25/06/2020 07:54 GMT+7 | Giải trí
(giaidauscholar.com) - K-pop đang thống trị toàn cầu và liên tiếp gặt hái thành công. Trong bối cảnh ấy, nhiều nhóm nhạc K-pop đa dạng liên tục được “ra lò”, trong số đó có cả những nhóm nhạc “thần tượng nhí” (kid-idol), thuật ngữ chỉ các ca sĩ chủ yếu ở độ tuổi từ 9 đến 14.
Tuy nhiên, những “thần tượng nhí” này đang tạo nên những luồng tranh luận khác nhau ở xứ kim chi.
Nhiều quan điểm không đồng tình
Giống như các nghệ sĩ K-pop lớn tuổi hơn, các “thần tượng nhí”, như các nhóm nhạc nữ Little Cheer Girl và Vitamin, cũng khoác lên mình những bộ trang phục sành điệu, trang điểm và trình diễn các điệu nhảy tuy kém “sung” hơn song vẫn rất điệu nghệ.
Song nhiều khán giả nhận thấy, so với các thần tượng lớn tuổi, chủ đề các bài hát dường như là sự khác biệt duy nhất của các nhóm nhạc “thần tượng nhí”. Cụ thể, những ngôi sao trẻ tuổi này chủ yếu hát về những tình cảm thời thơ ấu và sự căng thẳng từ việc học tập, qua đó hướng đến và thu hút những người ở độ tuổi tương đương.
“Em có thể đồng cảm với lời bài hát của các nhóm nhạc “thần tượng nhí” vì chúng em có những mối quan tâm tương tự, chẳng hạn như những căng thẳng ở trường hay chuyện học hành. Các ca sĩ bằng tuổi em nên em cảm thấy gần gũi với họ hơn và rất thích trở thành một thành viên trong những nhóm nhạc đó, nếu có thể)” - Ha Yae Rin (12 tuổi) nói với tờ Korea Times.
Theo Kim Tai Bum, CEO của Công ty Rainbow, công ty đại diện cho nhóm Little Cheer Girl, hiện đã có khoảng 300-500 trẻ em ở Hàn Quốc đã đăng ký thử giọng để trở thành thành viên mới của nhóm Little Cheer Girl.
Có điều, không phải ai cũng chào đón sự nổi lên của các “thần tượng nhí”.
Không giống như các diễn viên nhí, những ca sĩ trẻ này đã gây tranh cãi ngay từ khi mới xuất hiện vì trông họ “quá giống” với những ngôi sao đã trưởng thành. Chưa kể, nhiều người cho rằng các hoạt động âm nhạc của họ mang tính thương mại hóa, mặc dù những người phát hiện và nuôi dưỡng các thần tượng này, khẳng định: Họ thành lập các nhóm nhạc nhí nhằm giúp những người trẻ giải quyết các stress trong cuộc sống và hướng tới ước mơ của mình.
“Thật đáng lo ngại khi thấy mọi người mang các bé gái và bé trai ra kinh doanh như thế” - Lee Hyo In, một giáo viên tiểu học ở tuổi ngoài 20 nói.
Nhà phê bình văn hóa Kim Hern Sik còn chỉ ra rằng các “thần tượng nhí” có thể trở thành “con mồi” của tội phạm tình dục. “So với các quốc gia khác, Hàn Quốc có xu hướng ít chú ý đến các vấn đề liên quan đến thương mại hóa trẻ em” - ông nói với tờ Korea Times. “Một số người tận dụng điều này để hợp lý hóa hành vi tình dục không đúng đắn của họ đối với trẻ nhỏ”.
Kim Hern Sik nói thêm: “Hàn Quốc cần những quy định phù hợp để bảo vệ các tài năng trẻ này. Hiện các em nên tập trung vào việc duy trì sự hiện diện trên mạng xã hội thay vì tìm cách xuất hiện trên màn hình nhỏ”.
Kwak Keum Joo, giáo sư tâm lý tại Trường Đại học Quốc gia Seoul, thì lại đề cập đến vấn đề “ngoại hình là trên hết”.
“Các thần tượng nhí có thể thúc đẩy tư tưởng “ngoại hình là trên hết”, đặc biệt là trong số những người hâm mộ trẻ tuổi” - Kwak Keum Joo nói - “Mọi người lớn sẽ cảm thấy không thoải mái khi thấy trẻ em trang điểm, vì trong mắt họ những người trẻ khi trang điểm trông không còn là “trẻ con” nữa. Còn trẻ em khi xem các thần tượng nhí này lại dễ nghĩ rằng ngoại hình là quan trọng hàng đầu trong cuộc sống”.
Thiếu giáo dục đúng đắn?
Chia sẻ về những lo ngại này, Kim Tai Bum thừa nhận không thể phủ nhận tư tưởng “ngoại hình là trên hết” vốn có ở những thần tượng trẻ tuổi. Song, ông khẳng định công ty Rainbow đã cố gắng dẫn dắt các em nhỏ đi đúng hướng bằng cách truyền đạt những giá trị phù hợp với độ tuổi, đồng thời khuyến khích sự nỗ lực vượt qua khả năng bẩm sinh, cũng như tạo dựng chính kiến của mình.
Thực tế, công ty Rainbow thường tổ chức các buổi tư vấn thường xuyên với các thành viên và cha mẹ của họ “để duy trì sự cân bằng giữa cuộc sống ở trường học, gia đình và cuộc sống thần tượng”. Các buổi tư vấn này tập trung vào sức khỏe tinh thần và con đường sự nghiệp tương lai của các ngôi sao nhí.
Vị CEO của Công ty Rainbow còn tuyên bố rằng công ty tổ chức các lớp học khiêu vũ và thanh nhạc chỉ 2 lần/tuần và lên lịch các sự kiện lớn chủ yếu vào cuối tuần để không làm gián đoạn cuộc sống học đường của các thành viên.
Nhưng điều này không làm giảm bớt lo lắng của mọi người.
Kwon Mi Yeon, một phụ nữ ở độ tuổi 20, bày tỏ quan điểm: “Các thần tượng nhí đang được đào tạo và trình diễn vào thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời các em, thời điểm phát triển các kỹ năng xã hội và tự ý thức về cá tính của mình. Ở độ tuổi trẻ như vậy, phải chịu đựng một lịch trình tương đối bận rộn và những bình luận ác ý trên mạng, các em dễ dàng bị căng thẳng”.
Thực tế đã cho thấy, chính các thần tượng K-pop lớn tuổi hơn cũng thường gặp khó khăn về tâm lý. Họ đã thiếu thời gian và cơ hội nhận được sự giáo dục đúng đắn để phát triển vì họ thường trở thành thực tập sinh từ khi còn nhỏ. Dù vậy,
nhu cầu về “thần tượng nhí” vẫn được dự đoán sẽ tăng lên - khi số người muốn trở thành ngôi sao từ khi còn trẻ đã liên tục xuất hiện, sau thành công của hàng loạt ngôi sao K-pop vừa qua.
Nhà phê bình văn hóa Kim Hern Sik cảnh báo: các thần tượng nhí có thể đánh mất bản sắc và sự độc lập vì họ phải tuân theo chỉ dẫn của công ty quản lý.
“Trẻ ở tuổi vị thành niên cần có đủ thời gian để tự suy nghĩ và xem xét nội tâm. Nhưng nếu bắt đầu sự nghiệp sớm, họ có thể dễ dàng bị lợi dụng bởi những người đặt lợi nhuận lên cao nhất” - ông nói - “Vì vậy, tôi không nghĩ rằng những người trẻ tuổi nên bỏ qua việc học hành hoặc suy nghĩ về các lựa chọn nghề nghiệp khác, cho dù các em đang hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn âm nhạc”.
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất