21/06/2015 12:46 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - PGS-TS Trần Hữu Tá (nay đã gần 80 tuổi) dành suốt đời mình cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu giáo dục, thế nhưng ông lại được một số nhà báo tên tuổi gọi vui là “nhà báo không thẻ”, vì sức viết đều đặn, sâu sát, có “tính chiến đấu cao”. Hoàn toàn không cứng nhắc, giáo điều, ông cởi mở chia sẻ với độc giả Thể thao & Văn hóa Cuối tuần về mối quan hệ mạng xã hội - báo chí - showbiz trong bối cảnh truyền thông đa phương tiện hiện nay.
“Có nhiều lúc chúng ta dễ dàng nghĩ rằng chỉ showbiz mới tạo sức hút nên cứ tập trung vào đó, điều ấy cũng dễ thấy và dễ hiểu thôi. Thế nhưng, nếu báo chí (một công cụ trong hệ thống truyền thông) thực sự chú tâm diện rộng và biết tìm tòi thì showbiz cũng chỉ là một phần thôi, bởi có lúc Ngô Bảo Châu, mới đây là kình ngư Ánh Viên, GS-TS Trần Văn Khê…, rồi các sự kiện xã hội khác nữa, đã thành tiêu điểm đó thôi. Còn dấu ấn lưu lại nữa, nhiều khi cái xấu cái nóng chỉ phục vụ hiếu kỳ tức thời, còn cái tốt, cái nhân cảm thì được độc giả ghi nhớ dài lâu hơn.
Cho nên không thể duy ý chí mà nói rằng cần bỏ cái này thêm cái kia để báo chí hoàn bị hơn, mà cách hữu hiệu phải là tự chủ trương từng tờ báo giữ bản lĩnh và biết điều tiết, cân đối” - PGS-TS Trần Hữu Tá bắt đầu câu chuyện.
* Như ông vừa nói thì đề tài nào, thể loại báo nào (kể cả lá cải) cũng có lý để tồn tại?
- Phải nói đúng hơn là mọi sự tồn tại đều có lý của nó. Báo chí mạnh nhất vẫn ở khả năng phản ánh hiện thực (theo nghĩa rộng rãi của khái niệm này), thì làm gì có sự phân biệt đề tài.
Thế nên, tôi không thích gọi báo lá cải, mà gọi là báo chí bình dân, với một lượng độc giả đông đảo, giá trị của nó là ở chỗ đó, còn lại là cách viết mà thôi. Không thể mong chờ độc giả của báo chí bình dân đọc những tờ ở phân khúc hẹp và nhiều chuyên môn hơn, và ngược lại cũng vậy, cho nên mọi sự phê phán cũng phải theo phân khúc, không thể dùng tiêu chí của thể loại này để nói về thể loại khác.
Điều sai lầm của từng tờ báo là không xác định rõ phân khúc của mình, để rơi vào tình trạng “thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai đi đào”. Nhiều báo, tạp chí cứ tưởng viết về showbiz và cho độc giả showbiz là dễ, đó là sai lầm, nên tự đánh mất phân khúc của mình.
* Bằng quan sát của mình, ông có thể cắt nghĩa vì sao showbiz lại có vẻ thường “nóng sốt” hơn nhiều chủ đề khác?
- Hình ảnh về sự nổi tiếng, đổi đời và thành đạt là ước mơ chính đáng của tất cả mọi người, mà showbiz thì có nhiều người thể hiện ra điều này, nên được nhiều độc giả quan tâm hơn. Điều cốt lõi của sự quan tâm vẫn là “người nổi tiếng”, độc giả muốn biết thêm về họ cũng là điều bình thường thôi. Ai nổi tiếng cũng vậy thôi, chứ không riêng gì lĩnh vực showbiz.
Vấn đề còn lại, như đã nói ở trên, đó là cách xác định “người nổi tiếng” của từng báo mà thôi, không phải báo nào viết về nhân vật showbiz cũng có người đọc. Đơn cử như chuyện chị ve chai cùng 5 triệu yen vừa rồi, tôi không nói khía cạnh tiêu cực của truyền thông ở đây, mà chỉ nói rằng nếu biết cách tiếp cận đề tài thì số tin bài và sự thu hút dư luận là rất lớn.
Rồi vấn đề biên cương hải đảo, thiên tai động đất, rơi máy bay, bạo lực học đường, tai nạn y khoa, phát minh khoa học, giải thưởng… đâu cứ là showbiz, mà vẫn thu hút dư luận đó thôi. Vấn đề cũ nhưng luôn thiết thực, đó là bản lĩnh, định hướng của từng tờ báo, sợ nhất là mất bản lĩnh, mất cái tâm công minh.
* Có quan điểm cho rằng trong bộ ba mạng xã hội - báo chí - showbiz, mối quan hệ này trước đây chỉ theo chiều xuôi mà showbiz là “bị bông”. Nay có nhiều trường hợp ngược lại, showbiz quật lại mạng xã hội, nên báo chí có thể bị kẹt ở giữa nếu a dua theo mạng xã hội?
- Điều này là rõ rồi, vì nếu báo chí là một công cụ của truyền thông, thì mạng xã hội cũng vậy, nhưng nó còn thuận lợi hơn là bởi tính chất “một mình một ngựa”, nên đăng gì cũng nhanh nhạy, tự do hơn. Sai lầm là ở chỗ đem “tính chính thống” của một tờ báo so với “tính riêng tư” của mạng xã hội, dần dà đánh mất định hướng của mình.
Việc showbiz quật lại mạng xã hội, thậm chí kiện các báo chí chính thống (trên khắp thế giới đều vậy) cho ta thấy hai điều: Thứ nhất, bối cảnh truyền thông đã thay đổi, nơi báo chí không còn là công cụ đặc quyền hoặc ưu trội hơn các công cụ khác. Thứ hai, ý thức cá nhân và sự dân chủ, thượng tôn pháp luật của xã hội đã phát triển mạnh mẽ hơn, vậy thì nếu mạng xã hội hoặc báo chí xúc phạm, xâm hại giới showbiz thì giới showbiz có quyền quật lại, pháp luật sẽ bảo vệ họ.
* Trước bối cảnh như vậy, những tờ báo có tính chính thống cần phải làm sao để giữ được phong độ và bản sắc của mình?
- Ý này là tôi nói theo chủ quan của mình. Tôi nghĩ đầu tiên phải xác định phân khúc, nếu là báo thuộc thể loại tin tức thì cần chạy theo tin tức, còn những tờ khác thì bài phải có độ lùi, sự chắt lọc, biết từ chối... với các nguồn tin.
Thứ hai, phải tránh rao giảng, giáo điều hoặc tuyên truyền trực tiếp, mà hãy tăng sự phân tích, so sánh, đối chiếu…, tăng hình ảnh, đồ thị, minh họa… để độc giả tự rút ra kết luận cho mình.
Nên nghĩ đến bối cảnh sống bình thường và đời thường của độc giả hiện nay (chứ không phải hoàn cảnh bất thường như thời chiến tranh, thời chưa toàn cầu hóa) mà tôn trọng hiểu biết của độc giả, không nên và không thể áp đặt được nữa.
Cuối cùng, một tờ báo thì bắt buộc phải nghĩ rộng đến nhân tình thế thái, nghĩa là phải viết được những bài có ích cho nhiều người, cho xã hội, cho đất nước… thì tính sử dụng của độc giả với tờ báo đó mới cao.
Nếu báo chí chính thống mà cũng tư duy như mạng xã hội thì sẽ không cạnh tranh được đâu, sẽ mau chóng tự giết mình mà thôi.
* Ông có nghĩ nhiều tờ báo sẽ chết trong nay mai?
- Nhìn lại lịch sử báo chí thế giới hơn 200 năm, báo chí Việt Nam hơn 140 năm, Báo chí Cách mạng Việt Nam 90 năm, tôi nghĩ cái chết hãy còn lâu. Nhưng cũng giống như vài ngân hàng đang bị sáp nhập, tôi không nghĩ rằng Việt Nam lại cần nhiều báo đài đến như vậy. Khi ngân hàng chết thì người dân lo lắng, đi rút tiền về nhà, gây khó khăn chung, chứ nhiều tờ báo chết, ứng xử của người dân sẽ không tiêu cực như vậy. Những tờ còn lại phải tự điều chỉnh, tự xác định tiêu chí và bản lĩnh để đi tiếp.
Mạng xã hội sở dĩ phát triển mạnh mẽ là vì mỗi chủ nhân luôn tự do, dễ dàng điều chỉnh để có độc giả, một tờ báo thì khó khăn hơn rất nhiều. Kế đến, vì mạng xã hội mới mẻ, cũng như cái cây, khi mới mọc sẽ lớn nhanh hơn lúc trưởng thành, mà báo chí thế giới thì đang ở giai đoạn trưởng thành, nhiều tờ thì đã già cỗi, thậm chí “sống mà như qua đời”.
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất