nỗ lực gìn giữ và trao truyền di sản, những người thợ làm tò he tại thôn Xuân La đã được ghi nhận và tôn vinh qua việc Hà Nội đưa vào danh sách xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lịch vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3 năm 2021. Đây là cơ hội để nghề truyền thống của cha ông ngày càng được bảo tồn và phát triển. Bên cạnh đó là những thách thức đối với các NNND, NNƯT để định hướng, phát triển nghề độc đáo duy nhất ở Thủ đô trong tương lai.
Không chỉ riêng Xuân La mà nhiều thách thức đối với việc bảo tồn nhiều loại hình di sản khác cũng đang tồn tại trên địa bàn Thủ đô. Trước đợt xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần này, vấn đề tiếp tục được đặt ra với mong mỏi sớm có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Sau nhiều năm nỗ lực đưa Ca trù trở lại với đời sống đương đại, làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội) đã thành lập mô hình CLB, địa chỉ tổ chức các hoạt động trau dồi và truyền dạy kỹ năng biểu diễn. Nhưng do kinh phí eo hẹp nên những buổi sinh hoạt không được thường xuyên, việc ươm mầm đội ngũ kế cận bị gián đoạn, ngắt quãng gây ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả phát huy giá trị di sản.
Khó khăn tương tự cũng xuất hiện tại nhiều quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội. Đơn cử, trên địa bàn huyện Thường Tín, di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu nhất là điệu hát Trống quân, nhưng đến giờ địa phương vẫn chưa có chương trình hỗ trợ đáng kể nào.
Phòng Quản lý di sản, Sở VHTT Hà Nội cũng nhìn nhận một thách thức đã kéo dài lâu nay là thực trạng nhiều nghệ nhân tuổi cao, đời sống khó khăn, nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện để hưởng trợ cấp từ Nghị định số 109/2015/NĐ- CP của Chính phủ - Nghị định duy nhất quy định về chế độ, chính sách cho nghệ nhân đến thời điểm hiện tại. Việc hỗ trợ chế độ bồi dưỡng nghệ nhân; cấp kinh phí mở lớp trao truyền di sản ở các địa phương cũng nơi có, nơi không.
Theo lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội, đợt xét tặng các danh hiệu nghệ nhân lần này được triển khai từ rất sớm. Ngay khi có thông báo của Bộ VHTTDL, Sở VHTT Hà Nội đã gửi văn bản tới các quận, huyện, thị xã đề nghị phổ biến rộng rãi cũng như hướng dẫn nghệ nhân có nguyện vọng xây dựng hồ sơ đầy đủ, đúng yêu cầu, tiến độ. So với đợt xét tặng lần thứ hai, số lượng nghệ nhân được đề cử ở cả hai mục NNND, NNƯT năm nay đều tăng hơn về số lượng và phổ cập hơn về loại hình di sản. Nếu như trong lần xét tặng thứ hai, Hà Nội thống nhất đề nghị xét tặng danh hiệu NNND cho 12 trường hợp và NNƯT cho 58 trường hợp, thì năm nay những con số này là 15 và 77 trường hợp.
Lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội cũng cho biết, công tác xét tặng các danh hiệu nghệ nhân NNND, NNƯT nhằm tôn vinh, ghi nhận những cống hiến, đóng góp của các nghệ nhân đối với tri thức văn hóa của dân tộc. Vì vậy, công tác xét tặng cần được thực hiện theo quy trình, quy chế chặt chẽ, khoa học, bảo đảm không bỏ sót việc tôn vinh người xứng đáng. Mặt khác, TP Hà Nội sẽ có các cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ các nghệ nhân bảo tồn và phát huy tốt những giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Để hiện thực hóa chủ trương này cần nhiều thời gian và những nỗ lực từ nhiều phía. Tuy nhiên, khi những cơ chế, chính sách này đi vào đời sống, chắc chắn sẽ là nguồn động lực tiếp thêm tinh thần, nhiệt huyết để các nghệ nhân gắn bó và nỗ lực gìn giữ di sản mà cha ông để lại.
Kiểm kê hiện vật tại di tích trên địa bàn Hà Nội Là một trong những địa phương đi đầu trong công tác kiểm kê hiện vật tại các di tích trên địa bàn Hà Nội, cuối năm 2019, huyện Gia Lâm đã hoàn thành kiểm kê hiện vật tại 188 di tích được xếp hạng và đang đề nghị xếp hạng, làm cơ sở số hóa dữ liệu quản lý di tích. Theo đó, mỗi di tích, sau khi được kiểm kê sẽ có một bộ hồ sơ quản lý, gồm: Phiếu kiểm kê, sơ đồ vị trí hiện vật; hồ sơ giá trị, hiện trạng hiện vật và thẻ nhớ dữ liệu. Hoạt động này kéo dài trong ba năm với hàng nghìn hiện vật được kiểm kê. Quá trình này giúp cơ quan quản lý nhận định nhiều khó khăn như: sự tùy tiện, hạn chế trong bảo quản và tu bổ hiện vật; nguy cơ mất cắp cổ vật vì chưa có phương thức bảo vệ phù hợp... Minh Ngọc |
Hoàng Ngân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất