04/05/2021 06:45 GMT+7 | Giải trí
(giaidauscholar.com) - Nhắc đến phim Việt dành cho thiếu nhi, đôi khi cả khán giả nhí cũng chẳng mặn mà vì mọi thứ từ kịch bản cho đến hóa trang, phục trang đều khá sơ sài, chiếu lệ. Tư duy làm phim cho con nít không cần đầu tư nhiều khiến dòng phim này ở nước ta vừa thiếu lại vừa yếu. Cho đến khi Trạng Tí phiêu lưu ký xuất hiện.
Với cách làm có tâm, có tầm bộ phim đã phần nào dẹp tan những định kiến về phim thiếu nhi. Phim có sự tham gia của các diễn viên nhí Hữu Khang, Đức Anh, Bảo Tiên, Hoàng Long, Hoàng Duy...bên cạnh dàn diễn viên tên tuổi như NSƯT Trung Anh, Trung Dân, Xuân Nghị…
Mạo hiểm sáng tạo
Nếu những ai là fan của truyện tranh Thần đồng đất Việt thì hẳn sẽ thất vọng khi cốt truyện phim là hành trình đi tìm cha của Tí thay vì là những mẩu chuyện thể hiện sự thông minh, tài trí của nhân vật này như nội dung bộ truyện. Càng thất vọng hơn khi hình ảnh của bộ tứ Tí, Sửu, Dần, Mẹo trên phim không hoàn toàn giống như truyện mô tả. Cụ thể Tí trong phim hơi lớn so với truyện, khuôn mặt, ánh mắt không toát lên nét lanh lợi, lém lỉnh; Sửu không đanh đá, Mẹo không kiêu ngạo hay Dần không ma mãnh như truyện.
Tuy nhiên nếu không phải là tín đồ của truyện hoặc thích một tác phẩm chuyển thể có sự tìm tòi, làm mới chứ không “ăn sẵn” mọi thứ đã có trong truyện thì người xem sẽ hài lòng với những gì được kể trong Trạng Tí phiêu lưu ký.
Sự sáng tạo được thấy ngay ở những phút đầu tiên khi phim mở đầu bằng những cảnh hoạt hình giới thiệu về nguồn gốc xuất thân của Tí - một vị thần tiên bị giáng trần. Câu chuyện Tí đi tìm cha cũng là một sáng tạo chấp nhận được của ê kíp làm phim vì một bộ phim truyện cần có một tuyến truyện xuyên suốt chứ không thể chia nhỏ để mỗi tập là một tình huống như truyện.
Chuyến đi của Tí mang đậm màu sắc phiêu lưu, kỳ ảo khi trên đường đi cả nhóm phải băng qua những khung cảnh thiên nhiên sông, hồ, ao đầm, rừng núi hoang sơ, hùng vĩ và gặp gỡ những vị thần trong dân gian. Trên hành trình tìm cha đó, Tí gặp nhiều vụ việc, biến cố và cách xử lý thông minh của Tí được biên kịch dựa trên những mẩu chuyện trong truyện, chẳng hạn màn gọi bưởi, vụ án trộm gà, đo chiều cao cây, giải câu đố của 2 vị thần.
Chỉ tiếc, phần giải đố của Tí diễn ra khá nhanh khiến người lớn thậm chí chưa kịp nắm bắt, điển hình nhất là màn giải đáp câu hỏi hóc búa của thần Thiện - thần Ác để tìm đường sống. Có khi, Tí còn giải đố sai logic như chuyện đổ nước sông vào giếng cho trái bưởi nổi lên.
Không chỉ khắc họa tài trí của nhân vật chính, bộ phim còn tôn vinh tình bạn, tình mẫu tử. Chi tiết lá thư Dần gửi cho mẹ trước lúc cùng các bạn rời làng Phan Thị, việc Tí quyết định dành câu hỏi duy nhất cho Dần khi diện kiến thần Hổ thay vì hỏi cha mình là ai như mục đích chuyến đi, tình huống bé Mùi - con của tướng cướp Ba Ba - không ngại hiểm nguy quay lại nhà lấy viên đá cho Tí khi biết đó là vật bất ly thân của Tí hay đoạn thoại giữa Tí và mẹ khi hội ngộ ở núi… đã khiến người xem không khỏi rưng rưng.
Nhân vật chính chìm, nhân vật phụ nổi bật
Là một bộ phim thiếu nhi hẳn nhiên các diễn viên nhí là linh hồn của phim. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã dày công chọn lựa những gương mặt tài năng và phần nào chọn lựa này đem lại kết quả mỹ mãn. Các bé Hữu Khang (vai Tí), Hoàng Long (vai Dần), Đức Anh (vai Mẹo), Bảo Tiên (vai Sửu) tương tác với nhau khá tốt, cả trong những cảnh cà khịa, chọc ghẹo nhau rất đáng yêu cũng như những đoạn thể hiện tâm lý, tình cảm.
Đáng khen nhất ở hồi thứ 3 của phim, khi có các phân cảnh kỳ ảo, diễn xuất của các bé với nền phông xanh vẫn rất tự nhiên, không bị sượng. Trong số 4 bé, Hoàng Long để lại ấn tượng mạnh nhất qua những câu thoại hài hước, tính cách ham ăn trẻ con và ngoại hình mũm mĩm đáng yêu.
Phim cũng mang đến 1 nhân tố mới đáng chú ý cho màn ảnh Việt là diễn viên Hoàng Duy (vai Tiểu Tỵ). Tuy đất diễn của nhân vật này không nhiều, chỉ xuất hiện ở hồi thứ 3 của phim nhưng mỗi lần xuất hiện, Hoàng Duy đều khiến người xem trầm trồ xuýt xoa vì thần thái biểu cảm phù hợp với nhân vật và khả năng võ nghệ điệu luyện. Ít ai nghĩ đây là lần đầy cậu bé 12 tuổi này bước lên màn ảnh.
Trong khi các vai phụ nhí chiếm thiện càm người xem thì khá tiếc khi vai chính do bé Hữu Khang đảm nhiệm chưa “bật” lên được so với mong đợi. Diễn xuất của bé dù thấy rõ sự cố gắng nhưng vẫn bị chìm giữa sự ngờ nghệch đáng yêu của Hoàng Long, vẻ khí chất của Hoàng Duy hay nét ranh ma láu cá của Đức Anh. Bên cạnh diễn xuất trong trẻo của dàn diễn viên nhí, sự xuất hiện của dàn bao như diễn viên Phi Phụng, Xuân Nghị, Hoàng Phi, Hiếu Hiền cũng đem đến những tiếng cười dễ chịu cho khán giả.
Đi qua những lùm xùm về chuyện ứng xử với vấn đề tác quyền, những chỉ trích về phát ngôn thiếu cẩn trọng của đạo diễn, Trạng Tí phiêu lưu ký cuối cùng đã đem tới cho người xem một tác phẩm xứng tầm “bom tấn” với bối cảnh công phu hoành tráng, kỷ xảo tỉ mỉ dụng công. Với những giá trị tốt đẹp đến từ chất lượng và thông điệp nhân văn, Trạng Tí phiêu lưu ký xứng đáng được khán giả chào đón hơn là tẩy chay. Và hơn hết, cái tâm muốn tạo ra 1 bộ phim thiếu nhi “đỉnh cao” của ê kíp làm phim cũng xứng đáng được trân trọng hơn là bị vùi dập vì những lý do bên lề.
Trailer phim:
“Số đen” vì dịch Covid-19 Đến cuối ngày 3/5, Trạng Tí phiêu lưu ký đã thu về gần 17 tỷ đồng, mở ra một cơ hội khả quan cho việc thu hồi vốn và có lãi. Tuy nhiên, với đầu tư khoảng 43 tỷ đồng, nên việc phim phải tạm dừng chiếu rạp tại TP.HCM do đại dịch Covid-19 khiến cho khả năng thu hồi vốn của phim sẽ vô cùng khó khăn. Hy vọng, Trạng Tí phiêu lưu ký có thể ra mắt trở lại các rạp chiếu TP.HCM vào dịp Hè tới để phục vụ trẻ em và học sinh. |
Dương Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất