Sao vẫn lặp lại những cuộc đại tang tập thể?

06/07/2016 07:13 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Những ngày qua, dồn dập những đám tang tập thể với những vòng hoa trắng. 3 em sinh viên tình nguyện Đại học Ngoại thương bị cuốn theo dòng nước lũ thiệt mạng.

1. Cách đây hai ngày, 5 học sinh trường cấp 2 ở Bắc Giang thiệt mạng vì chết đuối. Các em đi chăn thả trâu bò, hai em xuống ao tắm, 3 em còn lại đưa tay ra cứu nhưng cùng “đi” theo vì nước sâu. Vài ngày trước đó, ở Lạng Sơn, 4 em học sinh nữ rủ nhau đi tắm trên sông Kỳ Cùng cũng đã bị nước cuốn mất tích. Rồi ngày 2/7, trong lúc chăn trâu, hai bé gái ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa đã xuống kênh tắm, rồi tử nạn.

Tháng 6, trên sông Phổ Lợi ở Huế, 3 đứa trẻ trong một gia đình không may trượt chân ngã xuống nước ra đi mãi mãi. Cùng ngày hôm đó, cũng ở Huế, 2 đứa trẻ mất mạng khi cùng nhau ra phá Tam Giang mò cua bắt ốc. Đó là thông tin trong chưa đầy 1 tháng nay, chưa nói đến những đại tang làm rúng động cả nước cũng chỉ mới đây thôi.

Thảm nạn lặp lại đến phát sợ, một đám tang tập thể, cùng một vùng quê, một trường học hay cùng một gia đình và cùng một lý do mà người ta thốt lên “biết rồi, khổ lắm: chết đuối”.

Biết rồi, nói rồi nhưng vẫn phải nói nữa. Từ bé, chúng ta được dạy một lý thuyết tuyệt đẹp rằng đất nước rừng vàng biển bạc, sông ngòi dày đặc, rằng bờ biển dài 3.260 km, 392 con sông chảy liên tỉnh, 3.100 km kênh rạch... Vâng, chúng ta rõ là trù phú, giàu đẹp, em nào cũng được thấm nhuần cái đẹp đó, nhưng khốn nỗi, không phải học sinh nào cũng được dạy để sống sót giữa cái đẹp ấy. Bao nhiêu em biết bơi khi thả chúng ra những sông, những biển, những kênh rạch? Chưa kể những ao hồ, những hố công trình, dự án treo dang dở.

2. Theo số liệu mới nhất của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, mỗi năm có khoảng 3.500 trẻ bị chết đuối, nghĩa là mỗi ngày có 9 đến 10 đứa trẻ chết đuối, dịp hè con số này tăng đột biến. Trước hàng ngàn sinh mạng những đứa trẻ không bệnh tật mất đi mỗi năm, chúng ta không thể không đặt vấn đề: Vì sao nỗi đau liên tục lặp lại? Ai phải chịu trách nhiệm? Có xử lý gì không?

Mỗi khi có thêm đứa trẻ xấu số ra đi thì người lớn, những người có trách nhiệm ở địa phương, ở ngành giáo dục lại giật mình, đau đớn, chia sẻ. Rồi mọi chuyện lại thế. Nó có khác gì sự vô tình, bàng quan kéo đến vô tận.

Bộ GD&ĐT chỉ đạo triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học. Nhưng đến nay, chúng ta đau đớn nhận ra rằng, Bộ chủ yếu chỉ có thể “dạy bơi trên giấy” vì một lí do rất cũ là… tiền. Bể bơi ở đâu? Quỹ đất ở đâu? Tiền ở đâu? Và thế là những cái chết tập thể vẫn lặp lại.

Nỗi đau và tinh thần tình nguyện

Nỗi đau và tinh thần tình nguyện

Những ngày qua, tin 3 em sinh viên tình nguyện Đại học Ngoại thương, Hà Nội gặp nạn khi đi tình nguyện khiến chúng ta không khỏi xót xa.


Học sinh của chúng ta đang phải học và nạp quá nhiều lý thuyết xa rời thực tiễn. Khi gặp phải những tình huống phát sinh trong cuộc sống như tai nạn, đuối nước, bị kẻ xấu đe dọa, bị lạm dụng... hầu hết đều hoảng loạn không biết cách xử lý thoát hiểm. Giáo dục của ta đang thiếu đi một thực tiễn cốt yếu nhất trong 4 trụ cột về giáo dục của UNESCO là: Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học để sinh tồn.

Vâng, học để sinh tồn. Vì thế, hãy lược bớt nội dung vô bổ, bớt nhồi nhét kiến thức xa vời, hãy dạy những kỹ năng thiết thân để các em có thể sinh tồn trước khi làm những điều cao siêu khác. Với các bậc cha mẹ, hãy nghĩ nếu con chưa biết bơi, cha mẹ chưa làm tròn nghĩa vụ. Và với các hiệu trưởng, nếu học sinh chưa biết bơi, nhà trường chưa phải là đạt chuẩn, đừng nhận thi đua.

Chúng ta đang tiến hành đổi mới cấp bách “Căn bản - Toàn diện - Triệt để” nền giáo dục. Xin hỏi việc cứu mạng 10 đứa trẻ mỗi ngày có đủ cấp bách để làm ngay, làm căn bản, làm toàn diện và làm triệt để hay chưa? Việc này riêng ngành giáo dục không thể giải quyết. Nhưng dù đất nước còn nghèo, xin hãy dành tiền cho việc cấp bách này trước!

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm