Tranh hoa của họa sĩ nhí Xèo Chu thu hút giới sưu tập

03/12/2020 08:33 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Chọn đối diện với Covid-19 bằng việc vẽ tranh, riêng chủ đề hoa, Xèo Chu (13 tuổi) đã vẽ hơn 40 bức, chọn ra 20 bức triển lãm cá nhân, lập tức bán hết trong giờ khai mạc.

'Chắp cánh ước mơ' cho các họa sĩ nhí

'Chắp cánh ước mơ' cho các họa sĩ nhí

Lấy cảm hứng từ bộ sách "Khoa học chẳng khó", Triển lãm tranh quy mô lớn "Chắp cánh ước mơ khoa học" của học sinh Hà Nội lần đầu tiên đang diễn tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội.

1. Triển lãm cá nhân Flower 2020 - Big world, Little eyes (Hoa 2020 - Thế giới lớn, đôi mắt nhỏ) vừa diễn ra tại TP.HCM, đã thu hút đông đảo giới sưu tập. Sở dĩ như vậy, vì Xèo Chu đã vẽ hơn 300 bức tranh từ 4 tuổi, đã nổi tiếng quốc tế, có các bức bán từ 50.000 USD cho đến 150.000 USD, có triển lãm cá nhân tại Singapore, New York (Mỹ), Việt Nam…

Rất hoan hỷ khi sở hữu được tác phẩm hoa mà mình yêu thích, bà Karlene Davis (Tổng lãnh sự New Zealand tại TP.HCM) chia sẻ: “Tôi mua tranh Xèo Chu vì tôi ngưỡng mộ niềm đam mê nghệ thuật ở Chu, trong cách Chu chia sẻ những gì Chu nhìn thấy về thế giới với chúng ta. Chu nhìn thấy nhiều thứ hơn mắt thường, và cho ra những tác phẩm với tinh thần nghệ thuật thực thụ. Và nó rất là tinh tế”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Hoa dây leo từ khung cửa phòng vẽ - 1" (acrylic, 100cm x 100cm, 2020) vừa triển lãm. Hiện thuộc sưu tập của bà Karlene Davis - Tổng lãnh sự New Zealand tại TP.HCM

Quan sát Xèo Chu trong nhiều năm, họa sĩ Nguyễn Hải Anh có nhận xét: “Xèo Chu thường vẽ một cách ào ạt, theo dấu cảm xúc dẫn lối, tư thế vẽ thì cũng đủ kiểu; lúc nghiêm túc trước giá vẽ, lúc lại nghiêng người theo tấm toan trải dưới sàn, khi thì ngồi bệt, lúc lại nằm bò... Tất cả biểu hiện sự say xưa theo cách bộc lộ của một nghệ sĩ thực hành sáng tạo. Nghệ sĩ cũng không phải là từ mà Chu quan tâm, vì Chu cứ vẽ và chỉ vẽ theo những thứ mình yêu thích, ghi nhận đơn giản như những trang nhật ký bằng tranh mà trong đó chứa đựng những tín hiệu từ năng lượng tươi trẻ và lạc quan đầy sức sống.

Đời sống hiện nay đang đối diện với những sự mệt mỏi của dịch bệnh và thiên tai. Con người trong xã hội càng cần hơn những liệu pháp giải tỏa. Xèo Chu chọn cho mình cách viết nhật ký bằng tranh cho những ngày giãn cách xã hội trước đây. Vẫn ánh mắt trong veo, vẫn năng lượng tích cực lan tỏa tràn khắp mặt tranh”.

Chú thích ảnh
Họa sĩ nhí Xèo Chu

2. Hoa của Xèo Chu vẽ là những đóa hoa mà mẹ yêu thích, thường chọn cắm ở nhà theo từng mùa. Nhưng dường như với Xèo Chu, vẽ cái gì không quan trọng bằng vẽ như thế nào, với cảm xúc ra sao. Không phải vì còn hạn chế kỹ năng mà Xèo Chu đã không chọn đặc tả hoa, mà chỉ muốn vẽ những trạng thái tâm lý của hoa, trong đó ẩn chứa cả tâm sự, những hoài niệm của mẹ mình.

Những đóa hoa ngát hương thì thường sớm nở tối tàn, tàn xong thì sẽ bị thay thế, đó là quy luật, Xèo Chu vẽ các khoảnh khắc này, như gìn giữ một câu chuyện, qua đó tỏ lộ ra một vẻ đẹp khác của hoa, của cuộc đời. Các vẻ đẹp này dường như ai cũng từng gặp phải, nhưng có thể vì nhiều lý do, mà tạm quên, qua tranh Xèo Chu thì gợi nhớ lại.

Chú thích ảnh
Xèo Chu và bà Karlene Davis (Tổng lãnh sự New Zealand tại TP.HCM) tại triển lãm Flower 2020 - Big world, Little eyes

Nếu xét về bút pháp, Xèo Chu không câu nệ khi vẽ hoa, tiện gì vẽ nấy, thích gì vẽ nấy. Danh họa Henri Matisse từng nói: “Với người họa sĩ thực sự sáng tạo, không gì khó khăn hơn việc vẽ một đóa hồng, bởi trước khi vẽ, anh ấy phải quên đi tất cả các đóa hồng đã từng được vẽ”. Và đương nhiên, cũng phải quên luôn những đóa hồng hoặc những đóa hoa ngoài thiên nhiên kia. Xèo Chu chưa đạt đến mức độ vô vi và vô úy như vậy, vì còn quá trẻ và quá vô tư, nhưng khi vẽ hoa cũng là vẽ cái thanh sắc còn sót lại của hoa.

Làm sao để biết ai đó có đam mê thật sự hay không? Nếu quan sát kĩ, sẽ dễ biết thôi, vì trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù sung sướng hoặc nghịch cảnh, éo le, người đó vẫn chỉ muốn làm việc yêu thích của mình.

Chú thích ảnh
Tác phẩm Tú cầu (acrylic, 160cm x 160cm, 2020) vừa triển lãm. Hiện thuộc sở hữu của nhà sưu tập Chris Lee, người Đài Loan (Trung Quốc)

Có đam mê và giữ được đam mê, nhất là đam mê sáng tạo, thì con đường tự dưng rộng mở phía trước. Sợ nhất là sự ơ hờ, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy sự đáng lo của đa phần giới trẻ ngày nay không phải là thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu học, mà là thiếu động lực, thiếu đam mê.

Con đường hội họa của Xèo Chu còn rất dài và rất rộng, với tố chất và đam mê hiện có, việc dấn bước về phía trước, tạo ra những tác phẩm thú vị là cánh cửa khá rõ ràng. Chỉ hy vọng Xèo Chu luôn giữ được sự mê vẽ của mình để đi đến cuối hành trình, tỏa sáng và viên mãn.

Văn Bảy

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm