Tranh cãi kịch liệt quanh cha đẻ 'em bé Syria'

14/09/2015 05:31 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Sau khi các bức hình ám ảnh, chụp cảnh thi thể em bé 3 tuổi người Syria Aylan Kurdi gây sốc dư luận, đã có những thông tin đáng chú ý về vai trò của ông bố Abdullah trong tấn thảm kịch. Thậm chí còn có cáo buộc nói Abdullah là một kẻ buôn người, điều đã bị anh bác bỏ mạnh mẽ.

Người ta cũng chỉ trích Abdullah, rằng vì sao anh lại đưa cả gia đình đi khỏi một chốn tương đối an toàn như Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia vào một hành trình vượt biển đầy nguy hiểm tới đảo Kos của Hy Lạp, dẫn tới kết cục là Aylan, anh trai Galip, 5 tuổi, và mẹ đẻ Rehan thiệt mạng.

Đã từng phản đối việc di cư bằng đường biển

Trong nỗ lực làm rộng đường dư luận, tờ Daily Mail đã lần theo hành trình của gia đình Kurdi từ Syria, tới đảo Kos. Phóng viên tờ báo đã nói chuyện với những người đã gặp gỡ gia đình Kurdi trong hành trình và vẽ ra bức tranh toàn cảnh đáng chú ý về tình hình của họ.

Theo đó, cuộc sống của gia đình Kurdi bị đảo lộn lần đầu vào năm 2011, khi biểu tình, bạo loạn xảy ra ở thủ đô Damascus, Syria. Abdullah đã đưa vợ và con trai cả chạy trốn tới thị trấn Kobane, nơi bé Aylan chào đời một năm sau đó.

Nhưng cuộc sống ở Kobane rất khó khăn và trong nỗ lực kiếm tiền nuôi gia đình, vào mùa Đông năm 2012, Abdullah đã vượt biên trái phép tới Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nằm cách đó hơn 1.000 km. Anh làm việc trong một cửa hàng chuyên dệt các bộ váy của phụ nữ Hồi giáo, phải lao động tới 10 giờ mỗi ngày.

Giống nhiều người Syria tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỷ, Abdullah gần như không còn quốc gia, chẳng có hộ chiếu và cũng vì thế mà không xin được giấy phép làm việc. Anh buộc phải đi làm chui ở chợ đen, hưởng thu nhập chỉ gần 9 USD mỗi ngày.

Các đồng nghiệp cũ của Abdullah cho hay anh từng chống lại việc nhờ những kẻ buôn người đưa tới châu Âu và xa hơn thế. Anh tin rằng di cư như thế quá nguy hiểm.

"Anh ấy muốn tới Canada vì chị gái đang sống ở đó. Anh ấy luôn chuẩn bị cho việc tới Canada và đã chống lại ý tưởng đi bằng đường biển. Anh muốn có giấy tờ di cư hợp pháp" - một đồng nghiệp cũ đề nghị giấu tên chia sẻ.

Viên sếp cũ của Abdullah kể rằng anh chấp nhận ngủ trong khu bếp, khu vệ sinh tại nơi làm để tiết kiệm tiền. Sau vài tháng, anh trở lại Kobane để mang vợ con tới Istanbul. Nhưng phải kiếm ít nhất 150 USD mỗi tháng để trả tiền thuê nhà, chưa nói tới việc nuôi ăn cả gia đình, đã đem tới gánh nặng khổng lồ.

Chịu không nổi, sau 4 tháng, anh buộc phải gửi Rehan và con cái về lại Kobane.

Thêm 18 tháng nữa, anh cố gắng bám trụ ở Istanbul, làm đủ mọi nghề và kiếm khoảng 15 USD mỗi ngày. Anh thường tìm cách ngủ lại nơi làm hoặc ở nhà bạn bè và từng chút một đã để dành được một khoản tiền nhỏ.

Một cựu đồng nghiệp chia sẻ với Daily Mail: "Anh ấy rất nhớ gia đình mình. Anh ấy muốn được gặp con cái. Chúng là thế giới của anh ấy".

Gia đình tái ngộ một lần nữa vào tháng 10 năm ngoái ở Kobane, khi những tay súng thuộc lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tiến hành bao vây thành phố. Abdullah đã cứu vợ con khỏi vùng chiến và đưa họ tới Istanbul, nơi anh thuê một ngôi nhà nhỏ ở quận Eyup với giá 80 USD.

Mạo hiểm mạng sống vì không còn sự lựa chọn

Cuộc sống của gia đình bắt đầu khá dần lên. Thêm vào đó, chị Fatima của Abdullah bắt đầu gửi tiền từ Canada, giúp anh trang trải khoản phí thuê nhà. Abdullah thậm chí đã có thể đưa con đi thăm thú một số điểm thắng cảnh nằm ở eo biển Bosphorus.

"Họ đã có một cuộc sống tốt đẹp tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi chẳng hiểu vì sao họ lại ra đi" - Mushreff Terregy,  66 tuổi, người phụ nữ đã cho gia đình Kurdi thuê nhà, chia sẻ với Daily Mail. Đây cũng là câu hỏi đã ám ảnh những ai quen biết với gia đình Kurdi.

Một yếu tố quan trọng có thể là việc Aylan và anh trai không được tiếp cận với hoạt động giáo dục và chăm sóc y tế ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, do công việc của Abdullah mang lại thu nhập bấp bênh, không ngạc nhiên khi anh muốn tìm cách di cư để đổi đời.

Với bà Terregy, gia đình Kurdi là những con người rất dễ mến. "Vợ anh ấy là một người phụ nữ tuyệt vời, đã chăm lo rất tốt cho con cái. Tôi rất yêu quý họ. Gia đình đó là những người rất tốt. Nếu biết họ sẽ lên thuyền tới Hy Lạp, tôi hẳn đã tìm cách ngăn cản. Hành trình quá nguy hiểm" - bà chia sẻ.

Một người hàng xóm có tên Zafer Bektars cho biết khi gia đình Kurdi rời đi vào ngày 6/8, họ nói dối rằng muốn quay trở lại Kobane để chăm sóc những cây ôliu trồng ở đó. "Tôi không hề biết họ đã tìm đến Bodrum" - anh Bektars chia sẻ - "Tôi đã rất tức giận và buồn bã. Tôi giận vì những gì anh ấy đã làm, vì những rủi ro anh ấy đón nhận và buồn vì những đứa trẻ còn quá nhỏ. Cả gia đình đã không cần phải ra đi như thế".

Nhưng từ Kobane, Abdullah cho biết ngôi nhà nơi anh ở có điều kiện rất tồi. Anh cũng nói rằng cuộc sống ở Istanbul quá đắt đỏ mà bản thân không thể kham nổi. Abdullah chỉ quyết định nhờ tới những kẻ buôn người, sau khi đơn xin di cư tới Canada bị bác.

"Chúng tôi đã từng sống trong một hy vọng đẹp đẽ. Cả cuộc đời tôi chỉ để hiến dâng cho những đứa con bé bỏng và cho vợ tôi. Nhưng giờ tất cả đều đã ra đi, chuyện coi như kết thúc" - anh chia sẻ.

Trong cuộc trò chuyện với báo chí vào tối 12/9, Abdullah cũng bác bỏ cáo buộc nói anh là kẻ buôn người, đã chịu trách nhiệm lái chiếc xuồng bị đắm ngoài bờ biển Bodrum. Một bà mẹ người Iraq có tên Zainab Abbas, 32 tuổi, tố cáo anh nhận tiền của cô, để đưa cô cùng 2 con tới đảo Kos, Hy Lạp. Nhưng cả 2 con cô đều đã thiệt mạng do chiếc xuồng bị đắm.

"Tôi không biết vì sao cô ấy (Zainab) lại nói ra những lời như thế. Vì sao một kẻ buôn người lại đưa cả gia đình anh ta lên cùng một chiếc thuyền (với khách hàng)? Tại sao tôi phải sống trong một căn nhà tồi tàn như thế ở Istanbul, nếu kiếm được rất nhiều tiền nhờ công việc buôn người?" - anh chia sẻ.

Tường Linh (Theo Daily Mail)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm