09/10/2024 07:01 GMT+7 | Văn hoá
Tại Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội chiều tối qua tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, danh hiệu cao quý nhất của mùa giải năm nay là Giải thưởng Lớn đã được trao cho GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính, một "hiệp sĩ" của những di tích kiến trúc. Hết lòng chăm chút cho văn hóa Hà Nội, không chỉ thông qua những dự án, công trình trùng tu di tích, suốt đời ông luôn nặng trĩu những trăn trở về mảnh đất này.
Như chính ông thổ lộ, "nhiều năm theo đuổi công việc bảo tồn, đếm ra thì không quá nhiều việc đã làm, nhưng tấm lòng thực sự tôi dành cho Hà Nội sâu hơn, nặng hơn nhiều".
Cùng với những góp trực tiếp trong công tác bảo tồn, trùng tu nhiều di tích biểu tượng, đại diện cho bề dày lịch sử - văn hóa Hà Nội, KTS Hoàng Đạo Kính còn dành trí tuệ, tâm huyết của mình cho nhiều vấn đề hiện tồn của Thủ đô. Ông đã có những kiến giải về di sản đô thị, thiết kế đô thị, sự phát triển của kiến trúc Hà Nội từ góc nhìn văn hóa - lịch sử… Hoặc cụ thể hơn là những vấn đề liên quan đến công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị của Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội, các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc, hay làng cổ Đường Lâm…
Những trăn trở thường trực…
Ở tầm nhìn rộng hơn, dài lâu hơn, KTS Hoàng Đạo Kính đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của Hà Nội hôm nay với nhiều vấn đề được đặt ra về quản lý đô thị và xây dựng tầm vóc, vị thế của Thủ đô. Theo ông, Hà Nội không còn quá lo về việc giữ gìn những công trình di tích văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật nữa. Bởi công việc này đã được quan tâm ở một mức độ nhất định và đã có những kết quả khả thi.
"Cái lo nhất hiện nay, trước tiên là làm sao để giữ Hà Nội là một thành phố đặc sắc trước bối cảnh cạnh tranh đô thị diễn ra ở nhiều thành phố trong cả nước và trên thế giới. Hà Nội phải đặc sắc để cạnh tranh. Ở đây, vấn đề đặt ra là Hà Nội còn đặc sắc không? Hơn nữa, tính đặc sắc đó, phẩm chất đặc sắc đó còn hiện diện một cách thuyết phục không?" - ông đặt vấn đề - "Và quan trọng hơn, Hà Nội còn phải là thành phố tinh hoa. Hà Nội phải nhận ra những giá trị tinh hoa mà mình đang sở hữu để kế thừa, tiếp nối. Những giá trị tinh hoa đó phải được vun đắp, bồi tụ, cô đọng và lan tỏa. Hà Nội phải là Thủ đô của đất tinh hoa, mà trước tiên là tinh hoa văn hóa".
Để Hà Nội đặc sắc, Hà Nội tinh hoa như lời của GS Kính, thì trước tiên Hà Nội phải nhận thức được gia tài văn hóa của mình. Đó là gia tài sống động nằm trong cộng đồng dân cư, là gia tài văn hóa nằm trong tài sản kiến trúc đô thị.
"Nhưng có một thực tế, tài sản kiến trúc đô thị của Thủ đô đang bị thách thức một cách dữ dội. Hà Nội xây dựng quá lớn, quá nhanh, quá hiện đại… đều rất tốt, song cũng có nguy cơ đè bẹp những giá trị hạt nhân nho nhỏ của Hà Nội nằm ở diện tích không dưới vài chục cây số vuông" - ông nhận xét.
Trước thực tế này, với tư cách một người làm bảo tồn gần 1/2 thế kỷ, suy nghĩ lớn nhất đối với KTS Hoàng Đạo Kính hiện nay, đó là làm sao để duy trì và tiếp nối được những tinh hoa đô thị đã tích lũy, đã trở thành diện mạo, tài sản của Hà Nội trong sự phát triển bùng nổ, trong sự quốc tế hóa đang diễn ra. Đây là một vấn đề lớn, không dễ dàng để giải quyết một sớm một chiều.
Theo ông, phải cân bằng, phải nối mạch Hà Nội dĩ vãng, Hà Nội hôm qua với Hà Nội hôm nay bằng tổng chiến lược phát triển,"chuyển hóa mềm" từ phần lõi hạt nhân, phần lõi tinh hoa của Hà Nội sang các khu vực quy hoạch mới của thành phố. "Chuyển hóa mềm" ở đây không chỉ có kiến trúc mà còn cả không gian, cảnh quan, hình thái đô thị. Trong đó, phải phát triển Hà Nội trong sự cộng sinh êm ái, không đối kháng giữa những thành phần văn hóa, lịch sử, nhân văn đã định hình với những quy hoạch xây dựng hiện hữu đang phát triển và phát triển tốt.
Nếu không giải quyết được vấn đề quản lý và xây dựng đô thị một cách hài hòa giữa các thành phần, theo KTS Hoàng Đạo Kính, Hà Nội sẽ trở thành thành phố chung chung, tồn tại trong sự bao vây, thậm chí bị "chọc thủng", không thể đối chọi trước sức ép của tất cả các thể khối của một đô thị lớn, rộng hàng nghìn cây số vuông như hiện nay.
"Người Hà Nội dù ở đâu trong những khu đô thị mới, ở bờ sông bên này hay bên kia rồi vẫn cứ phải về trung tâm để hội tụ, để cảm thấy mình là mình. Như thế, trung tâm Hà Nội liệu có chứa nổi sức ép này không? Hà Nội phải có tư duy kiến tạo đô thị phù hợp để hình ảnh Thủ đô không bị phai mờ" - ông bày tỏ - "Để sau này người sống ở đây sẽ chẳng những nói "tôi ở Hà Nội" mà còn phải tự hào "tôi là người Hà Nội", cũng như người Pháp tự hào "tôi là người Paris", còn người Italy thì tự hào "tôi là người Roma", chẳng hạn... Đây chính là tầm vĩ mô của bảo tồn và phát triển mà chúng ta cần hướng đến".
Người sống ở đây sẽ chẳng những nói "tôi ở Hà Nội" mà còn phải tự hào "tôi là người Hà Nội".
Mạch nguồn truyền thống gia đình
Ở tuổi ngoài 80, KTS Hoàng Đạo Kính vẫn đau đáu với Hà Nội như thế. Mạch nguồn của tình yêu Hà Nội trong ông có lẽ được xuất phát từ truyền thống gia đình.
KTS Hoàng Đạo Kính nhận mình là người hoài niệm cả trong cuộc sống lẫn tâm thức. Ở một khu chung cư thuộc quận Cầu Giấy (Hà Nội), thế nhưng, căn nhà củaông tràn ngập những dấu vết của thời gian, cổ kính và hoài niệm. Ông giữ trong không gian sống nhiều hình ảnh của gia đình, đặc biệt là những kỷ vật của cha mình - nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy.
Trên tủ sách của gia đình ông vẫn còn giữ lại nhiều trước tác của cha, trong đó nổi bật phải kể đến những tác phẩm đặc biệt có giá trị về Hà Nội như: Thăng Long Đông Đô Hà Nội, Phố phường Hà Nội xưa, Người và cảnh Hà Nội, Hà Nội thanh lịch… Có lẽ cũng nhờ những trước tác này mà KTS Hoàng Đạo Kính có điều kiện đào sâu tường tận về văn hóa và con người Hà Nội. Để rồi, ý thức về trách nhiệm cống hiến cho Hà Nội đến với ông một cách rất đỗi tự nhiên.
Nhớ về cha mình, ông kể, "sinh thời, cụ (nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy) rất ngại ngùng khi được mệnh danh là "nhà Hà Nội học". Cụ chỉ nhận mình là người kể chuyện về Hà Nội. Thật vậy, qua 4 cuốn sách và vài chục bài viết của cụ về Hà Nội, ta có cảm giác như đang nghe chuyện của một người lúc thì sống ở thời vua Lê chúa Trịnh, lúc thì ở thời Pháp xâm chiếm Hà thành. Cụ kể chuyện về cuộc sống dài lâu và rất Hà thành của phố Hàng Gai; về những người Hà Nội nổi danh và những người bị lãng quên; về cách ăn, cách mặc đến tận chiếc lọng và đôi hài. Là một trong những ông đồ còn sót lại của thế hệ các cụ đồ đất Thăng Long - Hà Nội, thiếu 5 năm đủ thế kỷ, cụ sống ung dung và thanh thản, giữ lấy bộ nhớ kỳ lạ trong một thế kỷ sục sôi".
"Cốt lõi sách của cụ là về văn hóa thành thị Hà Nội. Đọc cụ, nhận ra Hà Nội - Kẻ Chợ - Hà thành có dáng vẻ đô thị - cụ đồ, đô thị - tiểu thương. Điều đó ta nhận ra khi suy ngẫm về cái nghèo và cái duyên của phố phường Hà Nội, khi ta thâm nhập vào những nếp nhà, những căn buồng là tàn dư của cuộc sống những thế hệ người gốc gác Hà Nội" - KTS Hoàng Đạo Kính cho biết - "Đọc sách cụ Thúy, ta nhận ra: Phố phường Hà Nội cổ truyền và văn hóa Hà Nội cổ truyền nằm trong một thể thống nhất, không biết cái nào sản sinh ra cái nào. Quan sát kiến trúc, ta hiểu văn hóa như thế là tương xứng. Tìm hiểu văn hóa, ta thấy nền cảnh kiến trúc ấy là phù hợp".
KTS Hoàng Đạo Kính đã tiếp nhận truyền thống của một gia đình Hà Nội. Để rồi, ông tiếp tục phát huy truyền thống quý báu đó làm nên sự nghiệp của riêng mình cũng gắn bó đặc biệt sâu nặng với Hà Nội gần 1/2 thế kỷ qua.
Đáng nói, KTS Hoàng Đạo Kính còn tiết lộ, sinh thời nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy ban đầu không tin ông sẽ đi theo con đường bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Ông kể: "Sau khi tôi đi học từ Nga trở về nước. Cha gọi tôi là "thằng lai Tây". Thế rồi, cuối cùng tôi lại chọn làm bảo tồn, có được kết quả tốt nên nhiều địa phương tìm đến nhờ cậy. Lúc đó cụ mới ngạc nhiên mà công nhận trong tôi vẫn có gene của gia đình yêu sử đất nước, yêu văn hóa dân tộc. Để đến giờ, tôi vẫn tham gia nhiều dự án bảo tồn di sản văn hóa".
Về GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính
Ông sinh năm 1941 tại Hà Nội. Học trung học và đại học, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Mátxcơva.
Ông chủ trì tu bổ đình Tây Đằng, chùa Kim Liên, chùa Bút Tháp, chùa Tây Phương, chùa Thầy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, quần thể kiến trúc cung đình Huế, hệ thống tháp Chăm, phố cổ Hội An, làng cổ Phước Tích, Nhà hát Lớn Hà Nội... Chủ trì thiết kế chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc, hệ thống chùa ở Sa Pa, đền thờ Bác Hồ ở Đá Chông...
Ông tham gia đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở Viện Khảo cổ học, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, trường Đại học Kiến trúc TPHồ Chí Minh và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Sách đã xuất bản: Kiến trúc các nước Đông Dương, tiếng Nga, Mátxcơva, năm 1988; Di sản văn hóa - Bảo tồn và trùng tu, Nxb Văn hóa - Thông tin, năm 2002; Ngõ phố người đời, Nxb Văn học, năm 2008; Văn hóa kiến trúc, Nxb Tri thức, năm 2012.
Ngoài làm công việc chuyên môn ông còn vẽ tranh. Ông đã có triển lãm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế và Ba Lan.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất