16/04/2025 20:17 GMT+7 | Văn hoá
Hưởng ứng Ngày SHTT Thế giới và hướng tới kỉ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Cục Bản quyền tác giả phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chuỗi sự kiện tuyên truyền về bảo hộ quyền tác giả âm nhạc tại TP. Hồ Chí Minh.
Hướng tới Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 năm nay với chủ đề Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp cùng các cơ quan, ban ngành liên quan tổ chức chuỗi sự kiện đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh. Một trong số những mục tiêu được hướng tới là tôn vinh những đóng góp của người làm nhạc và nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống Sở hữu trí tuệ (SHTT) trong việc bảo vệ và thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa này trong bối cảnh kỷ nguyên số đang đặt ra nhiều thách thức.
Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức chuỗi sự kiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, trọng tâm là trên lĩnh vực âm nhạc tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: COV)
Điểm nhấn của chuỗi hoạt động là hai sự kiện diễn ra vào ngày 20/4/2025. Đầu tiên là chương trình giới thiệu, giao lưu về bản quyền âm nhạc với chủ đề Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ tôn vinh sáng tạo âm nhạc và lan tỏa thông điệp "TP.HCM là thành phố sáng tạo nghệ thuật". Sự kiện bao gồm giao lưu với nghệ sĩ, nhạc sĩ, biểu diễn ca khúc, tương tác khán giả và vinh danh những đóng góp cho bản quyền âm nhạc.
Sự kiện thứ hai là Chương trình tọa đàm về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc với chủ đề Đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc. Tọa đàm sẽ là diễn đàn để trao đổi về thực trạng tổ chức sự kiện âm nhạc, định hướng phát triển, khó khăn vướng mắc và đề xuất các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ và các cơ quan quản lý.
Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế về quyền tác giả và đang hoàn thiện pháp luật để theo kịp xu thế. Luật SHTT sửa đổi năm 2022 đã tạo hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn trong bảo vệ quyền tác giả, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc. (Ảnh: Wipo.int)
Hằng năm, ngày Sở hữu trí tuệ thế giới là dịp để cộng đồng quốc tế tôn vinh những thành tựu mà SHTT mang lại cho đổi mới, sáng tạo và phát triển văn hóa - nghệ thuật. Năm 2025, thông điệp tập trung vào âm nhạc, một ngành công nghiệp văn hóa cốt lõi, và SHTT như "bệ phóng" cho sự lan tỏa và phát triển bền vững của nó, đặc biệt trong kỷ nguyên số. Thông điệp này cũng nhằm tôn vinh những nhà sáng tạo, nhà phát minh và doanh nhân đã tạo ra âm nhạc kết nối, khơi gợi cảm xúc và truyền cảm hứng.
Sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số mang lại cơ hội lớn cho người làm nhạc tiếp cận công chúng và tạo ra giá trị kinh tế. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra thách thức về xâm phạm bản quyền. Trong hệ thống SHTT, quyền tác giả và quyền liên quan đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ tác phẩm âm nhạc, đảm bảo thu nhập cho nghệ sĩ và khuyến khích đầu tư vào sáng tạo.
Trong kỷ nguyên số và sự phát triển của AI, việc bảo vệ âm nhạc bằng các công cụ pháp lý hiệu quả là vô cùng quan trọng. Hệ thống SHTT đóng vai trò là cầu nối giữa người sáng tạo, người sử dụng và nhà đầu tư, góp phần xây dựng một hệ sinh thái âm nhạc công bằng, phát triển và bền vững. Hãy cùng "Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ" – lắng nghe tiếng nói của người nghệ sĩ, chung tay kiến tạo một môi trường âm nhạc công bằng, nhân văn và giàu bản sắc.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất