40 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không": Chuyện ông "cứu sập"

27/11/2012 13:23 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Ngày mai 28/11, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội thảo Quốc gia "Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam" do Bộ Quốc phòng chủ trì. Đây là một điểm nhấn quan trọng trong chuỗi chương trình kỷ niệm cấp Nhà nước 40 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.

40 năm đã qua đi, nhưng hình ảnh về Hà Nội đau thương nhưng anh dũng vẫn hiển hiện trong lòng những người từng sống, chiến đấu dưới bom B52. TT&VH xin được tái hiện hình ảnh Hà Nội trong mắt những chứng nhân lịch sử ấy.

Có một tiểu đoàn "cứu sập"

Ông Thống nhớ về những ngày đêm cuối năm 1972

Tôi tìm đến căn gác nhỏ, khu tập thể Công ty Xây dựng nhà số 1 tại đường Ngọc Khánh (Hà Nội), để gặp ông Lê Hữu Thống, một công nhân của Công ty này.

Tháng 6 năm 1972, trước nguy cơ đế quốc Mỹ leo thang B52 ra Hà Nội, Thành phố Hà Nội đã thành lập gấp "Tiểu đoàn" cứu sập, với nòng cốt là các công nhân Công ty Xây dựng nhà Hà Nội. Nhiệm vụ của tiểu đoàn là: cứu người còn sống ra khỏi nhà sập do bom thù, tìm thi thể người mất để tổ chức an táng và dựng lại gấp những cơ quan, xí nghiệp, bệnh viện để đảm bảo "nhịp đập" cho Thủ đô.

Tiểu đoàn chia làm 7 đại đội, gồm đơn vị thi công cơ giới, đơn vị thủ công và đơn vị hỗ trợ. Ông Thống quản lý đơn vị thi công cơ giới với các thiết bị cứu sập là xe tải và cần cẩu.

Ngày 18/12/1972, máy bay B-52 oanh tạc Hà Nội mở màn chiến dịch Linebacker II. Một khối lượng bom khổng lồ trút xuống Thủ đô, những mảnh bom B-52 rải lỗ chỗ như tổ ong khắp các tuyến đường. Mùi khói bom, chết chóc tỏa ra từ mọi ngóc ngách của thành phố.  

Tiểu đoàn cứu sập với gần 300 người hoạt động hết công suất. Ông Thống kể lại: "Chúng tôi tới Quán Thánh khi khu phố này chỉ còn lại những đống gạch vụn. Chúng tôi lao vào đào bới hiện trường để tìm người. Khi cẩu vừa múc kịch nền của một ngôi nhà, có tiếng người từ dưới vọng lên. Cẩu, cuốc, xẻng và cả tay trần, cả đội xô vào cố tạo một lỗ hổng để thông được không khí xuống bên dưới. Không lâu sau, 17 con người bị kẹt trong đống đổ nát đã được cứu sống và tất cả đều lành lặn.

Đêm trắng Khâm Thiên

"Gần 11 giờ đêm ngày 26/12, thành phố đột ngột cắt điện, ít lâu sau, chúng tôi nhận được hung tin, anh em đổ xô tới Khâm Thiên cứu người"- Ông thống bùi ngùi kể. 

Phố Khâm Thiên đêm đó mù mịt màu trắng bàng bạc của vôi vữa và khói bom. Tiếng rên rỉ khắp nơi, ai oán quặn người. Trong lần oanh tạc này của máy bay Mỹ, gần 2.000 ngôi nhà ở Khâm Thiên bị sập, trong đó có 534 nhà bị phá hủy hoàn toàn. Bom Mỹ đã giết 287 sinh mạng. 178 em bé trở nên mồ côi, trong đó có 66 em bé mồ côi cả cha lẫn mẹ. Có nhiều gia đình cả nhà không còn ai sống sót.

Công nhân đường sắt sửa chữa đường tàu bị máy bay Mỹ đánh phá

Đêm lạnh tê tái, nước mắt ròng ròng, ông Thống chạy bộ từ Khâm Thiên tới 67 Bà Triệu để xin Thành phố cấp thêm quan tài để khâm liệm đồng bào.

"Bình thường 1 xe tải chở 4 quan tài, nhưng trong đêm Khâm Thiên, một xe chở 8 quan tài. Quá nhiều người chết, chúng tôi chỉ có thể nhặt các bộ phận cơ thể cho vào quan tài. Chiếc nào "đầy" là đóng nắp, nâng lên xe chở đi mai táng" - ông Thống kể, giọng nghẹn ngào.

Người bị thương được đưa vào Xanh Pôn, người chết đưa ra nghĩa trang Cổ Nhuế. Sáng sớm ngày 27/12, nghĩa trang Cổ Nhuế rầm rập những chuyến xe chở thi thể người. 20 người thuộc Tiểu đoàn cứu sập hì hục suốt đêm để chuẩn bị hàng trăm huyệt mộ, mồ hôi như tắm giữa đêm Đông.

Thi thể từ bệnh viện Xanh Pôn, Cống Trắng, ngõ Thổ Quan quá nhiều khiến số lượng quan tài thành phố cấp không đủ. Có người kiến nghị tổ chức hố chôn tập thể nhưng lập tức bị bác bỏ, bởi mọi người thống nhất rằng, người dân phải được an táng theo đúng phong tục.

Hôm đó, cả đội cứu sập tham gia chôn cất người dân phải tỏa đi xin gỗ để đóng… quan tài. "Công nhân xây dựng cũng có thể đóng được nhưng không quen nên làm chậm. Gỗ để chuẩn bị xây nhà của xí nghiệp cũng được trưng dụng đóng quan tài. Hồi đó, thợ mộc chợ Giời đóng quan tài nhiều nhất, nên phần lớn gỗ chúng tôi thu được đều nhờ thợ mộc ở chợ Giời đóng. Lúc đó, người Hà Nội thân thiết nhau lắm, thợ mộc ngày đêm đóng quan tài không công là những chuyện bình thường" - Ông Thống kể. 

Kỳ 2: Tiếng vọng "Đồng bào chú ý!"

Phạm Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm