14/07/2020 08:48 GMT+7 | Bạn cần biết
(giaidauscholar.com) - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm cho biết, từ ngày 25/6 đến ngày 3/7 vừa qua, Đoàn công tác liên ngành gồm đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và EVN đã tiến hành kiểm tra tại tất cả 5 Tổng công ty Điện lực về công tác ghi chỉ số công tơ và lập hóa đơn tiền điện. Đồng thời Đoàn kiểm tra cũng lựa chọn một số đơn vị thuộc các Tổng công ty với tiêu chí đảm bảo đầy đủ các loại hình về mô hình tổ chức và hình thức tổ chức ghi chỉ số công tơ.
Đó là các Công ty điện lực hạch toán phụ thuộc như: Thanh Xuân, Mê Linh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Tân Phú; các Công ty TNHH Một thành viên gồm: Công ty điện lực TNHH Một thành viên Điện lực Đồng Nai; Công ty TNHH Một thành viên Thí nghiệm điện miền Bắc, Trung tâm thí nghiệm điện Vĩnh Phúc – Chi nhánh Công ty TNHH Một thành viên Thí nghiệm điện miền Bắc, Trung tâm Thí nghiệm điện Thừa Thiên Huế - Chi nhánh Công ty TNHH Một thành viên Thí nghiệm điện miền Trung, Công ty Cổ phần Cơ điện - Điện lực Đồng Nai.
Theo Phó Tổng giám đốc EVN, qua kết quả kiểm tra các hồ sơ, giấy tờ và lựa chọn ngẫu nhiên các khách hàng để kiểm tra ghi chỉ số công tơ, lập hóa đơn tiền điện và xử lý kiến nghị cho thấy, việc sai sót trong thời gian qua tại một số đơn vị được báo chí nêu là các trường hợp cá biệt. Nguyên nhân do lỗi tác nghiệp xảy ra đồng thời tại một số khâu trong hoạt động ghi chỉ số và lập hoá đơn tiền điện. Do vậy, các đơn vị trong EVN đã kỷ luật hàng loạt cán bộ quản lý liên quan. EVN cũng đã kịp thời triển khai các giải pháp kiểm soát để hạn chế việc xuất hiện các lỗi tương tự trong tương lai.
Cùng với việc lập lịch ghi chỉ số công tơ theo đúng thời gian được duyệt, phúc tra chỉ số và lập hóa đơn đúng quy định, EVN còn thực hiện đúng quy định pháp luật đo lường đối với công tơ điện. Công tơ điện sử dụng trên lưới điện được kiểm định tại các tổ chức kiểm định được chỉ định theo quy định pháp luật về đo lường.
Tại thời điểm kiểm tra công tơ của các khách hàng, Đoàn công tác nhận thấy: Công tơ phù hợp với mẫu đã được phê duyệt, chứng chỉ (tem kiểm định, dấu kiểm định) kiểm định đúng quy định và còn hiệu lực, niêm phong, kẹp chì nguyên vẹn để bảo đảm ngăn ngừa tác động làm thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường trong quá trình sử dụng.
Các tổ chức kiểm định trực thuộc Công ty TNHH Một thành viên Thí nghiệm điện (đơn vị thực hiện kiểm định) đáp ứng điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định phương tiện đo quy định tại Nghị định số 105/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành.
Các tổ chức kiểm định thuộc Công ty TNHH Một thành viên Thí nghiệm điện được chỉ định kiểm định công tơ điện theo quy định tại Thông tư số 24/2013/TT-BKHCN quy định về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
Bên cạnh đó, các đơn vị được kiểm tra đều chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về đo lường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Các yêu cầu kiến nghị của khách hàng sử dụng điện về hóa đơn tiền điện đã được các đơn vị tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng quy định. Phó Tổng giám đốc Võ Quang Lâm cho hay.
Đoàn công tác cũng đã chỉ ra một số các giải pháp cần được đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới về công tác truyền thông cũng như dịch vụ khách hàng.
Trong quá trình kiểm tra, thực tế cũng cho thấy các khách hàng sinh hoạt của EVN có mức tăng cao chủ yếu là các hộ gia đình có sử dụng máy lạnh/máy điều hòa nhiệt độ nên việc sử dụng điện tăng lên nhiều và kèm theo đó là chi phí sử dụng điện cũng tăng theo. Còn với các hộ không sử dụng máy lạnh và chỉ sử dụng quạt làm mát thì chi phí này thay đổi không nhiều.
Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Công Thương chủ trì, Tổ chức Bơm nhiệt - trữ nhiệt Nhật Bản và Công ty đầu tư tài chính Mitsubishi UFJ & Morganstanley tài trợ, PGS.TS Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Nhiệt - Lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra kết quả nghiên cứu cho thấy: Điện năng tiêu thụ 4 tháng mùa hè cao hơn trung bình khoảng từ 20-50% so với các tháng khác. Trong đó điện năng tiêu thụ của điều hòa chiếm từ 28-64%, tủ lạnh từ 6-22%, còn lại là tiêu thụ điện của các thiết bị khác như TV, chiếu sáng, đồ làm bếp…
Các chuyên gia phân tích, khi sử dụng máy lạnh/máy điều hòa nhiệt độ, điện năng tiêu thụ của thiết bị này phụ thuộc rất nhiều vào chênh lệch nhiệt độ giữa nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ trong phòng. Nhiệt độ ngoài trời càng cao, chênh lệch nhiệt độ ngoài trời so với trong nhà càng lớn thì thiết bị điều hoà nhiệt độ sẽ phải hoạt động nhiều hơn, tiêu tốn nhiều điện năng hơn. Cụ thể, theo chuyên gia, khi nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C thì tiêu thụ điện của điều hòa tăng từ 2 - 3%.
Do đó, để sử dụng điều hòa hiệu quả, theo các chuyên gia về tiết kiệm năng lượng, cần chú ý đặt nhiệt độ hợp lý. Ví dụ nhiệt độ ngoài trời 35 độ C, nhiệt độ cài trong nhà chỉ khoảng 26-28 độ C. Các gia đình nên tránh việc để chế độ lạnh quá sâu, điều này không cần thiết và làm tăng tiêu thụ điện năng.
Các chuyên gia năng lượng cũng cho rằng các gia đình chuẩn bị lắp máy điều hòa mới nên cân nhắc việc chọn điều hòa và lắp dàn nóng đảm bảo yếu tố thải nhiệt tốt. Yếu tố đầu tiên là nên chọn điều hòa phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Sau đó, chọn điều hòa cần chú ý đến “nhãn năng lượng xếp hạng”. Trên nhãn màu xanh lá cây hình chữ nhật có từ 1-5 ngôi sao cùng các thông số chi tiết liên quan tới xuất xứ, tiêu chuẩn đánh giá, hiệu suất tiêu thụ điện năng của sản phẩm.
Các gia đình nên chọn điều hòa nhiều sao vì càng nhiều sao càng ít tiêu hao năng lượng, tiết kiệm điện. Đồng thời, càng nhiều sao, chất lượng điều hòa càng tốt hơn.
Mặt khác, theo các chuyên gia, việc lắp đặt điều hòa cần đảm bảo khoảng cách phía trước mặt của dàn nóng không được nhỏ hơn 1,5 đến 2m, khoảng cách này càng lớn càng tốt. Nếu khoảng cách này nhỏ hơn 1,5m, nhiệt nóng thải ra bao nhiêu lại bị phả trở lại khiến việc giải nhiệt điều hòa kém, lượng tiêu thụ điện càng tăng. Bên cạnh đó, cần tránh lắp cục nóng điều hòa ở hướng Tây, nếu trường hợp lắp ở hướng Tây thì có thể lắp thêm mái che và đảm bảo nguyên tắc không cản gió cho cục nóng.
Một giải pháp nữa cũng được các chuyên gia năng lượng đưa ra là cần thường xuyên bảo dưỡng, vệ sinh sẽ giúp điều hòa bền và gia đình tiết kiệm điện năng. Đơn cử trước mỗi mùa nóng, người dùng phải bảo trì, bảo dưỡng và vệ sinh điều hòa. Ngoài ra, gia đình có thể tháo lớp màng lọc của dàn lạnh để rửa. Sau khi làm khô, có thể lắp trở lại như cũ.
Hoàng Dũng/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất