Cầu thủ HAGL sút xa tốt nhất V-League 2015: Đâu là bí quyết?

23/04/2015 05:25 GMT+7 | V-League

(giaidauscholar.com) - Cú ra chân từ khoảng cách đến 30m của Hồng Duy đưa trận đấu HAGL-Đồng Nai trở lại vạch xuất phát. Thanh Hậu với pha cứa lòng “9 điểm” (góc chữ A) có chủ ý giúp đội chủ sân Pleiku giành được lợi thế dẫn bàn. Tiếc rằng, “những đứa trẻ của bầu Đức” đã không thể bảo vệ được thành quả, để mất 2 điểm cực kỳ quý giá trong những phút cuối trận.

Có nhiều ý kiến khác nhau về các cú sút xa của “lò” HAGL Arsenal JMG, nhưng khi điều gì đó lặp lại thì chắc chắn không phải là ăn may. Họ đã rèn giũa nhiều, cũng đã thử nhiều và một vài lần đã thành công.

Từ các cú sút xa…

Trận mở màn V-League 2015 trên sân Pleiku (HAGL thắng S.Khánh Hoà BVN 4 – 2), bên cạnh cú đúp bàn thắng của Công Phượng, 2 đồng đội còn lại là Tuấn Anh và Xuân Trường cũng kịp ghi điểm bằng 2 pha ra chân từ ngoài khu vực cấm địa với quỹ đạo quả bóng cực kỳ đẹp mắt. Nếu như pha cứa lòng chân thuận của Tuấn Anh mở tỷ số có cả sự “cổ vũ” của thủ thành S.Khánh Hoà BVN, thì cú dứt điểm của Xuân Trường (nâng tỷ số lên 3-1) là thực sự đẳng cấp.

Với Xuân Trường và Tuấn Anh, U19 Việt Nam trước đây và HAGL V-League lúc này sở hữu đủ vũ khí kết liễu đối thủ từ ngoài khu vực cấm địa. Nhưng giờ họ còn có thêm Hồng Duy và thậm chí cả cầu thủ mới 18 tuổi Phan Thanh Hậu. Ở vị trí của Hồng Duy, quả thật không chỉ thủ môn Thanh Diệp của Đồng Nai mà chẳng ai nghĩ anh sẽ ra chân, sau khi đã cần đến 3 nhịp để làm chủ quả bóng. Nhưng trong tích tắc lấy đủ không gian, Hồng Duy đã biến Thanh Diệp thành nạn nhân.

Trước khi Hồng Duy thử vận may, sự thật là HAGL đã bế tắc trong việc tiếp cận cầu môn Đồng Nai từ các miếng đánh giãn biên đến phối hợp trung lộ. Sút xa là lựa chọn cuối cùng, khi cầu thủ không bị quây ráp.

Nhưng để thực hiện được các cú nã đại bác, cầu thủ phải có nhãn quan chiến thuật tốt trong việc quan sát vị trí đứng và “bộ” di chuyển của thủ môn, ngoài ra, phải có một cái cổ chân rất khoẻ, bên cạnh việc đặt trụ đúng kỹ thuật. HAGL có đủ người để làm tốt điều này.

… Đến chiến thuật “bóng chết”

Tại giải U22 Đông Nam Á – Cúp Hassanal Bolkiah 2014 được tổ chức ở Brunei, Xuân trường từng khiến cho thủ môn U19 Indonesia đứng chôn chân sau cú sút phạt hàng rào từ cự ly ngoài 20m. Tại Mỹ Đình không lâu sau đó, giải U19 Đông Nam Á mở rộng, đến lượt U19 Myanmar trở thành nạn nhân bởi cái chân phải rất ngoan của tiền vệ đeo áo số 6 trong màu áo U19 Việt Nam này (U19 Việt Nam thắng 4-1). Sự phát triển của bóng đá đã thừa nhận, “bóng chết” là một loại chiến thuật.

Những đồng nghiệp đàn anh thừa nhận rằng những nhạc trưởng kiểu Tuấn Anh, Xuân Trường đang là “hàng hiếm” của nền bóng đá cũng như các giải đấu. “Rất khó để biết Tuấn Anh sẽ làm gì tiếp theo khi bóng trong chân cậu ấy”, Thành Lương chia sẻ. Theo đánh giá của giới chuyên môn, Công Phượng, Tuấn Anh và các đồng đội ở HAGL lúc này còn thiếu ít nhất 3 yếu tố để phát triển lên một đẳng cấp chơi bóng khác. Đó là sức mạnh (cơ bắp), kinh nghiệm và môi trường chơi bóng.

Kỹ thuật luyện mãi cũng thành, nhưng sức mạnh và kinh nghiệm là những yếu tố cần sự tích luỹ chứ không tự nhiên mà đến. Và nếu như V-League là sàn diễn đỉnh cao nhất của họ vào lúc này, thì người trẻ của HAGL đã và đang được va đập với những đối thủ mạnh nhất của họ rồi. Trước đó, tốt hơn là họ cần được tập luyện và chơi bóng cạnh những ngoại binh chất lượng. Thế nên, muốn có chiến thắng, “những đứa trẻ của bần Đức” phải được phép thua thêm. Đấy là vấn đề cốt lõi!


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm