Hiển lộ bức tranh “mất tích” 400 năm của Da Vinci

14/03/2012 13:22 GMT+7 | Văn hoá

                  

(TT&VH) - Hôm 12/3, các chuyên gia nghệ thuật thông báo rằng họ đã tìm thấy những dấu tích cho thấy rất có thể họa phẩm The Battle of Anghiari bị “mất tích” đã hơn 400 năm của danh họa thời Phục hưng Leonardo Da Vinci (1452-1519) nằm sau bức bích họa The Battle of Marciano mà Giorgio Vasari vẽ hàng chục năm sau đó, trên bức tường trong cung điện Vecchio ở Florence (Italia).

Các chuyên gia thu thập được dấu vết của bức tranh nhờ cài các máy dò nhỏ vào trong bức tường. Họ nhận thấy chất màu ẩn dưới bức The Battle of Marciano của Giorgio Vasari giống chất màu mà Leonardo Da Vinci đã sử dụng trong kiệt tác Mona Lisa.

Đây là kết quả của cuộc "truy tìm" mà giáo sư lịch sử nghệ thuật Maurizio Seracini đã thực hiện nhiều thập kỷ qua. Ông là người được mô tả trong cuốn tiểu thuyết best-seller Mật mã Da Vinci của nhà văn Mỹ Dan Brown.

“Chúng tôi đã tìm thấy chất mangan và sắt trong chất màu đen mà Da Vinci đã sử dụng trong nhiều bức tranh của mình” - ông Seracini khẳng định tại cuộc họp báo - Da Vinci vẽ kiệt tác Mona Lisa cùng thời điểm với bức tranh này. Mặc dù vẫn đang ở giai đoạn đầu của cuộc nghiên cứu và vẫn còn rất nhiều việc phải làm để giải mã được bí ẩn này, nhưng qua những dấu tích tìm thấy thì chúng tôi biết mình đang tìm kiếm đúng chỗ” - Seracini nói.

Các máy dò còn phát hiện ra lớp sơn đỏ và chất màu nâu trên bức tường bị che khuất và một khe thông hơi giữa bức tường cũ và bức tường mới được xây dựng đằng trước.

Bức tranh dang dở được ca tụng

Da Vinci bắt đầu vẽ bức The Battle of Marciano vào năm 1505 nhằm tôn vinh chiến thắng của Florence trong cuộc chiến với Milan tại thành phố trung cổ Anghiari, nhưng ông bỏ dở việc hoàn thiện tác phẩm này do một số khó khăn trong việc thử nghiệm kỹ thuật sơn dầu.


Toàn cảnh của Great Hall trong cung điện Vecchio ở Florence

Tuy nhiên, bức bích họa đó đã được các họa sĩ cùng thời với Da Vinci ca ngợi. Sử gia nghệ thuật đồng thời là họa sĩ Giorgio Vasari đánh giá bức tranh “đẹp một cách thanh nhã”, còn họa sĩ Baroque Peter Paul Rubens thì đã cho ra đời một bản sao về họa phẩm này. Bản sao của Rubens mô tả cuộc chiến đẫm máu giữa các kỵ binh và lính bộ binh – gương mặt của họ méo đi do giận dữ, còn mắt của những con ngựa thì lồi ra vì sợ hãi.

Nhiều sử gia tin rằng, danh họa Vasari đã xây dựng một bức tường trước bức bích họa nhằm bảo tồn được những nỗ lực của Da Vinci đồng thời bày tỏ sự kính trọng Da Vinci và năm 1563, ông đã vẽ họa phẩm The Battle of Marciano lên bức tường mới.

Các nhà tổ chức cho biết: “Tuy cuộc nghiên cứu vẫn chưa kết thúc, nhưng dữ liệu từ phân tích hóa học cho thấy, nhiều khả năng bức tranh của Da Vinci, được cho là đã bị phá hủy từ giữa thế kỷ 16, vẫn tồn tại sau họa phẩm của Vasari”.

Ông Seracini cho hay, bản thân Vasari cũng để lại một manh mối trên bức tranh của mình về bức họa ẩn của Da Vinci khi ông viết dòng chữ “Cerca Trova” (Hãy tìm kiếm và bạn sẽ tìm thấy) trên lá cờ trong tay một chiến binh.   

Tiếp tục khẳng định dấu vết

Tài trợ một phần kinh phí của cuộc nghiên cứu này, ông Terry Garcia, Phó Chủ tịch Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ nói tại cuộc họp báo: “Tôi tin bức tranh ở đây”. Còn Thị trưởng thành phố Florence - Matteo Renzi bày tỏ: “Phát hiện này vô cùng quan trọng đối với tương lai của thành phố chúng tôi. Tôi đã đề nghị Chính phủ Italia cho phép đưa thêm các máy dò xuyên qua họa phẩm của Vasari. Chúng ta phải biết được bức tranh của Da Vinci còn lại như thế nào”.

Cuộc nghiên cứu này đã gây tranh cãi và thậm chí còn khiến cảnh sát nghệ thuật phải vào cuộc vì các nhà nghiên cứu đã khoan 6 lỗ nhỏ vào họa phẩm của  Vasar, trong số 14 lỗ mà họ đề nghị, để tìm dấu vết bức tranh của Da Vinci. Năm ngoái, nhiều học giả thế giới đã ký vào đơn kiến nghị cho rằng cuộc tìm kiếm này có nguy cơ làm tổn hại đến bức bích họa của Vasari.

Công nghệ được sử dụng trong dự án này do nhà vật lý hạt nhân Mỹ Robert Smither phát triển, người đã sử dụng camera đặc biệt để tạo ra những hình ảnh có độ phân giải cao về vị trí khối u ung thư trong cơ thể người.

Da Vinci là một học giả thời Phục hưng. Ông là tác giả bức tranh nổi tiếng nhất thế giới - Mona Lisa. Nhưng hiện không còn nhiều họa phẩm của Da Vinci và các chuyên gia liên tục nỗ lực tìm kiếm dấu vết các tác phẩm đã được biết đến của ông.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm