Trần Khải Ca ngày càng “đuối”

14/12/2010 10:59 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Bộ phim bom tấn Triệu Thị cô nhi của đạo diễn Trung Quốc Trần Khải Ca đã thu về được 51 triệu NDT (7 triệu USD) trong dịp cuối tuần đầu tiên (phim được phát hành hôm 4/12). Rõ ràng, đây là một thành công thương mại. Nhưng xét về mặt nghệ thuật thì - ít nhất là đối với hầu hết người hâm mộ đạo diễn - phim không thể “bì” được với Bá Vương biệt cơ (1993).  

1. Mr J, người có quan hệ thân thiết với vợ chồng đạo diễn Trần Khải Ca khẳng định, vị đạo diễn này phải phụ thuộc rất nhiều vào kịch bản phim. Thành công của Bá Vương biệt cơ phần lớn là dựa vào kịch bản và diễn viên chính là Trương Quốc Vinh, chứ không phải dựa vào phong cách và tài năng của Trần Khải Ca. Các bộ phim sau của ông liên tiếp thất bại khi gặp phải kịch bản nghèo nàn. Trần Khải Ca cũng bị chỉ trích khi can thiệp quá nhiều vào kịch bản khiến nó càng trở nên tệ hơn.


Đạo diễn Trần Khải Ca và vợ - Trần Hồng

“Bá Vương biệt cơ là một kiệt tác vì nhà biên kịch phim đã buộc đạo diễn Trần phải hứa không sửa một từ nào trong kịch bản”, Mr J dẫn chứng.

Ở phim Triệu Thị cô nhi, đạo diễn Trần cũng “nhúng mũi” rất nhiều vào kịch bản. Khi xem phim, khán giả nhận thấy phong cách và nội dung phim không ăn nhập với nhau. Kịch bản phim không được xuyên suốt có lẽ do một nhà biên kịch đã “bỏ ngang”. Cụ thể, chỉ một thời gian ngắn sau buổi chiếu giới thiệu phim, nhà biên kịch Gao Xuan đã phàn nàn trên trang Weibo (phiên bản của Twitter) rằng mặc dù chị và một nhà văn khác cùng thực hiện kịch bản của nửa đầu phim, nhưng đạo diễn Trần và vợ ông (bà Trần Hồng, đồng thời là nhà sản xuất phim) đã lờ hẳn đóng góp của chị và chỉ giới thiệu Gao với danh nghĩa là “tham gia kịch bản trong giai đoạn đầu”.


Cảnh trong phim Triệu Thị cô nhi

Gao nói chị không tham gia viết kịch bản của nửa sau phim vì những “lý do cá nhân”. Thực tế là chị buộc phải phá vỡ hợp đồng vì bận viết kịch bản cho một serie phim truyền hình. Lúc đó, Trần Hồng đã loại bỏ tên tuổi của Gao ra khỏi phần tác giả kịch bản, nhưng sau khi nhận được tư vấn của các luật sư, Trần Hồng đã đưa giới thiệu Gao “tham gia kịch bản phim”. Do Gao là người vi phạm hợp đồng nên vụ việc này không giải quyết bằng pháp luật.  

TOP 10 PHIM ĂN KHÁCH NHẤT THỊ
TRƯỜNG BẮC MỸ CUỐI TUẦN QUA:

1. The Chronicles of Narnia: The Voyage of The Dawn Treader: 24,5 triệu USD
2.
The Tourist: 17 triệu USD
3.Tangled: 14,6 triệu USD
4.
Harry Potter and the Deathly Hallows 1: 8,5 triệu USD
5. Unstoppable: 3,7 triệu USD
6.
Black Swan: 3,3 triệu USD
7. Burlesque: 3,2 triệu USD
8.
Love and Other Drugs: 3 triệu USD
9.Due Date: 2,5 triệu USD
10.Megamind: 2,5 triệu USD

2.
Trần Khải Ca đã làm Bá Vương biệt cơ đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes năm 1993 và tạo dựng được danh tiếng quốc tế. Từ đó đến nay mặc dù đã làm phim ở nhiều thể loại, từ phim cổ trang tới phim tiểu sử, nhưng cốt truyện các phim của Trần Khải Ca vẫn na ná như nhau: một mối tình tay ba đầy rắc rối, một người hùng đơn độc và những xúc cảm đồng giới mơ hồ giữa 2 nhân vật nam.


Chính vì vậy mà những tác phẩm điện ảnh sau này của ông bị giới phê bình đánh giá là “kinh khủng” và không phim nào có thể vượt được Bá Vương biệt cơ. Bộ phim Vô cực (2005) của ông cũng bị xem là một thất bại lớn và điều đó khiến nhiều người hâm mộ và giới phê bình nghi ngờ về khả năng đạo diễn của ông.

Trần Khải Ca dàn dựng bộ phim này theo cuốn Triệu Thị cô nhi đại báo cừu mà ông đọc từ những năm 1970. Đây là một bộ phim bom tấn với số tiền đầu tư để dàn dựng bối cảnh, trường quay và thuê diễn viên được cho là tốn kém nhất của điện ảnh Hoa ngữ trong năm 2010.

Triệu Thị cô nhi đại báo cừu là vở kịch nổi tiếng đời Nguyên, ghi lại câu chuyện lịch sử nổi tiếng từ thời Xuân Thu được chép trong Sử ký Tư Mã Thiên. Năm 590 trước Công nguyên, vua Tấn Linh Công nghe lời sàm tấu của Đại tướng quân Đồ Ngạn Giả đã tru di gia tộc Thượng khanh Triệu Sóc, vị trung thần từng phát hiện ra mưu gian của cha Đồ Ngạn Giả với ngoại bang. Hơn 300 người nhà Triệu Sóc bị sát hại, chỉ có một đứa bé chưa được 6 tháng được Trình Anh cứu thoát. Để bảo vệ giọt máu nhà họ Triệu, 8 người trung nghĩa trải qua gian khổ, lần lượt Tấn công chúa, Hàn Quyết, Công Tôn Chử Cữu... phải hy sinh mạng sống, Trình Anh phải dùng con trai của mình để thay thế, bảo toàn mạng sống cho Triệu Vũ. Hai mươi năm sau, cô nhi này lớn lên, Trình Anh mới kể lại toàn bộ chuyện án oan năm xưa. Triệu Vũ quyết tâm báo thù rửa hận.

Vở kịch đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Đây là vở kịch Trung Hoa đầu tiên được biết đến ở châu Âu.


Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm