(giaidauscholar.com) - Tối qua tại Nhà thi đấu Nguyễn Du (TPHCM) đã diễn ra live show thứ 2 của serie Dấu ấn với đêm nhạc Trần Mạnh Tuấn. Trong sự nghiệp hơn 20 năm biểu diễn kèn chuyên nghiệp với nhiều live show từng được tổ chức nhưng Trần Mạnh Tuấn vẫn tự tin đây sẽ là live show lần này sẽ là hay nhất của anh. Quả là có hay nhưng vẫn còn thiếu gì đó để Dấn ấn lần này của Tuấn sẽ được rõ nét hơn.
Có thể chia live show của saxophonist Trần Mạnh Tuấn thành 6 phần, dài ngắn khác nhau nhưng đủ minh họa phần nào cho con đường âm nhạc của anh. Phần đầu là Trịnh Công Sơn như gợi nhớ lại Tuấn sax của một thời Nam tiến và thành công rực rỡ.
Sau đó là Về quê, album được xem là bán chạy nhất của làng nhạc Việt gần một thập kỷ trước, từ Nam ra Bắc và đánh dấu chỗ đứng vững chắc của Trần Mạnh Tuấn tại thị trường âm nhạc phía Nam.
Tuyết Loan và Sài Gòn Big Band là những người bạn, là hội quán Jazz Sax n’art, là đặc trưng Jazz kiểu truyền thống và là dòng chảy hàng ngày trong âm nhạc của Trần Mạnh Tuấn. Trăng non và
Bướm mơ là một cuộc chơi “kén chọn” hơn của Tuấn sax và anh đã để vào đó rất nhiều tâm huyết. Đúng ra thời kỳ này nên được nhấn mạnh hơn nữa bởi với những bản Jazz mang đậm tinh thần World Jazz này đã khắc họa khá rõ nét một Tuấn Jazz toàn tòng, nó khắc hẳn thời của
Về quê và càng không giống kiểu
Hạ Trắng. Những người yêu thích tiếng kèn của Trần Mạnh Tuấn vẫn đánh giá cao anh hơn ở thời sau Về quê, với tiếng thổi đầy kỹ thuật, sáng tạo và ngẫu hứng. Trần Mạnh Tuấn của thời kỳ này là một chuỗi những giao lưu văn hóa với các nghệ sỹ nổi tiếng quốc tế, chưa kể những “cuộc đấu” nảy lửa với nhiều tay kèn trong các Liên hoan âm nhạc châu Âu, tạo cho công chúng rất nhiều bất ngờ thú vị. Chỉ tiếc là trong live show lần này không làm đậm được dấu ấn ấy.
Thanh Lam và Lam Phương, một người vừa hát một sáng tác lần đầu được công bố của Tuấn sax (Mưa rơi), người còn lại là tác giả của ca khúc
Thành phố buồn mà Trần Mạnh Tuấn thổi da diết trong đêm qua và đó sẽ là dự án album bolero mà anh sắp sửa trình làng. Tuy vậy, sự xuất hiện của Thanh Lam cũng là một sợi dây gợi nhớ Tuấn sax của thời ban nhạc Phương Đông, ban nhạc khởi thủy cho con đường âm nhạc của Tuấn “Trình”. Chỉ tiếc rằng bóng dáng Phương Đông đã không xuất hiện. Bởi nói đến dấu ấn của Trần Mạnh Tuấn là phải nhắc đến cả Tuấn của thời chưa Nam tiến, thời mà anh từng được Giải thưởng nghệ sĩ saxophone xuất sắc nhất trong liên hoan ca nhạc nhẹ chuyên nghiệp toàn quốc tại Đà Nẵng (năm 1993)…
Dù không rõ nét hết những dấu ấn trên con đường âm nhạc nhưng live show của saxophonist Trần Mạnh Tuấn vẫn là một bữa tiệc ngon. Ở đó có người bạn xuất hiện lần đầu, Tùng Dương; có những sự kết hợp lần đầu khá ấn tượng, Tùng Dương - Tuyết Loan, Trần Mạnh Tuấn - cô con gái 9 tuổi Trần Đàm An Phúc… Chưa kể Tùng Dương - Thanh Lam thăng hoa trong Ôi quê tôi với bản phối rất mới và bùng nổ, Tuyết Loan vẫn tiếp tục xứng đáng là Jazz lady khi hát đầy ngúng nguẩy trong một sáng tác nổi tiếng của Van Morrison,
Moon Dance với phần đệm của Sài Gòn Big Band. Ca khúc
Thành phố buồn qua tiếng kèn của Trần Mạnh Tuấn không gợi cảm giác buồn lắm nhất là khi anh pha thêm điẹu swing ở sau…
Trải qua những thăng trầm sự nghiệp và cả bệnh tật nhưng Trần Mạnh Tuấn vẫn hết lòng với con đường âm nhạc mà mình đã hiến dâng. Âm nhạc đã cứu sống anh và từ đó anh đem tặng lại âm nhạc cho đời.
Dưới đây là một số hình ảnh đêm diễn:
Cô con gái của Trần Mạnh Tuấn, Trần Đàm Phúc An xuất hiện và chơi cùng bố là một bất ngờ thú vị trong đêm live show
Phúc An năm nay 9 tuổi và chỉ bắt đầu học thổi kèn từ 2 tháng trước. Năm Trần Mạh Tuấn 9 tuổi anh cũng lần đầu tiên học thổi kèn
Tuyết Loan và Tùng Dương trong phần song ca They can’t take that away from me, một bản Jazz nổi tiếng của George Gershwin và Ira Gershwin