10 điểm nhấn văn hóa Việt Nam năm 2014 do báo Thể thao & Văn hóa chọn

26/12/2014 06:01 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - 1. Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam.

Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết là sự kế thừa và phát triển Nghị quyết trung ương 5, khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

2. Di sản tiếp tục được UNESCO tôn vinh. Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Đại diện của nhân loại; Châu bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu (thuộc “Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”).


Tràng An trở thành Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới

3. Hàng loạt các tác phẩm, chương trình, hoạt động văn hóa nghệ thuật về chủ đề biển đảo Việt Nam được sáng tác, tổ chức, trình diễn. Hoạt động này diễn ra trên khắp cả nước, đặc biệt là sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Những tác phẩm, chương trình, hoạt động này đã góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước trong các tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

4. Các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ “xâm lăng” các di tích và đời sống mỹ thuật. Trong đó, đáng lo ngại nhất là hiện tượng các mẫu sư tử đá Trung Quốc được sử dụng tràn lan tại các di tích, công sở, dinh thự... Các cơ quan chức năng phải tiến hành di dời nhiều mẫu vật này, đồng thời tăng cường quảng bá các mẫu linh vật thuần Việt.


Sư tử đá Trung Quốc - một trong những linh vật “ngoại lai” đang tràn lan tại các di tích

5. Tình trạng “rác ca từ” trong đời sống âm nhạc Việt. Nhiều ca khúc với ca từ dung tục, suy đồi được sáng tác và phổ biến tràn lan trong cộng đồng mạng, tác động tiêu cực tới thẩm mỹ âm nhạc của một bộ phận giới trẻ.

6. Hàng loạt sai phạm trong hoạt động xuất bản bị phát hiện. Nhiều cuốn sách biên tập cẩu thả, yếu kém về nội dung, hình thức, vi phạm bản quyền cùng những sai phạm trong quản lý xuất bản.

7.Nhiều vấn đề nóng trong công tác bảo tồn, phát huy các di sản. Đó là sự xâm phạm di tích Hoàng Thành Thăng Long; “thơ tục” ở Yên Tử; sai sót trong trùng tu chùa Sổ; tập kết hóa chất siêu độc ở Vịnh Hạ Long; tranh cãi về dự án cáp treo ở hang Sơn Đoòng...

8.LHP Quốc tế Hà Nội lần III thành công tốt đẹp. Liên hoan có số lượng phim tham gia, số lượng buổi chiếu và người xem kỷ lục. Điện ảnh Việt Nam tiếp tục gây ấn tượng tại LHP kỳ này với hai giải thưởng của Ban giám khảo cho phim truyện dài, phim ngắn.

9. Bộ phim độc lập Đập cánh giữa không trung của đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp gây ấn tượng mạnh mẽ. Phim đã đoạt giải “Phim hay nhất” tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice; giải thưởng của Ban giám khảo LHP Quốc tế Hà Nội lần III; giải Đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim ba Lục địa tại Pháp.

10. Tranh cãi về bản quyền âm nhạc. Trong đó, nổi bật là chuyện ca sĩ Sơn Tùng M-TP bị cho là “đạo nhạc”. Cho đến nay các cơ quan quản lý văn hóa và các hội đồng thẩm định của nhạc sĩ vẫn chưa đưa ra được cơ sở nhằm làm luận cứ để kết luận đạo nhạc.


Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm