Lý giải sự man rợ của những cỗ máy giết người - chiến binh thánh chiến IS

10/09/2014 22:00 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) – Nhà nước Hồi giáo là sự tổng hòa của những khái niệm khát máu, tàn bạo, man rợ với hàng loạt hình thức tra tấn, hành quyết con tin một cách đáng kinh tởm.

Có thể những đòn tra tấn, tàn sát ghê rợn như ném đá đến chết, đóng đinh vào người, chôn sống, chặt đầu để thanh lọc tôn giáo và sắc tộc là đi ngược với văn minh loài người, thì đối với IS, đó lại là "nguồn cảm hứng vô tận" để chúng răn đe kẻ thù và chiêu mộ thành viên khủng bố. 

IS tuân thủ một học thuyết về chiến tranh không có giới hạn hay bất cứ ràng buộc nào. Chẳng hạn, chúng không bao giờ thỏa hiệp khi giải quyết tranh chấp, thậm chí cả với những đối thủ Hồi giáo Sunni. Sự bạo lực của IS được cho là có nguồn gốc từ một trong 2 làn sóng khủng bố trước đó, mặc dù quy mô và cường độ hoạt động của chúng còn vượt qua cả ngọn nguồn.
 
Đứa con ác quỷ của al-Qaeda

Làn sóng đầu tiên, dẫn đầu là đệ tử của Sayyid Qutb, một người Ai Cập Hồi giáo cực đoan được coi là lý thuyết bậc thầy của thánh chiến hiện đại, nhắm mục tiêu vào chế độ Ả Rập thân phương Tây thế tục hoặc những gì chúng gọi là “kẻ thù gần”. 


IS vẫn đang tiếp tục triển khai các hoạt động đánh chiếm nhiều vùng lãnh thổ ở Irqa và Syria.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, làn sóng này vẫn hạn chế sử dụng bạo lực chính trị. Bắt đầu với vụ ám sát Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat năm 1980, lực lượng nổi dậy Hồi giáo này chính thức kết thúc vào cuối những năm 1990. Sau gần 20 năm “vùng vẫy”, phiến quân cực đoan thu hút khoảng 2.000 tay súng, và một số lượng lớn các chiến binh còn di chuyển đến Afghanistan để chống lại với Liên Xô cũ.

Những chiến binh chiến đấu ở Afghanistan lại tiếp tục sinh ra làn sóng thứ 2 với mục tiêu cụ thể là chống lại “kẻ thù xa” Mỹ hoặc ở một cấp độ thấp hơn là châu Âu. Dẫn đầu lực lượng là một “nhà cách mạng Ả Rập” giàu có, không ai khác chính là trùm khủng bố Osama Bin Laden. 

Ngày 11/9/2001, Bin Laden thực hiện "cuộc thánh chiến tự vệ", trả đũa cho “tư tưởng thống trị xã hội Hồi giáo của Mỹ”. Tuy nhiên, biện minh cho hành động của mình, trùm khủng bố khét tiếng của al-Qaeda tuyên bố, đó chỉ là “tự vệ chứ không hề gây hấn”.

Sự tàn bạo của IS thậm chí còn vượt lên trên cả những lực lượng khủng bố tiền nhiệm của chúng.

Ngược lại với 2 làn sóng đầu tiên, IS nhấn mạnh hành động bạo lực của mình trên cơ sở thần học và lý thuyết. Vượt ra ngoài học thuyết của Bin Laden khi cho rằng “Khi mọi người nhìn thấy một con ngựa khỏe và một con ngựa yếu thì ai cũng thích con ngựa khỏe”, quan điểm của al-Baghdadi, thủ lĩnh của “cỗ máy giết người” IS, là “chiến thắng bằng chủ nghĩa khủng bố” và IS chính là một con ngựa chiến thắng. 

Chúng chiêu mộ tất cả những ai có cảm tình với IS trên toàn thế giới với lời kêu gọi: “Ra khỏi con đường ấy hoặc bạn sẽ bị nghiền nát, hãy tham gia lữ đoàn của chúng tôi và tạo nên lịch sử”. Thực tế trong vài tháng trước đây, hàng trăm, nếu không nói là hàng nghìn các thành viên Hồi giáo cực đoan, những kẻ từng là kẻ thù của IS, vẫn đáp lại lời kêu gọi của al-Baghdadi.

Nỗi kinh hoàng của thế giới Ả Rập

IS còn vẽ ra hàng loạt chiến dịch tiếp cận tinh vi để kích động và chiêu mộ những thanh thiếu niên người Sunni gia nhập lực lượng của mình. Đặc biệt, với “thành tích” chiếm đóng một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria và Iraq, đồng thời thiết lập một Caliphate (vương quốc Hồi giáo), “tiếng tăm” của IS lại càng vang xa và có những sự ảnh hưởng nhất định đến với những chiến binh cực đoan trên thế giới. Và đó chính là một cơ hội cho IS tuyển mộ thêm thành viên, làm dày lực lượng.

Sức ảnh hưởng này thể hiện rõ ở việc nhiều đàn ông Hồi giáo sinh sống ở các nước phương Tây tham gia IS và các nhóm cực đoan khác vì cảm thấy mình có một trách nhiệm “cao cả” trong cuộc “hồi sinh” lý tưởng đã mất của Caliphate, cũng như bởi suy nghĩ mình là một phần của cộng đồng gắn bó chặt chẽ.

IS tuyên bố đấu tranh chống lại người Shia cần được ưu tiên hơn bất cứ điều gì.

Ban đầu, nhiều thanh niên trẻ đến từ London, Berlin, Paris và nhiều nơi khác di chuyển đến các vùng đất của thánh chiến để “bảo vệ những người cùng tôn giáo bị bức hại”. Tuy nhiên, những phần tử này lại sớm kết thúc “lý tưởng cao đẹp” ấy dưới nanh vuốt của IS và dần trở thành những con quỷ khát máu và các “cỗ máy nghiền thịt”.

Ra sức chống người Shia, IS tự miêu tả mình là mũi nhọn của người Ả Rập Sunni trong cuộc chiến chống chế độ giáo phái, có trụ sở tại thủ đô Baghdad và Damascus. Al-Baghdadi và al-Zarqawi, thủ lĩnh nhóm khủng bố của Al-Qaeda hoạt động tại tại Iraq, đều xem người Shia là những kẻ ngoại đạo cần phải xóa sổ. 

Đi theo bước chân của al-Zarqawi, al-Baghdadi nhiều lần bỏ qua lời thỉnh cầu của Ayman al-Zawahiri, một thành viên xuất chúng của tổ chức al-Qaeda, cũng như hàng loạt thủ lĩnh phiến quân hàng đầu, và không ngừng những hành động tàn sát người Shia ở Iraq và Syria.

Đổ bộ vào Mỹ?

Tận dụng sự mâu thuẫn giữa 2 dòng Hồi giáo Sunni và Shiite đang làm sâu sắc thêm cuộc nội chiến phe phái ở Syria, al-Baghdadi đã xây dựng một cơ sở vững chắc hỗ trợ những người Sunni nổi dậy, đồng thời gài gắm thêm người của mình vào các cộng đồng ở địa phương. Y cũng tái cơ cấu mạng lưới quân sự và kết nạp thêm rất nhiều thành viên giàu kinh nghiệm trong lực lượng quân đội của Saddam Hussein.

Al-Baghdadi, thủ lĩnh của “cỗ máy giết người” IS.

Cho đến nay, IS vẫn tiếp tục tập trung tấn công vào người Shia bởi chúng cho rằng cộng đồng này không phải “kẻ thù xa” – như phương Tây và Mỹ. Và trước khi lao vào cuộc chiến với với những “kẻ thù xa”, IS nỗ lực dồn sức “giải quyết hậu họa” ngay tại quê nhà.

Trong thời gian đỉnh điểm các vụ đánh bom của Israel dội vào Dải Gaza hồi tháng 8, trên phương tiện truyền thông xã hội, các chiến binh lên tiếng chỉ trích IS dữ dội bởi hành động giết hại hàng loạt người Hồi giáo. Đáp trả, IS tuyên bố cuộc đấu tranh chống lại người Shia cần được ưu tiên hơn bất cứ điều gì.

Đến những tuần gần đây, cuộc đối đầu giữa phương Tây, Mỹ và IS đã bắt đầu bùng nổ khi lực lượng này chặt đầu con tin để trả thù cho những cuộc không kích vào các mục tiêu của chúng ở Syria. Không những vậy, nhiều nhà quan sát còn lo ngại Nhà nước Hồi giáo tự xưng sẽ đổ bộ và tấn công châu Âu và Mỹ, thậm chí nhóm sẽ thực hiện các cuộc khủng bố phối hợp như ngày đen tối 11/9 hơn một thập kỷ trước.

Dương Trần
Theo BBC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm