16/09/2015 05:24 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Làng Elchingen nằm ở bang Bavaria của Đức không quen với người nước ngoài. Vì thế vào cuối năm 2013, khi dân làng biết tin họ sẽ phải tiếp nhận vài chục người tị nạn, nhiều người đã phản đối. Họ đi từng nhà trong làng, xin được tới 800 chữ ký nói "không" với người tị nạn.
“Khi ấy tôi thấy thật hổ thẹn vì là dân làng Elchingen" - một người địa phương có tên Renate Willbold-Vajagic chia sẻ. Trải nghiệm từ quá khứ là động cơ để nay, khi người tị nạn từ Syria, Afghanistan, Iraq, Somalia ào ào đổ tới Đức, Renate cùng nhiều người khác ở làng đã lập một nhóm có tên "Bạn của những người tị nạn" nhằm đón tiếp họ thật chu đáo.
"Văn hóa chào đón" người tị nạn
Nỗ lực vận động của họ đã mang lại thành quả ngoài mong đợi. Người tị nạn giờ đã có thể mượn xe đạp từ dân làng để đi tới thành phố gần nhất, nằm cách đó 10 km. Họ cũng có thể học tiếng Đức, mua nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống, nhờ sự giúp đỡ của dân làng.
Đây chính là gương mặt mới của nước Đức, nơi cảm giác trách nhiệm và sự tự tin có thể giúp người tị nạn hòa nhập vào cuộc sống mới, đã biến Đức trở thành ngọn hải đăng của sự nhân văn trong cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay.
Willkommenskultur hay "văn hóa chào đón" của Đức đã lan rộng ra toàn quốc, với tâm điểm nằm ở Munich. Hàng ngày, người tị nạn ào ào đổ tới đây. Họ sẽ lập tức được đưa tới các trung tâm tiếp đón không chính thức, luôn có từ 30 - 200 tình nguyện viên điều hành.
Nhiều tình nguyện viên đã dùng thời gian nghỉ phép của họ để tham gia làm từ thiện. Họ xắn tay vào giúp người tị nạn, từ việc sắp xếp các túi quần áo và thực phẩm, cho tới việc phiên dịch tiếng Arab.
Nhưng không phải ai cũng chấp nhận Willkommenskultur. Chính Đức đã sinh ra Pegida, một nhóm nhỏ nhưng dữ dằn, chuyên có các hành vi bạo lực nhằm vào người tị nạn, kể cả các vụ gây hỏa hoạn nhằm vào nhiều trung tâm tị nạn hay tiến hành biểu tình chống Hồi giáo.
Và ngay cả khi đang đón nhận người tị nạn, Đức lại gây sốc khi khôi phục các biện pháp kiểm soát biên giới với Áo, cánh cổng nơi hàng ngàn người tị nạn đi vào Đức - với hơn 13.000 người chỉ riêng trong ngày thứ Bảy tuần trước.
Dĩ nhiên thái độ chống người tị nạn không phải là đa số áp đảo. “Khi chứng kiến hình ảnh về các hoạt động chống người tị nạn, tôi có cảm giác những kẻ đó đã không còn hợp thời. Họ sử dụng các luận điểm và những lý lẽ giống như đã ra đời từ những năm 1920 - 1930" nhà nghiên cứu Magnus Brechtken nói.
Renate, người làng Elchingen thì tổng kết: "Giờ chúng tôi đã có cơ hội để nói mình chào đón người tị nạn".
Đáp ứng nhu cầu trong nước
Nhưng cách đây chỉ chừng một thập kỷ, Đức đã không thể đưa ra tuyên bố dễ dàng như Renate đã nói. Khi các làn sóng người Nam Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đổ tới Đức trong những năm 1950 và 1960, họ bị gọi là "lao động tạm", bởi dân Đức nghĩ rằng họ sẽ về nước.
Trong những năm 1990, trước làn sóng người tị nạn mới, hình thành từ cuộc chiến vùng Balkan, Thủ tướng Đức Helmut Kohl đã nêu rõ quan điểm: Đức không phải một quốc gia của dân nhập cư.
Ngày hôm nay, những lời của ông không còn đúng nữa. Năm ngoái, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã vượt qua mọi quốc gia khác, ngoại trừ Mỹ, để trở thành đất nước đón dân di cư nhiều thứ hai thế giới.
Có thể nói Đức đã đi tới chỗ như hiện nay thông qua kinh nghiệm lịch sử và qua đường lối thực dụng.Sẽ là sai lầm nếu xem việc có đông người Đức tình nguyện giúp người tị nạn là hành động chuộc lỗi cho quá khứ phát xít. Thực ra đây chính là hành động bảo vệ nước Đức thời hiện đại.
Funke đánh giá rằng Willkommenskultur không đơn giản là phản ứng với "quá khứ tồi", mà nó đã hình thành trong nhiều thập kỷ. Sau khi im lặng không bàn tới hoạt động diệt chủng của chính quyền phát xít trong những năm 1950, Đức đã dần đối mặt với vấn đề chối bỏ những kẻ tới từ bên ngoài.
Đức thu lấy kinh nghiệm từ việc đã không chào đón các lao động tạm thời của những năm 1950 và 1960. Đức cũng rút ra bài học từ các vụ bạo động chống người tị nạn trong những năm 1990. Lịch sử đó giúp Đức bắt đầu cuộc đối thoại với Hồi giáo cách nay cả thập kỷ, để ngày hôm nay đã thừa nhận vai trò không thể thiếu của Hồi giáo trong một đất nước đa dạng về văn hóa, tôn giáo.
Quan trọng hơn, Đức nhận ra rằng xã hội đang già hóa nhanh của nước này rất cần những người di cư. "Từ lâu nay, công chúng đã có quan điểm cho rằng bổ sung người di cư là một phần của chiến lược chống vấn đề già hóa dân số ở Đức" - nhà nghiên cứu Thomas Liebig nói.
Kết quả là Đức đã thay đổi theo hướng cởi mở hơn, gỡ bỏ rào cản với các lao động nước ngoài, nhằm hút nhiều người lao động lành nghề. Gần đây, phòng thương mại Đức đã nỗ lực vận động để được phép thuê người di cư dễ dàng hơn. Điều này cho thấy dưới quan điểm của Đức, người tị nạn mang tới lợi ích, không phải gánh nặng.
Chính quan điểm tiếp cận này đã biến Đức thành một quốc gia lãnh đạo châu Âu như hiện nay. Và đó cũng là lý do nhiều người Đức đang đối mặt với cơn lũ tị nạn bằng sự lạc quan và tự tin, rất hợp với tâm thế của một cường quốc.
Tường Linh (Theo CS Monitor)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất