19h00 ngày 1/12, Tottenham - Man United: Trên lưng con sư tử của Sir Alex

01/12/2013 09:07 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Andre Villas-Boas đã từng mỉa mai rằng David Moyes “không có hào quang của Sir Alex Ferguson”. Nhưng phát biểu chê bai ấy vào thời điểm này hóa ra lại là lời khen ngợi thuyết phục nhất dành cho cựu HLV của Everton.

Đứng dưới cái bóng của Sir Alex khủng khiếp hơn nhiều so với chuyện làm người ta quên đi Harry Redknapp, hoặc là bất kỳ ai không phải Alex Ferguson.

Mô hình toàn trị của bóng đá Anh

Ở nước Anh, người ta gọi các HLV là “Manager” (nhà quản lý), thay vì “Coach” (HLV) như thông thường. Nếu như quyền lực của một Coach chỉ gói gọn trên sân tập và băng ghế kỹ thuật, thì một Manager là người quyết định tất cả: Hoạt động chuyển nhượng (với mô hình Coach, các Giám đốc kỹ thuật sẽ gánh vác trách nhiệm này), chiến lược phát triển, cho đến những chuyện nhỏ nhặt mang tính chuyên môn thuần túy như lên chiến thuật và thay người trong một trận đấu.

Tại Man United, Sir Alex Ferguson là người định đoạt mọi thứ trong gần ba thập kỷ. Cơ chế vận hành của đội bóng này không dựa trên một triết lý chung có thể truyền nối nhiều đời, mà nằm ở những quyết định của nhà quản lý toàn trị Ferguson. Khi ông rời đội, Man United giống như cơ thể mất đi bộ não: Họ đã quen vận hành theo quyết định chủ quan của một mình ông trong nhiều năm, và bây giờ, thiết lập lại một mô thức mới là điều cực kỳ khó khăn. Điều tương tự sẽ xảy ra, với HLV nào thay thế HLV Arsene Wenger ở Arsenal sau này.

Nó khác với cách mà Barcelona hay Bayern Munich vận hành. Các cá nhân, dù quyền hành lớn đến đâu, cũng không phải là người chi phối, mà chỉ là đầu não của mô hình quản lý mạng lưới. Pep Guardiola có rời Barca, thì đội bóng này vẫn sẽ tuân thủ triết lý đã hình thành từ thời Johan Cruyff. Ở Bayern, “không một ai được phép đứng trên đội bóng”, như lời Bastian Schweinsteiger đúc kết. Tất cả đều là mắt xích trong một hệ thống đã đứng vững như cổ thụ.

Cái giỏi của David Moyes

Nếu coi Man United là một mãnh thú nhiều năm đã thuần phục dưới tay Sir Alex, thì Moyes chỉ là một tay dạy thú mới toanh chẳng có tiếng nói gì. Đó là một cú sốc lớn. HLV huyền thoại Bela Guttmann đã từng nói: “Huấn luyện cũng giống như dạy sư tử. Khi anh để lộ nỗi sợ hãi, anh sẽ đi đời.”

Moyes đáng ra đã “đi đời” từ rất lâu. Sư tử không chỉ phát hiện ra nỗi sợ hãi, mà nó đã chồm lên ông kể từ thảm bại 1-4 trên sân của Man City, khoảnh khắc mà Moyes đã cảm nhận rõ nỗi tuyệt vọng. Ông đã cúi gằm xuống trên băng ghế kỹ thuật. Con sư tử này thuộc về Ferguson, không phải ông. Moyes cũng không có quyền tìm một con sư tử mới: Ông chỉ có đúng một tân binh là Marouane Fellaini.

Villas-Boas, ngược lại, có toàn quyền tạo ra một Tottenham theo ý ông. Ngôi sao lớn nhất là Gareth Bale đã rời đội, nhưng mùa Hè này, Spurs đã chi ra 107 triệu bảng để “thay máu” đội bóng. Tottenham, tất nhiên, không phải một con sư tử như Man United. Nhưng nếu Moyes tay không ngồi lên lưng sư tử, thì Villas-Boas đã được mua cho cả một bộ roi da.

Có một vấn đề mà từ đầu mùa đến giờ, Villas-Boas không thể giải quyết được: Tottenham dứt điểm quá tồi. Trừ các quả penalty, họ đã không ghi bàn sau 78 lần dứt điểm gần nhất. Lý do: Vị trí dứt điểm quá tồi, và thời điểm quá nôn nóng. Một vấn đề nhỏ, nhưng đeo đẳng Tottenham suốt 12 vòng.

Ngược lại, ông Moyes đang thích ứng rất tốt với bài toán thiếu Robin van Persie. Cách đây vài ngày, họ đè bẹp Leverkusen 5-0 nhờ bàn thắng của các hậu vệ và tiền vệ. Chân sút Wayne Rooney được kéo về khá sâu để tạo khoảng trống và kiến tạo cơ hội. Man United của Moyes, bất chấp những lời gièm pha, đã bất bại 11 trận trên tất cả các đấu trường, và giành được 14 trong tổng số 18 điểm tối đa trong 6 vòng gần đây tại Premier League.

Không quá khi nói rằng Moyes đang tay không mà thuần phục được con sư tử trong nhiều năm qua chỉ nghe lời mình Sir Alex. “Không có hào quang”, Villas - Boas đã nhận xét thế, nhưng có hào quang (tiền) mà chỉ làm được như ông cho đến lúc này, thì Moyes vẫn xứng đáng được tin tưởng hơn.

Phạm An
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm