Tottenham: Cách mạng kiểu Ramos

01/08/2008 10:26 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Liverpool hiện tại chỉ còn sót lại 2 gương mặt đáng kể từ thời Houllier: trung vệ Carragher và tiền vệ Gerrard. Nhưng để thực hiện cuộc cách mạng ở Anfiled và xây dựng đội bóng theo ý đồ của mình, Benitez đã mất đến 4 năm. Người đồng hương TBN của ông, Juande Ramos, chỉ cần 10 tháng để thực hiện cuộc cách mạng tương tự ở White Hart Lane.

Mùa Đông là bộ ba ở hàng thủ Woodgate, Gilberto và Hutton. Mùa Hè này, ngoài thủ thành Gomes, những chữ ký của Ramos đều hướng đến khung thành của đối phương. Bentley đã có buổi họp báo ra mắt vào hôm qua, trở thành tân binh đáng giá thứ 4. Theo dự kiến, Arshavin sẽ có mặt ở London vào ngày mai để hoàn thành vụ chuyển nhượng từ Zenit sang Tottenham. Tuần tới là Pavlyuchenko...

Quyền lực

Cứ mỗi ngày đi qua, Spurs thay đổi rõ rệt dưới bàn tay của Ramos. Từ lối chơi đến nhân sự. Thực ra, không phải đợi đến mùa Hè này Tottenham mới mua bán rầm rộ. Cách đây 1 năm, khi Martin Jol còn tại vị, họ đã ném vào TTCN đến 40 triệu bảng. Nổi tiếng nhất là mùa giải 2005-2006: chi gần 50 triệu bảng để mua... 30 cầu thủ trong 2 kỳ chuyển nhượng Hè và Đông. Nhưng giữa 2 triều đại vẫn tồn tại sự khác biệt lớn ở khía cạnh thay đổi nhân sự. Trước đây, Spurs mua cầu thủ theo đề xuất của GĐKT Damien Comolli, nổi tiếng láu cá và ma mãnh, chứ không phải của Jol. Comolli đưa ai về, Jol dùng người ấy. Không hề tồn tại điều ngược lại, nghĩa là Comolli chỉ được phép mua theo yêu cầu của Jol. Mùa hè trước, Martin Jol đề xuất mua Martin Petrov (sau đấy gia nhập Man City) nhưng Comolli lại đưa về chân sút Darren Bent.

Ramos không chấp nhận thực trạng ấy. Khi đàm phán với BLĐ Tottenham, Ramos cho biết ông sẵn sàng đương đầu với áp lực lớn và theo đuổi những tham vọng cao xa; nhưng với điều kiện phải được trao quyền lực. Thứ nhất, ông phải được độc lập trong những vấn đề liên quan đến chuyên môn. Thứ hai, CLB phải thực hiện hoạt động chuyển nhượng theo yêu cầu của ông. Ở Premier League hiện tại, chỉ có 3 HLV được trao quyền hành ấy, gồm Ferguson của M.U, Wenger của Arsenal và Moyes của Everton. Cả 3 người ấy đều là những tượng đài ở đội bóng của họ sau thời gian dài cống hiến.
 
HLV Juande Ramos (bìa phải) và các tân binh của Tottenham
 
Với cây vương trượng trong tay, Ramos đã xây dựng đội hình theo đúng ý đồ, tư tưởng chiến thuật của ông. Những Modric, Giovani Dos Santos, Arshavin, Pavlyuchenko... không thuộc mẫu cầu thủ đặc trưng Premier League (cơ bắp, khỏe, tranh chấp tốt). Nhưng họ đều là những cầu thủ chơi bóng thiên về kỹ thuật cá nhân và tốc độ. Ramos từng xây dựng một Sevilla hùng mạnh từ những con người, lối chơi tương tự.

Triệt để

Sau chức VĐ Cúp Carling, danh hiệu đầu tiên của Spurs sau 17 năm, Ramos tiến đến mục tiêu lọt vào tốp 4, nghĩa là phá vỡ sự thống trị của tứ đại gia bóng đá Anh. Ramos sẽ gặp không ít thách thức với tham vọng này. Giới chuyên môn không mấy tin vào sự thành công của Ramos. Nhưng ít nhất, vị HLV người TBN ấy đã dám làm và làm một cách triệt để vì tham vọng.

Sau 1 năm, Ramos gần như đã thay nguyên đội hình của triều đại cũ Martin Jol. Trong trường hợp Berbatov ra đi (khả năng cực lớn), chỉ còn 2 người sót lại trong đội hình chính là Ledley King và Jermaine Jenas. Trong khi King là thủ quân thì Jenas đã gương được ấn tượng nhất định với Ramos. Hôm 30/7 vừa qua, nỗ lực của Jenas đã được đền đáp bằng bản hợp đồng mới có thời hạn 5 năm. Dù vậy, vị trí của họ cũng lung lay dữ dội. Vấn đề của King là chấn thương liên miên. Với Jenas, nếu muốn đá chính thường xuyên thì phải chấp nhận chơi thiên về phòng ngự khi mà vai trò đạo diễn ở giữa sân sẽ được trao cho Modric, một trong những phát hiện lớn của EURO 2008.

Thay đổi triệt để, không có nghĩa thành công sẽ đến. Nhưng ít nhất vào thời điểm này, trước những thay đổi to lớn ấy, người hâm mộ Spurs đã dám nuôi những hy vọng cao xa. Sau Cúp Carling là Cúp FA? Sau Cúp UEFA, họ sẽ dự Champions League. Biết đâu, họ sẽ được ngồi lên ngai vàng Premier League. Với Ramos, không có gì là không thể. Hãy nhìn lại Sevilla dưới bàn tay chèo lái của ông...

Mua sướng tay - 100 triệu bảng

Thời ở Sevilla, Ramos hiếm khi được chứng kiến cảnh chào đón những ngôi sao trị giá vài chục triệu bảng. Thay vào đó, ông phải chiều ý BLĐ, tiễn các trụ cột ra đi để làm đầy két sắt. Chữ ký đắt giá nhất của Ramos khi còn dẫn dắt Sevilla là Chevanton và Keita, cùng có giá vỏn vẹn 8 triệu euro (6,5 triệu bảng). Đây là một trong những nguyên nhân khiến HLV giàu tham vọng này ra đi và tìm đến nước Anh. Ở Tottenham, ông được phép mua sướng tay. Mùa Đông vừa qua, ông đã mua bộ ba Hutton, Woodgate và Gilberto với tổng giá trị lên đến 20 triệu bảng. Mùa hè này còn "khủng" hơn: 16,5 triệu bảng cho Modric, 8,7 triệu bảng cho Dos Santos, 7 triệu bảng cho Gomes và 17 triệu bảng cho Bentley. Vụ Arshavin sẽ tốn kém từ 19 đến 21 triệu bảng. Với Pavlyuchenko là 15 triệu bảng. Như vậy, chỉ trong vòng 10 tháng với Ramos, Tottenham đã chi ra hơn 100 triệu bảng để mua sắm cầu thủ.

Quay lưng người TBN?

Khi Ramos đặt chân đến nước Anh, người ta dự báo Ramos sẽ thực hiện cuộc cách mạng Tây Ban Nha ở White Hart Lane, như Benitez đã làm ở Anfield. Nhưng thật kỳ lạ, tính đến thời điểm này, Ramos chưa mua bất kỳ cầu thủ người Tây Ban Nha nào. Gần đây, có tin Ramos liên hệ với chân sút David Villa của Valencia. Tuy vậy, Ramos đã phủ nhận thông tin này vào ngày hôm qua và minh chứng là Arshavin và Pavlyuchenko sắp thuộc về Tottenham.

Quan điểm "quay lưng đồng hương" của Ramos có nét giống với Martin Jol. 3 năm dẫn dắt Tottenham, Martin Jol chỉ sử dụng đúng 1 cầu thủ người Hà Lan, Edgar Davids. Nhưng đây lại là bản hợp đồng theo dạng mượn từ Inter.
 
Đức Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm