06/09/2016 06:38 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Trần Anh Hùng vẫn dành những lời trìu mến nhất dành cho người bạn đời, người đồng nghiệp đã song hành với anh trong suốt sự nghiệp làm phim, nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê.
Trong bộ phim Vĩnh cửu (Eternité), Trần Nữ Yên Khê đảm trách vai trò như một giám đốc mỹ thuật, đảm bảo toàn bộ phần nhìn của bộ phim. Đây là công việc chị đã làm nhiều năm nay mỗi khi chồng của chị là đạo diễn Trần Anh Hùng làm phim mới.* Phim của anh có quốc tịch, ngôn ngữ rất đa dạng, khi là phim tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật, bây giờ là phim tiếng Pháp. Tại sao vậy?
- Thông thường tôi chỉ làm phim khi bắt gặp một cuốn sách, một câu chuyện hay. Điều đó như thể là đề tài đó chọn mình. Phim Eternité, bắt nguồn từ tiểu thuyết thuyết L’élegance des veuves của nữ văn sĩ Alice Ferney, cho tôi cảm xúc rất mạnh.
Tôi đã khóc từ đầu đến cuối khi đọc cuốn này. Tiểu thuyết gợi cho tôi một thứ ngôn ngữ điện ảnh mới, rất khó, là một thử thách rất khủng khiếp. Những gì mình đã học được từ những phim trước đó không thể áp dụng được với phim này. Chính vì thế tôi càng muốn làm.
Với tôi, quốc tịch phim không quan trọng, quan trọng là ngôn ngữ điện ảnh. Điện ảnh là một quốc tịch riêng, mình phải học ngôn ngữ đó để nói một cách tinh tế và hay.
* Tiểu thuyết này có liên quan đến phụ nữ, tình mẫu tử. Anh cũng từng làm nhiều phim về thân phận phụ nữ. Đây có phải đề tài anh thực sự quan tâm?
- Tôi không suy nghĩ nhiều về đề tài này. Trong dự án này, cảm xúc mà tôi nhận được là sự trôi của thời gian, không thể ngừng lại được. Rồi một hôm nào đó mình sẽ chết đi nhưng không quan trọng.
Điều đó chỉ như một nụ cười nhè nhẹ đặt lên đời sống. Nhân vật trong truyện ra đời, họ có con cái, con cái họ chết trước họ, một số sống sót, một số người kết hôn, lại đẻ con cái. Rồi lại giống nhau hết, đều chết cả. Tác phẩm này này tạo ra cảm xúc rất đặc biệt, mà tôi chưa bao giờ cảm thấy từ một bộ phim.
* Anh làm phim này, phải chăng vì tiểu thuyết phù hợp với những suy nghĩ trong độ tuổi của anh?
- Đúng thế. Nó có một liên hệ với tuổi của tôi. Đến tuổi này lâu lâu cũng có cảm giác hơi buồn buồn về đời sống. Mình hiểu là có những cái mình muốn trải qua, mình luôn nghĩ mình còn thì giờ, nhưng thật ra nó đã qua rồi, nó không bao giờ trở lại nữa. Cuốn sách này gợi cho tôi cảm giác đó.
* Phim không lọt vào LHP Cannes, Venice, anh có buồn không?
- Tôi rất biết tôi đã làm được cái gì, tôi tự cân, đo được. Tôi cũng rất tiếc khi các LHP lớn không chọn bộ phim này.
* Khán giả ở Pháp có nghi ngờ gì khi người Á làm phim về châu Âu thế kỷ XIX không?
- Khi cầm kịch bản trong tay, muốn làm phim, bản thân nhà làm phim phải có tầm hiểu biết đầy đủ, thậm chí vượt cả kịch bản đó.
Với tôi quan trọng là ngôn ngữ điện ảnh có thật hay không. Thật từ ngôn ngữ điện ảnh ra, chứ không phải từ chất tài liệu của nó. Mình có thể nói vấn đề không hiện thực nhưng người ta tin, điều đó chỉ có được với ngôn ngữ điện ảnh tốt.
* Khó khăn lớn nhất khi làm bộ phim này?
- Thực ra cái gì cũng khó, vì đây là ngôn ngữ điện ảnh hoàn toàn mới. Trên trường quay, khi quay một cảnh, tôi rất khó biết nó được hay chưa, mình có thể nhảy qua cảnh khác hay không. Tôi chỉ biết dựa vào linh cảm, độ nhạy cảm mà thôi. Trong phim không có cảnh nào cả, chỉ có những giây phút, rồi lại nhảy qua hình ảnh khác.
Vì câu chuyện trải dài trong một thế kỷ, nên tôi bỏ qua các chi tiết, lược bớt cốt truyện, thậm chí tâm lý của nhân vật. Tôi muốn tạo ra nhịp độ, cảm giác thời gian trôi. Ngay cả 2 cuộc thế chiến trong phim cũng chỉ điểm xuyết.
Mỗi ngày quay phim xong, tôi không có cảm giác cụ thể ví dụ như hôm nay mình quay được hai cảnh tuyệt hay, mà mình chỉ thấy trên màn hình hai người đi qua đi lại, nhìn nhau rồi cười. Làm sao tạo ra một bộ phim với những hình ảnh đó đây? Điều đó đã tạo ra sự sợ hãi chỉ có riêng tôi gánh.
* Phim ít thoại do tiểu thuyết hay do anh chủ định?
- Vì văn phong của Alice Ferney rất hay nên tôi muốn đưa nguyên những câu văn vào trong phim. Tôi đã sử dụng một người dẫn chuyện, giọng đọc đó do Yên Khê thể hiện. Tôi chọn Yên Khê vì cô ấy có giọng nói rất hay, tôi rất mê giọng đó. Trong tiểu thuyết cũng rất ít lời thoại, tôi quyết định không thêm thoại.
* Với đạo diễn Trần Anh Hùng, tới giờ nữ diễn viên Yên Khê vẫn hấp dẫn vậy sao?
- Tất nhiên (cười), vì cô ấy có rất nhiều khuôn mặt khác nhau trong đời sống, tạo một sự hấp dẫn lớn.
* Yên Khê luôn song hành với anh, phụ trách một công việc gì đó trong đoàn làm phim. Có hay không trách nhiệm một người chồng cần nâng đỡ người vợ?
- Không đâu, chúng tôi làm việc chung vì thấy vui, và thấy có hiệu quả. Làm việc vì trách nhiệm là không có. Nếu như vậy sẽ chỉ tạo ra phim dở.
Trong phim này Yên Khê chịu trách nhiệm toàn bộ những gì chúng ta nhìn thấy trên màn ảnh: như bối cảnh, trang phục, màu tường, màu hoa lá... Đó là trách nhiệm rất nặng nề. Còn tôi chỉ toàn tâm toàn ý vào máy móc, diễn viên. Có thể coi Yên Khê là Hùng thứ hai trong bộ phim này. Tôi hoàn toàn tin tưởng giao phó nhiệm vụ đó cho Yên Khê.
* Anh còn ý định làm phim về đề tài Việt Nam không?
- Có ý nghĩ thôi, chứ tôi chưa có kịch bản. Tôi cũng không muốn công bố trước, vì nhiều lúc kiểu như là 10 năm sau vẫn nói đến chuyện đó thì hơi chán.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất