06/05/2011 11:45 GMT+7 | Bóng đá Italy
(TT&VH)- Hai bàn thắng vào lưới Bari, bàn thứ 205 và 206 trong sự nghiệp ở Serie A, để rồi sau đó giơ ra chiếc áo trong có dòng chữ bằng tiếng Anh “The king of Rome is not dead” (Vua của La Mã không chết). Phải, vị vua ấy vẫn còn sống sờ sờ ra đấy, lúc người ta tưởng rằng anh đang hết thời. Anh vẫn chiến đấu hàng tuần, ghi bàn thắng và chinh phục những kỉ lục.
Vua La Mã không chết
Trong ánh mắt hơi có chất Don Juan nhưng sáng rực vì chiến thắng và những bàn thắng của Totti những ngày này, có những ánh lửa mạnh mẽ của Schillacci ở Italia 90 trước khung thành, có niềm hân hoan của Tardelli sau bàn quyết định vào lưới Đức trong trận chung kết Espana 82, lại có cả ánh mắt buồn của Baggio trong ngày chia tay sân cỏ 7 năm về trước. Khi tôi viết những dòng này, Milan cũng sắp đăng quang như ngày ấy. Trận đấu cuối cùng trên sân cỏ của Baggio thần thánh cũng là trận đấu mà Milan đăng quang trên sân San Siro. 7 năm rồi nhỉ. Bao người đã yêu, đã lấy rồi lại chia tay. Bao nước đã chảy qua dưới những chân cầu. Và khi một mùa bóng nữa sắp khép lại, sau những Baggio, Maldini, Nedved đã lần lượt chia tay chúng ta, trong khi những ngôi sao ít sáng hơn họ lần lượt lặng lẽ đi vào bóng tối, các tifosi tự hỏi, đến bao giờ chúng ta sẽ lại viết những lời tạm biệt đối với những người Totti, hay Del Piero. Chẳng lâu nữa đâu.
Dường như càng vào những năm tháng cuối cùng sự nghiệp của những ngôi sao thuộc về một thế hệ đang dần lùi vào dĩ vãng, họ càng sống mạnh mẽ và gấp gáp hơn. Hoàn toàn có thể hiểu được Totti đã phát khùng như thế nào ở đầu mùa này khi anh liên tục bị Ranieri đầy lên ghế dự bị để nhường chỗ cho Borriello, một trung phong thực thụ mà Roma nhiều năm nay không sở hữu. Anh đã nổi loạn. Những cột mốc lớn trong sự nghiệp cứ thế được chinh phục sau khi anh đá đổ Ranieri để bạn anh (Montella) lên nắm quyền. Càng đi đến những năm cuối thì Totti càng làm tất cả những gì có thể để được gần với khung thành đối phương hơn. Nỗi đam mê điên loạn với những bàn thắng của anh trong 5 năm nay đã khiến Roma không có một trung phong, khiến mỗi khi Totti vì một lí do nào đó không thể ra sân lại buộc tất cả phải nhắc đến anh, khiến các romanista phải sống theo nhịp cảm xúc cũng như sự lành lặn ở đôi chân và cái đầu gối luôn đau nhức của anh. Anh kiếm tìm những bàn thắng cho riêng mình, theo tất cả các cách có thể và hãnh diện đến ngạt thở trước những dòng tít báo to cỡ đại bác ca ngợi anh và những chiến công. Đấy không còn là một Totti vì tất cả như những năm tháng anh lùi lại phía sau để nhường chỗ cho những chân sút khác lập công.
Sự ích kỉ ấy không quá khó hiểu. Nó cũng giống như việc Inzaghi tội nghiệp trong những năm qua nằm viện nhiều hơn ra sân thi đấu không chịu chuyền cho bất cứ ai mà cứ muốn sút bằng được về khung thành đối phương khi anh có bóng. Phải, những người hùng lúc sắp mạt vận bao giờ cũng muốn vơ vét thêm bất cứ chiến công nào có thể. Với những cầu thủ mang tính biểu tượng, đấy chính là là những bản anh hùng ca cuối cùng của họ. Nhưng mỗi người thực hiện những anh hùng ca ấy khác nhau. Totti thèm khát những bàn thắng, nhưng với Baggio là những lần trụ hạng ở Serie A, một kì tích thực sự đối với Brescia, tình yêu cuối đời bóng đá của anh; và với Maldini, là chiến thắng của Milan, là sự thành công trong vai trò của cầu nối giữa quá khứ với tương lai của một đội bóng đang trong quá trình phục hưng. Ngày mà Baggio ghi bàn thứ 200 trong sự nghiệp ở Serie A (vào lưới Parma, tháng 2/2004), tất cả các khán giả Serie A đều đứng cả dậy và vỗ tay rất lâu. Ngày Totti ghi bàn, niềm vui ấy không “lây nhiễm” đến toàn bộ các sân cỏ nước Ý, chỉ có các romanista ăn mừng, nhưng hạnh phúc ấy cũng chính là hạnh phúc chung của cả calcio. Một kết cục đẹp sẽ đến với Totti, và cả Del Piero? Hy vọng thế. Sẽ không như lúc Maldini giã từ San Siro với một số băng rôn chống lại anh, không như Nedved chia tay chỉ vì Juve không gia hạn thêm cho anh hợp đồng.
Rồi họ cũng bỏ chúng ta đi
Những ngôi sao lớn nhất thuộc thế hệ những người anh hùng đều đã bỏ rơi chúng ta. Ngày Baggio giã từ sân cỏ vào tháng 5/2004, đúng ngày Milan đăng quang lần gần nhất, calcio mất đi một trong những biểu tượng lớn nhất của nó. Người Ý không khóc. Nước mắt đàn ông thường chảy vào trong. Nhưng họ đau đớn nhận thấy rằng, không gì có thể níu kéo được con người đã 18 năm sống và đem đến cho calcio những gì đẹp và đau buồn theo nghĩa nhân bản nhất mỗi tuần. Hồi đó, tôi viết, “calcio đã không còn lãng mạn nữa. Vậy mà chủ nhật này anh lại bỏ chúng ta đi”. Ngày ấy, Kaka đá mùa đầu tiên trong màu áo Milan và Shevchenko, vẫn còn là Sheva, cuối năm ấy đoạt Quả bóng vàng. Sheva rũ áo ra đi năm 2006, Kaka năm 2009, cũng là năm Maldini giã biệt sân cỏ sau 1/4 thế kỉ biến calcio thành một thứ bùa mê tôn giáo đối với hàng triệu tifosi. Cũng năm ấy, “la furia Ceca”, cơn giận dữ Czech, biệt danh của Nedved, cũng thôi điên giận sau 13 mùa bóng bùng nổ trên các sân cỏ Serie A. Calcio giờ lại đang chia tay với một thế hệ khác, mà những đại diện ưu tú của nó, những người sáng chói nhất trong bao năm qua và thành quả lớn nhất là chiếc Cúp vàng VĐTG năm 2006, cũng đang chuẩn bị hành trang cho cuộc sống sau bóng đá. Chỉ dăm năm nữa thôi, sẽ không còn ai thấy họ nữa.
Calcio cần những thần tượng lớn để không chỉ làm chỗ dựa về mặt kĩ thuật mà còn là chỗ dựa lớn về mặt tinh thần đối với các tifosi và là biểu tượng của giải đấu, nhất là trong cơn khủng hoảng hiện tại. Những năm 1990, đầu 2000, khi những ngôi sao cũ lần lượt ra đi, khoảng trống của họ nhanh chóng được khỏa lấp, và nỗi cô đơn của các tifosi không kéo dài quá lâu. Nhưng bây giờ, khi kỉ nguyên lãng mạn của calcio, với những gương mặt như của Baggio hay Totti đang khép lại, sau họ có ai? Đằng sau những tượng đài lớn là một khoảng trống kinh người. Thế hệ hậu 2006 chưa có bất cứ ngôi sao lớn nào. Lứa hiện tại điểm mặt đâu còn ai có thể trở thành những biểu tượng như những người đã và đang “sửa soạn hành lí” để ra đi? Buồn, nhưng vẫn vững tin, dù những biểu tượng ấy già đi theo tháng năm thì tình yêu của các tifosi với họ cũng dầy lên mỗi ngày. Đấy là lí do mà nhiều tifosi gạo cội, chỉ muốn gọi họ là “anh” mãi mãi, chứ không là “ông”, vì với họ, những thần tượng ấy không bao giờ già và chết đi. Nhiều người trong các tifosi thậm chí không bao giờ muốn các thần tượng của họ trở lại sân cỏ trên cương vị HLV. Họ không muốn hình ảnh cũ bị bào mòn.
Những biểu tượng khác đã bỏ chúng ta đi. Totti, Del Piero và Zanetti cũng không lâu nữa. Chỉ tình yêu calcio là ở lại…
Anh Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất