20/10/2012 07:44 GMT+7
(TT&VH) - Nhờ Andre Villas-Boas ra đi, Roberto Di Matteo mới được như ngày hôm nay, mới trở thành huyền thoại của Chelsea chỉ sau vài tháng cầm quân. Và nhờ rời khỏi Chelsea, Villas-Boas mới nhận ra những nhược điểm trong cách cầm quân của mình, từ đó khắc phục và tiến lên phía trước.
Di Matteo và con đường cách tân Chelsea
Phải thừa nhận rằng Roberto Di Matteo không phải là người tiên phong trên con đường sexy hóa lối chơi của Chelsea. Abramovich đã bắt đầu những viên gạch đầu tiên của cuộc cách mạng về lối chơi từ giai đoạn Ancelotti còn nắm quyền. Điều chúng ta cần ghi nhận ở đây là cuộc cách mạng của cựu HLV West Brom đã diễn ra suôn sẻ và êm đẹp hơn hẳn so với những triều đại trước như Carlo Ancelotti hay đặc biệt là Andre Villas-Boas, người từng coi ông là trợ lý đắc lực trong quãng thời ngắn ngủi nắm quyền.
Bản chất của vấn đề nằm ở đâu? Đó là việc Di Matteo tỏ ra thức thời hơn trong quá trình chuyển giao giữa cái cũ và cái mới. Ông không tỏ ra quá thủ cựu đến mức không dám tin những con người mới như trường hợp của Carlo Ancelotti. Vị HLV 42 tuổi này cũng chẳng tỏ ra là một người nóng lòng chờ ngày hái quả như Andre Villas-Boas để đến mức xóa bỏ hết những công thần khỏi bộ nhớ của mình. Chính tư duy hài hòa và linh hoạt của ông đã giúp cho Chelsea vững tay chèo trong thời kì quá độ từ lối chơi mang đậm sức mạnh sang lối đá đẹp mắt, đầy quyến rũ như mong ước của Abramovich.
Bảy tháng trước khi nhận nhiệm vụ từ tay AVB, Di Matteo không ngần ngại khơi lại ngọn lửa từ những công thần khai quốc như Terry, Lampard hay Drogba. Chính cách dụng nhân như thế của ông đã đốt cháy những đôi chân tưởng như hết thời kia vùng dậy chiến đấu như thể hôm nay là ngày cuối cùng họ được nhìn thấy thảm cỏ xanh. Liệu pháp tinh thần này đã đưa Chelsea từ thế “tiền hung” sang “hậu kiết”, từ bờ vực của một mùa bóng thảm họa đến những tháng ngày vinh quang với đỉnh cao là chức vô địch Champions League ở Allianz Arena.
Từ cái đêm vinh quang ấy, cuộc cách tân đã được tiến hành một cách mạnh mẽ, nhưng có trình tự. Những cái tên trẻ tuổi như Bertrand, Mikel, Hazard, Oscar có vai trò ngày một lớn hơn ở Stamford Bridge. Ở một chiều hướng khác, đám công thần còn sót lại như Terry, Lampard hay Cole vẫn được Di Matteo trọng dụng trong những thời điểm nhất định như một lời chứng minh rằng họ chưa phải là những món hàng quá đát. Điều này khác hẳn với tư duy có phần cực đoan của Andre Villas-Boas, vốn gây mất lòng cho những “đại ca” trong phòng thay đồ ở Stamford Bridge. Sân tập Cobham dưới thời Di Matteo chưa bao giờ có bất kì sóng ngầm nào, thay vào đó là những tiếng cười nói vui vẻ giữa những cái tên cũ và mới.
AVB và bài học từ Chelsea
Gạt đi những tháng ngày u tối ở Stamford Bridge, Andre Villas-Boas chấp nhận làm lại từ đầu ở một đội bóng vừa tầm hơn như Tottenham. Đó quả là một điều không dễ dàng khi người ta vẫn coi ông như là “Mourinho đệ nhị”. Với danh xưng ấy, AVB hoàn toàn có thể kiếm cho mình một chỗ làm ngon lành hơn ở Châu Âu như Valencia hay Inter Milan. Nhưng giống như tính cách của Mourinho, Villas-Boas không hề tồn tại khái niệm đầu hàng. Ông chấp nhận quay trở lại Premier League một lần nữa, và chọn một đội bóng không quá mạnh nhưng rất giàu tham vọng để tìm lại hình bóng của chính mình.
Điều đáng ghi nhận ở chiến lược gia 35 tuổi trong lần trở lại này là thái độ cầu thị và cách đón nhận sự thay đổi, thứ mà ông đã không làm được ở Chelsea. Có thể, hành trang vinh quang ở Porto cùng sự bốc đồng của một chiến lược gia trẻ người non dạ khiến AVB có phần hơi ngạo mạn khi dám mạnh tay gạt bỏ những Lampard, Drogba hay Terry ra trong bối cảnh cả hệ thống vẫn chưa kịp điều chỉnh.
Chính bài học đau thương ấy đã dạy ông ở Tottenham. Còn nhớ, trước trận đại chiến với M.U, Villas-Boas đã bị các học trò của mình phàn nàn về cách tiếp cận chiến thuật có phần quá tiêu cực cũng như việc thường giao bài tập quá nặng khiến cầu thủ thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi. Đó là yếu tố khiến cho đội chủ sân White Hart Lane trải qua chuỗi ba trận đầu mùa không biết đến mùi chiến thắng. Lập tức, chiến lược gia người Bồ Đào Nha tiếp thu và thay đổi phương pháp khi quay trở về lối đá tấn công như đã từng có dưới thời Harry Redknapp. Hiệu quả của sự đổi mới đến ngay tức thì. Sau 23 năm dài đằng đẵng, Tottenham cuối cùng đã đánh sập được pháo đài Old Trafford.
Tiếp đón đội bóng cũ đêm nay, Andre Villas-Boas không có mong muốn gì hơn ngoài một chiến thắng. Chiến thắng không chỉ để cắt đứt mạch bất bại của đối thủ. Đánh bại The Blues còn là một màn trả thù ngọt ngào cho thói quen thiếu kiên nhẫn của tỷ phú Abramovich. Và 3 điểm ở đây sẽ còn là một lời khẳng định rằng ông đã sẵn sàng trở lại với vị thế của một “Mourinho đệ nhị”.
Dự đoán: 2-2
Đức Hùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất