Ông Phạm Ngọc Viễn – Tổng giám đốc VPF: 'Phải chấp nhận thực tế'

08/02/2015 12:55 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - V-League 2015 khởi đầu khá thuận lợi và sức hút giải đấu đã tăng lên đáng kể, một phần từ hiệu ứng HAGL - lứa “gà nòi” nhà bầu Đức. Thế nhưng, trừ những CĐV có điều kiện đến sân theo dõi trực tiếp, bất cứ ai theo dõi các trận đấu qua sóng truyền hình cũng sẽ có đôi lần cảm thấy bực dọc hay không thỏa mãn với những gì mình được cung cấp.

16h30 ngày ½, trận đấu thuộc vòng 6 giữa SLNA và Thanh Hóa được truyền hình trực tiếp từ sân Vinh qua kênh sóng VTC3 và VTC3 HD của Đài truyền hình kỹ thuật số cũng như Đài địa phương Nghệ An ti vi (NTV). Trời mưa, mặt sân xấu gây trở ngại đến đến việc thi đấu của cầu thủ hai đội nhưng với những người theo dõi trận derby Bắc Trung Bộ qua sóng truyền hình thì lại cảm thấy nhức mắt vì hình ảnh được truyền về lại vàng khè, gây cảm giác nhức mắt khi theo dõi liên tục suốt 90 phút.

Cũng tại vòng 6, ở trận đấu giữa Đồng Tháp và QNK Quảng Nam tại sân Cao Lãnh, người xem cũng không ít lần cảm thấy khó chịu vì góc máy quay của truyền hình không thuận lợi để quan sát các đợt lên bóng tấn công của cầu thủ hai đội, tình huống phạm lỗi, việt vị, tranh chấp bóng đi hết đường biên ngang…Trận XSKT Cần Thơ – Becamex Bình Dương mà Đài truyền hình Cần Thơ tổ chức tường thuật trực tiếp và kênh BTV2, BTV5 tiếp sóng cũng có tình trạng tương tự khi người xem không được cung cấp những hình ảnh sắc nét và quan trọng nhất.

Việc nhiều trận đấu V-League được truyền hình trực tiếp nhưng hình ảnh cung cấp đến cho người xem không tốt chắc chắn là có ảnh hưởng đến hình ảnh giải đấu. Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Viễn – Tổng giám đốc VPF cho biết: “Trong bối cảnh thực tế của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hiện nay thì phải chấp nhận như vậy thôi chứ không thể đòi hỏi hơn được. Với các đài địa phương tổ chức truyền hình trực tiếp những trận đấu tại V-League thì cứ truyền tải được thông tin hình ảnh là được rồi, mình cũng không thể đòi hỏi họ có đầy đủ các thiết bị để đảm bảo hình ảnh tốt như VTV – Đài truyền hình quốc gia làm được. Các đài ở địa phương lớn như Đà Nẵng chẳng hạn cũng có thể có máy móc, thiết bị tốt để truyền hình trực tiếp V-League nhưng với những địa phương xa xôi, nhỏ hơn thì không thể có điều kiện như vậy”.

Giải pháp tháo gỡ vướng mắc là gì, trong tương lai, hình ảnh V-League qua sóng truyền hình có được truyền tải tốt hơn hay không và VPF, VFF có tính đến phương án bắt tay với Đài truyền hình quốc gia để sản xuất tất cả các trận đấu tại V-League? Ông Viễn khi trao đổi với Thể thao & Văn hóa tỏ ra dè dặt: “Trong dự kiến thì chúng tôi cũng tính đến nhưng việc này đòi hỏi số vốn rất lớn. Mình làm thì phải đảm bảo 7 sân diễn ra các trận đấu cho từng vòng phải có đầy đủ đội ngũ phóng viên, biên tập viên và quay phim tác nghiệp. Ngoài ra, các trang, thiết bị phải được đầu tư lớn, tối thiểu phải có 6 máy quay, đòi hỏi rất nhiều điều kiện liên quan khác.

Hiện mọi việc vẫn đang trong quá trình xúc tiến và anh Khế (Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF –PV) được giao chịu trách nhiệm trực tiếp vấn đề này nhưng có lẽ phải cần một thời gian tương đối dài thì mới giải quyết được”.


Chí Lâm
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm