Trên đường đua CỐNG HIẾN

14/02/2025 05:55 GMT+7 | Thể thao

Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến của báo Thể thao và Văn hoá (Thông tấn xã Việt Nam) khởi xướng và tổ chức đã bước đến tuổi 19, và mặc dù chỉ mới góp mặt từ năm 2023 nhưng "Thể thao Cống hiến" đã sớm để lại dấu ấn với những khác biệt trong tiêu chí cũng như sự phá cách đến từ các đề cử, mà ở đó, những người làm thể thao Việt Nam trân trọng hơn với khát vọng Cống hiến.

1. Thật thú vị khi một lần nữa thấy sự có mặt của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam trong danh sách đề cử và đây đã là kỳ Cống hiến thể thao thứ 3 liên tiếp của các cô gái chân dài. Tất nhiên, họ có mặt ở Top 3 đề cử là nhờ thành tích ấn tượng trong thi đấu khi lần thứ 2 vô địch giải AVC Challenger Cup, nhưng điều quan trọng nằm ở sự ổn định về thành tích của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam.

Đó cũng là điều đem đến sự khác biệt cũng như giá trị riêng của giải thưởng Cống hiến thể thao và câu chuyện về bóng chuyền nữ mang lại khá nhiều cảm hứng. Đây là một môn chơi tập thể, lại là môn thể thao cực kỳ phổ biến mà gần như các cô gái của chúng ta ở một xuất phát điểm rất thấp.

Nhưng bằng khao khát của mình, bóng chuyền nữ Việt Nam dần thu hẹp khoảng cách với Thái Lan trong khu vực Đông Nam Á và hiện đã tiệm cận đến nhóm tranh vé dự các kỳ World Cup của bóng chuyền nữ thế giới.

Đó không phải là những thành tích chói lòa nhưng trong thể thao đỉnh cao, những bước tiến như vậy có thể được xem là "thần kỳ". Hơn 30 năm khuất sau cái bóng của bóng chuyền nữ Thái Lan – đội bóng từng đứng hạng 5 thế giới – chắc chắn không phải là một hoàn cảnh dễ dàng.

Việc để thua liên tục trước Thái Lan ở những trận chung kết SEA Games chắc chắn là nỗi "ám ảnh" không đơn giản để đối diện. Chúng ta cứ lấy trận "derby Đông Nam Á" của bóng đá Việt Nam – Thái Lan thì biết. Trình độ một 9 - một 10 mà cứ ra sân là bị "cóng", đằng này là sự chênh lệch khá rõ ràng về đẳng cấp.

Một chút phân tích như vậy để thấy nếu không có tinh thần cống hiến, chỉ biết ra sân là chơi hết sức mình, thì sẽ rất khó để đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vượt qua các rào cản về tâm lý và đẳng cấp.

Thứ tinh thần cống hiến ấy chính là "vũ khí" duy nhất để họ đủ tự tin theo đuổi con đường thu hẹp khoảng cách với bóng chuyền thế giới. Trong số các môn thể thao đỉnh cao của Việt Nam hiện nay, chính bóng chuyền có số lượng lượt VĐV xuất ngoại nhiều nhất.

Chúng ta từng có Nguyễn Thị Ngọc Hoa vô địch châu Á trong màu áo CLB Thái Lan, có Trần Thị Thanh Thúy sang những quốc gia hàng đầu về bóng chuyền như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ để thi đấu chuyên nghiệp. Và hãy nhớ rằng, bóng chuyền nữ Việt Nam từ trước đến nay gần như phát triển bằng nội lực, từ khâu đào tạo đến HLV.

Không có khao khát cống hiến, không dễ để vươn mình lớn nhanh đến thế.

2. Nhưng thú vị nhất của Cống hiến thể thao năm nay chính là cái tên Nguyễn Xuân Son, cầu thủ quan trọng nhất trong chiến dịch thành công tại ASEAN Cup 2024 của đội tuyển bóng đá nam.

Câu chuyện thể thao: Trên đường đua CỐNG HIẾN - Ảnh 1.

Tiền đạo Nguyễn Xuân Son là một trong những đề cử đáng chú ý nhất của giải Cống hiến thể thao năm 2024. Ảnh: Hoàng Linh

Nếu chỉ lấy thành tích ghi bàn làm thước đo, thì Xuân Son dễ dàng có mặt ở mọi cuộc bầu chọn cho gương mặt xuất sắc năm 2024 của bóng đá Việt Nam, nhưng nếu nhìn ở khía cạnh của giải thưởng Cống hiến, thì chúng ta mới nhìn thấy được "Bàn thắng vàng" của tiền đạo nhập tịch gốc Brazil này.

Một chút may mắn, một chút quyết liệt, thế là bóng đá Việt Nam có một chân sút thượng hạng cho đội tuyển. Nhưng tài nghệ của Xuân Son không phải là yếu tố quyết định đến màn trình diễn của anh trong màu áo đội tuyển. Mất đến 3 trận phải ngồi ngoài vì chưa đủ điều kiện, thế nhưng ngay trận đầu tiên được chơi bóng cho Việt Nam, không ai có cảm giác Xuân Son là một người xa lạ. Anh tìm thấy được đồng đội của mình trên sân dù chưa rành tiếng Việt, anh cảm nhận được sự kỳ vọng từ khán đài bằng những bước chạy không ngừng nghỉ. Đó là khao khát của một cầu thủ muốn được cống hiến cho đất nước thứ 2 của mình.

Chỉ cần làm một phép so sánh nhỏ, giữa Xuân Son và một loạt cầu thủ nhập tịch khác trong trào lưu ồ ạt hiện nay của làng cầu Đông Nam Á. Cho đến nay, chưa có cầu thủ nhập tịch nào để lại dấu ấn đậm nét trong một khoảng thời gian cực ngắn như Xuân Son. Và hãy nhớ, anh là một cầu thủ nhập tịch đúng nghĩa, không phải trường hợp có dòng máu lai, thế nhưng tiền đạo gốc Brazil đó đã chơi bóng đến mức đổ gục xuống sân trong trận chung kết lượt về, ở một pha bóng mà anh một mình lao về phía khung thành Thái Lan để tìm cách ghi bàn.

Thứ khao khát không cần dùng đến ngôn ngữ ấy chính là "bàn thắng" quan trọng nhất của Xuân Son. Nó làm thay đổi gần như hoàn toàn trạng thái chơi bóng của các đồng đội người Việt, biến đội tuyển Việt Nam từ một tập thể không biết cách chiến thắng một thời gian dài trở thành một đội bóng không thể đánh bại. Nói không quá lời, chính tinh thần cống hiến của Xuân Son đã làm hồi sinh những gì đẹp đẽ nhất của Quang Hải, Hoàng Đức, Tiến Linh…, của những "Chiến binh sao Vàng".

3. Và điều thú vị cuối cùng của giải Thể thao Cống hiến 2025 đó là bên cạnh sự trở lại của đội tuyển bóng đá Việt Nam, thì một lần nữa, chúng ta thấy sự vượt trội của những gương mặt và tập thể nữ, từ đội tuyển bóng chuyền, futsal đến xạ thủ xinh đẹp Trịnh Thu Vinh và 3 gương mặt trẻ ở các môn bơi, điền kinh, canoeing.

Những chọn lựa cho các đề cử ấy cho thấy tầm nhìn và sự thống nhất của những nhà tổ chức giải thưởng Cống hiến. Không ai khác, chính những VĐV nữ của Việt Nam là những người đại diện cho khao khát vượt lên chính mình, là những người tiên phong trong nỗ lực vươn tầm của Thể thao Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Họ đem đến những câu chuyện truyền cảm hứng về cách thể hiện các giá trị bản thân bằng những cống hiến không ngừng nghỉ, để những giây phút của tuổi thanh xuân trôi qua không thể lãng phí.

Mặc dù năm 2024 trôi qua không có nhiều dấu ấn lớn của thể thao nước nhà, nhưng từ lăng kính của giải thưởng Thể thao Cống hiến, chúng ta lại thấy tỏa sáng như kỳ vọng. Đây là năm mà đề cử ở các hạng mục khá đầy đặn từ tiêu chí đến chất lượng chuyên môn trên từng môn thể thao có đại diện. Đấy chính là nguồn cảm hứng lớn cho một năm 2025 đầy thách thức và bận rộn của Thể thao Việt Nam.

Hơn lúc nào hết, Thể thao Việt Nam cần thêm những xung lực tinh thần, thêm khao khát cống hiến để chinh phục các thách thức cam go phía trước…

TOP 3 ĐỀ CỬ GIẢI THƯỞNG THỂ THAO CỐNG HIẾN 2025

I. CHIẾN TÍCH THỂ THAO CỦA NĂM

1. Đội tuyển Bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu tiên giành hạng ba giải FIVB Challenge Cup (Vô địch giải châu Á - AVC Challenger Cup; Hạng Ba giải thế giới FIVB Challanger Cup; Giành suất tham dự giải vô địch thế giới 2025)

2. Đội tuyển Bóng đá nam quốc gia giành chức vô địch ASEAN Cup 2024 (địch ASEAN Cup 2024 với 7 trận bất bại và lần thứ 3 lên ngôi ở giải đấu số 1 khu vực)

3. Đội tuyển Bóng đá Futsal nữ quốc gia giành chức vô địch Đông Nam Á (Vô địch giải AFF C tại Philippines; Vô địch giải giao hữu quốc tế NSDF Women's Futsal Championship 2024; Á quân giải giao hữu quốc tế CFA Cup Women's Futsal Tournament 2024)

II. GƯƠNG MẶT THỂ THAO CỦA NĂM

1. Lê Văn Công (Cử tạ): HCĐ Paralympic Paris 2024. 3 lần liên tiếp giành huy chương tại Paralympic; 2 HCV, 1 HCĐ tại Cúp Cử tạ người khuyết tật thế giới

2. Nguyễn Xuân Son (Bóng đá): Cầu thủ xuất sắc nhất V-League 2023/2024; Vua phá lưới V-League và lập kỷ lục ghi 31 bàn thắng mùa giải 2023/2024; Cầu thủ xuất sắc nhất và Vua phá lưới ASEAN Cup 2024

3. Trịnh Thu Vinh (Bắn súng): HCV giải vô địch châu Á nội dung 10m súng ngắn hơi hỗn hợp; Hạng 4 chung cuộc Olympic Paris 2024 nội dung 10m súng ngắn hơi nữ.

III. GƯƠNG MẶT TRẺ THỂ THAO CỦA NĂM

1. Nguyễn Thị Hương (Canoeing): Giành suất dự Olympic Paris 2024; HCV giải vô địch châu Á; 1 HCV giải vô địch U23 châu Á; 3 HCV vô địch Đông Nam Á

2. Võ Thị Mỹ Tiên (Bơi): HCV giải vô địch các nhóm tuổi châu Á; 9 HCV giải VĐQG và 7 HCV giải VĐQG bể 25m; 7 HCV giải vô địch trẻ quốc gia; Giành suất đặc cách tham dự Olympic Paris 2024.

3. Trần Thị Nhi Yến (Điền kinh): 2 HCB nội dung 100m và 200m nữ giải vô địch điền kinh U20 châu Á; Giành suất đặc cách dự Olympic Paris 2024

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm