Tranh của danh họa Pháp Renoir bị cho là 'khủng bố thẩm mỹ'

11/10/2015 12:18 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Cầm những biển hiệu có dòng chữ như “ReNOir”, “Hãy tháo bỏ các bức tranh của Renoir”, đầu tuần, nhiều thành viên của trào lưu phản đối trưng bày tranh của họa sĩ ấn tượng Pháp Pierre-Auguste Renoir đã thể hiện sự bất bình ở bên ngoài Bảo tàng Mỹ thuật Boston (Mỹ).

Nhóm người này đã yêu cầu Bảo tàng tháo bỏ các bức tranh của Renoir, trong đó có cả bức tranh nổi tiếng Dance At Boufival (1883) ra khỏi khu trưng bày của Bảo tàng và thay vào đó là tranh của các họa sĩ nổi tiếng khác như Paul Gauguin.

“Renoir là một nghệ sĩ kinh khủng”

Trong mắt họ, Renoir là một nghệ sĩ kinh khủng và các bức tranh của ông nên được tháo bỏ khỏi các bảo tàng. Chưa kể, trên trang Instagram, họ còn trút giận vào chắt nội của nghệ sĩ là Genevieve Renoir.

Khi được hỏi tại sao lại ghét Renoir đến vậy, Max Geller, người đứng đầu trào lưu này, nói: “Tại sao nhiều người lại nghĩ về ông ta tốt đẹp đến thế? Các bạn đã xem tranh của ông ấy chưa? Thực tế, cây cối rất đẹp đẽ, song nếu nhìn các cách mô tả của Renoir thì bạn thấy đây chỉ là một đống những đường ngoằn nghèo màu xanh”.

Chính vì lý do này mà Geller đã lập tài khoản “Renoir Sucks at Painting” trên trang Instagram, trong đó để cận cảnh các bức tranh của Renoir kèm theo những lời phê phán, cũng như các bức ảnh chụp Geller và nhiều người khác thể hiện sự tức giận trước nhiều tác phẩm của Renoir.

Geller lập tài khoản Instagram sau khi tới thăm Tổ chức Barnes ở Philadelphia, nơi lưu giữ bộ sưu tập lớn tranh của Renoir và Geller gọi chúng là “những món đồ hấp không có calorie”.

Trang Instagram này đã có hơn 2.400 bạn bè, song chắt của họa sĩ là Genevieve Renoir đã bày tỏ sự tức giận về thái độ của những người này đối với cụ nội của mình. Trong một bức ảnh cô viết: “Khi chắt nội của bạn vẽ một tác phẩm nào đó đạt giá tới 78,1 triệu USD thì bạn hãy chỉ trích. Còn giờ có thể thấy thị trường đón nhận tranh của Renoir như thế nào và ông không tầm thường hóa mọi thứ trong tranh”.

Geller đáp lại lời bình của Genevieve trên Instagram rằng: “Tôi nghĩ, trong bất cứ điều gì cũng vậy, tranh cãi là điều vô lý và điên rồ nhất, hãy để cho thị trường tự do chứng minh chất lượng. Trong các bức tranh của mình, Renoir không mô tả đúng khung cảnh thực, từ việc thay đổi khí hậu, quần thể nhà tù, nạn nô lệ tới sự phá hủy môi trường sống của những chú rái cá và quảng cáo truyền hình”.

Theo Geller, Bảo tàng Mỹ thuật Boston nên thay thế tranh của Renoir bằng những tác phẩm thể hiện tính đa dạng hơn là những bức tranh mô tả người da trắng. “Bảo tàng Mỹ thuật Boston treo tranh của Renoir là một hành động khủng bố thẩm mỹ, trong khi kiệt tác của nhiều họa sĩ bậc thầy khác lại bị xếp xó” – Geller lên tiếng.

Nhà tiên phong của trường phái biểu hiện

Quan điểm của Geller là vậy, song thực tế từ lâu Renoir (1841 - 1919) đã được đánh là một nhân vật tiên phong trong phong cách hội họa theo trường phái biểu hiện. Ông là một họa sĩ luôn đề cao vẻ đẹp, đặc biệt là về vẻ đẹp cơ thể của nữ giới. Renoir là hiện thân cuối cùng của truyền thống chuyển tiếp từ Rubens tới Watteau.

21 tuổi, Renoir dùng số tiền ít ỏi kiếm được từ nghề chép tranh để theo học lớp nghệ thuật buổi tối và trở thành thành viên của studio M.G.C. Gleyre. Ông không mặn mà với phong cách truyền thống mà tìm kiếm các đường nét sáng tác mới mẻ.

Những tác phẩm đầu tay của Renoir không được giới phê bình cũng như công chúng đón nhận, song điều đó không khiến họa sĩ nản lòng. Nhiều thập kỷ sau, tài năng của ông mới được đánh giá đúng tầm.

Sau này, Renoir đã chiến đấu để vượt qua bệnh tật và tiếp tục tạo ra những kiệt tác về hội họa. Ông bị viêm khớp khiến tê liệt, song ông vẫn kiên trì cầm cọ vẽ. Chứng cứng khớp ở vai phải đã buộc ông chỉ có thể vẽ được những bức tranh nhỏ khổ 30x30cm. Muốn vẽ những bức tranh cỡ lớn, ông phải di chuyển toàn thân. Không đầu hàng trước bệnh tật, Renoir đã sáng chế ra tấm vải vẽ di động.

Cuối đời, ông quay lại với thế mạnh của mình là màu sắc và vẽ tranh khoả thân.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm