Brazil - Colombia: Nỗi sợ Dunga, nỗi sợ Falcao

05/09/2014 21:39 GMT+7 | Thể thao

(giaidauscholar.com) - Ai cũng mang trong mình một nỗi sợ, và cách duy nhất để thoát ra là đâm xuyên qua nó.

Nỗi sợ của người Brazil đã trở thành hai ám ảnh rợn người. Ám ảnh Maracanazo, thất bại chung kết World Cup 1950, và ám ảnh World Cup 2014. Trận thua tan nát trước Uruguay tưởng đã là kinh khủng nhất với bóng đá Samba, cho đến khi Selecao thua Đức đến 1-7 ở bán kết World Cup trên sân nhà, rồi thua tiếp Hà Lan trong trận tranh giải Ba. Hai nỗi ám ảnh sẽ tồn tại mãi mãi với các thế hệ cầu thủ Brazil.

Ám ảnh còn mãi

Cảm giác như thể 11 người trên sân đều đi sai cỡ giày. Sau chỉ 19 phút trận bán kết World Cup 1970, Pele và đồng đội để Luis Cubilla của Uruguay mở tỉ số. Felix, chơi xuất sắc ở vòng bảng, bỗng ngớ ngẩn trong bàn thua. Đội bóng quá căng thẳng. Clodoaldo cân bằng tỉ số trước giờ nghỉ, vẫn không khiến HLV Mario Zagallo hết giận: “Ông ấy quở mắng chúng tôi nặng nề trong phòng thay đồ, và tôi chưa từng thấy Mario giận đến vậy”, Carlos Alberto Parreira, đội trưởng tuyển Brazil năm đó kể lại. “Ông liên tục nói: “Các cậu phải quên tất cả những gì xảy ra trong quá khứ”. Trong suốt thời gian chuẩn bị cho trận đấu, báo chí nói mãi về bóng ma năm 1950, khiến thậm chí những cầu thủ kinh nghiệm như chúng tôi cũng bị ám ảnh”.

Hãy nghĩ về những chàng trai hiện giờ. Một tấn áp lực đè lên vai từ World Cup 1950 còn chưa đủ, họ nhận thêm ngàn cân nữa từ thảm họa World Cup 2014. “Họ sẽ nói mãi về trận đấu gặp Đức. Tôi đảm bảo sẽ không ai trong số chúng tôi quên nổi”, tiền vệ Fernandinho lo sợ.

Anh là 1 trong 10 cầu thủ dự World Cup 2014 được tân HLV Carlos Dunga giữ lại. Một động thái liều lĩnh. Dunga tuyên chiến với nỗi sợ Brazil 2014, bằng cách giữ gần nửa đội hình thảm họa. Người thủ lĩnh Selecao vô địch thế giới 1994 chứng minh rằng anh dám đương đầu với áp lực. Trong nhiệm kì một, vài gạch đầu dòng về Dunga cho thấy, anh là lựa chọn phù hợp nhất giai đoạn này: Không cổ súy ngôi sao trên sân, HLV là ngôi sao sáng nhất; ghét bóng đá vẽ vời; chiến thắng là kỉ luật, và HLV nắm kỉ cương.

Colombia không phải đối thủ của một trận giao hữu. Bây giờ với Dunga, đây là một trận sống còn.

Colombia và nỗi sợ Falcao

Không phải sợ chấn thương, mà là sợ ngôi sao. Bóng đá Colombia không cần những siêu sao. Đất nước này không cần những người ầm ĩ gợi nhắc thế hệ vàng 1994, đã từng được Pele gọi là “Nhà vô địch thế giới tương lai”, sau khi đánh bại Argentina 5-0 trên sân khách trước thềm World Cup 1994. Thế hệ của những Carlos Valderrama, Faustino Asprilla và Freddy Rincón đã kết thúc bằng phát đạn xuyên qua lưng Andres Escobar, đẩy bóng đá Colombia vào u tối suốt 20 năm. Cho đến khi Radamel Falcao, James Rodriguez và Juan Cuadrado xuất hiện.

Giờ thì bóng đá Uruguay là một bầu trời đầy sao. Riêng Radamel Falcao, James Rodriguez và Juan Cuadrado đã có giá cỡ 150 triệu euro. World Cup 2014 “khai quật” James. Nhưng Falcao từ lâu đã là một thương hiệu lớn, ông vua của Europa League  2010-11, 2011-12. Nhưng không phải cứ nhiều ngôi sao là dễ thành công. Chiến tích vào tứ kết World Cup 2014 khi vắng Falcao là minh chứng cho sự thoải mái của Colombia khi ít ngôi sao. James Rodiguez đã ghi 6 bàn sau 5 trận và giành chiếc giày vàng. Thiếu Falcao, Colombia không yếu đi. Càng cửa dưới, họ càng dễ đá.

Đây là lúc Jose Pekerman thể hiện tầm quan trọng. Các nhà bình luận viết rằng, chính vì tính cách hiền lành, Pekerman được chọn làm HLV đội tuyển. Colombia không muốn thảm họa 20 năm trước lặp lại, hay đơn giản, sự mất đoàn kết và ầm ĩ khiến đội tuyển quốc gia suy yếu. Hậu World Cup, tâm thế khác biệt chính là đối thủ lớn nhất của đội tuyển nước này.


Gia Hưng (theo Bleacher Report)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm