27/07/2021 00:00 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Từ ngày 26/7, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ cho phép dịch vụ shipper vận chuyển hàng hóa thiết yếu và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Chiều 26/7, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản về việc tăng cường quản lý hoạt động xe môtô ứng dụng công nghệ phục vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu (dịch vụ shipper) trong thời gian Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16-CT/TTg; trong đó, các đơn vị phải giảm nhân viên giao hàng và có thẻ nhận diện.
Theo đó, từ ngày 26/7, thành phố chỉ cho phép dịch vụ shipper vận chuyển hàng hóa thiết yếu và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng điều chỉnh, bổ sung các giải pháp phòng chống dịch. Trong số đó, các đơn vị rà soát đội ngũ nhân viên giao hàng và thực hiện điều chỉnh giảm 10% số lượng nhân viên so với trước thời điểm thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 22/7).
Về đặc điểm nhận diện shipper, ngoài các giải pháp nhận diện như hiện nay gồm: đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành của doanh nghiệp cấp cho shipper, ứng dụng quản lý đơn hàng mà shipper đang giao nhận..., các đơn vị chủ động làm bảng tên thẻ cứng có hình, xác nhận của công ty cho từng shipper và ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR Code.
Mã QR Code phải hiển thị đầy đủ thông tin về shipper; phương tiện, địa chỉ công ty, nơi cư trú của shipper, giao hàng, người đặt hàng, lộ trình vận chuyển hàng hóa thiết yếu và chi tiết hàng hóa thiết yếu được vận chuyển... Ngoài ra, shipper thực hiện băng đeo tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20cm, in chữ “Shipper” màu trắng.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng siết chặt địa bàn hoạt động của shipper; yêu cầu các đơn vị triển khai hoạt động cho dịch vụ shipper tổ chức hoạt động theo khu vực để thuận tiện cho quản lý, cũng như ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Mỗi shipper chỉ được hoạt động trên địa bàn một quận huyện, thành phố Thủ Đức.
Đối với đơn vị không quản lý bằng ứng dụng công nghệ (nhân viên giao hàng của các siêu thị), các đơn vị cung ứng dịch vụ thực hiện quản lý theo các biện pháp yêu cầu nêu trên và tập hợp đăng ký danh sách shipper gửi Sở Công Thương xác nhận.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu các đơn vị phối hợp với các cơ quan y tế tổ chức xét nghiệm nhanh theo định kỳ cho đội ngũ shipper của đơn vị (khuyến khích thực hiện xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần). Thường xuyên nhắc nhở đội ngũ shipper tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch trong quá trình tham gia giao thông cũng như giao nhận hàng hóa; trang bị chai xịt khuẩn cho shipper để khử khuẩn trong quá trình giao nhận hàng hóa.
Định kỳ hàng ngày, thực hiện đăng ký danh sách đội ngũ shipper và địa bàn hoạt động về Sở Công Thương và Sở Giao thông Vận tải để tổng hợp thành dữ liệu dùng chung của các cơ quan quản lý và phục vụ tra cứu, nhận diện shipper khi cần thiết… Các đơn vị chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp để nhân viên giao hàng của mình vi phạm về mục đích vận chuyển và không đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch trong quá trình hoạt động.
Theo ghi nhận, trong ngày 26/7, nhiều shipper đã không nhận đơn hàng hoặc tắt app (ứng dụng) do lo ngại bị phạt khi vận chuyển hàng hóa không thiết yếu. Đối với các shipper khi nhận đơn hàng, thường chọn lựa khá kỹ; đảm bảo mặt hàng vận chuyển là hàng hóa thiết yếu để tránh bị phạt hoặc phải quay đầu xe tại các chốt kiểm soát.
Chị Lê Thị Hiền, chuyên bán đồ ăn giao hàng qua shipper (ngụ huyện Hóc Môn) cho biết cả 20 đơn hàng dự kiến giao ngày 26/7 đều không thể chuyển hàng đi do shipper không nhận. Dù chỉ là giao hàng trong địa phận cùng xã và phí ship khá cao, nhưng shipper đều hủy chuyến.
Hiện nay, hầu hết các ứng dụng giao hàng cũng đã ra thông báo khuyến cáo khách hàng chỉ nên gửi các hàng hóa trong danh mục hàng thiết yếu mà các đơn vị này đưa ra.
Trong khi đó, sàn thương mại điện tử Sendo cũng ra thông báo khuyến khích người dùng chỉ nên mua các mặt hàng thiết yếu vào lúc này. Các mặt hàng không thiết yếu có thể chờ sau khi dịch giảm bớt và việc lưu thông hàng hóa được thuận tiện. Ngoài ra, việc giao nhận các đơn hàng không thiết yếu cũng bị chậm lại do cơ quan chức năng yêu cầu ngừng giao nhận.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất