Triển lãm Sài Gòn - Từ thành thị phong kiến đến thành phố kiểu phương Tây

04/01/2020 08:20 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Ngày 3/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, tổ chức khai mạc triển lãm Sài Gòn - Từ thành thị phong kiến đến thành phố kiểu phương Tây, nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Lưu trữ Việt Nam (3/1/1946 - 3/1/2020).

Trưng bày Mộc bản Triều Nguyễn tại Đà Lạt

Trưng bày Mộc bản Triều Nguyễn tại Đà Lạt

Mộc bản Triều Nguyễn, đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, thành phố Đà Lạt, là một trong những khối tài liệu lưu trữ quý hiếm nhất của Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam.

Triển lãm gần 200 hình ảnh, tài liệu lưu trữ quốc gia như: Mộc bản triều Nguyễn - Tư liệu di sản thế giới, bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV; tài liệu phông Phủ Thống đốc Nam kỳ bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II; tài liệu thời kỳ thuộc địa Pháp tại Lưu trữ Hải ngoại Pháp (ANOM).

Trong đó, nhiều tư liệu, hình ảnh sưu tập của các cá nhân, nhà nghiên cứu về Sài Gòn - Gia Định và lần đầu được giới thiệu đến người xem.

Các tác phẩm triển lãm là sâu chuỗi hình ảnh, tư liệu có nội dung phản ánh quá trình lịch sử hình thành vùng đất Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh từ khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý, thiết lập chủ quyền Đại Việt ở vùng đất phía Nam (năm 1868); chúa Nguyễn Phúc Ánh chọn Gia Định làm kinh kỳ. Lịch sử Sài Gòn trở thành thuộc địa của Pháp giai đoạn 1858-1945 và các công trình kiến trúc tiêu biểu do chính quyền thuộc địa Pháp xây dựng tại Sài Gòn trong nửa cuối thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX, mà nay đã trở thành di sản kiến trúc của Thành phố Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Đông đảo khách tham quan triển lãm. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN

Theo ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Triển lãm nhằm tuyên truyền, giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học tài liệu lưu trữ phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử quá trình biến đổi của Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh từ cách đây hai thế kỷ. Với giá trị đặc biệt của tài liệu lưu trữ này, Triển lãm không chỉ tạo không gian văn hóa, lịch sử phục vụ người dân, du khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn góp phần khẳng định vai trò, vị trí của ngành lưu trữ; khẳng định giá trị của tài liệu lưu trữ của Việt Nam.

Đến tham quan Triển lãm, ông Trần Hữu Phúc Tiến, người có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu lịch sử Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, đây là cuộc triển lãm đặc biệt, lần đầu tiên giới thiệu đến người xem nhiều tư liệu quý. Đến với Triển lãm này, người xem không chỉ hình dung ra vùng đất, thành lũy Gia Định, mà còn hiểu rõ hơn về cuộc sống, cách khai thác ruộng đất của người Nam Bộ cùng với 40 ngôi làng nghề nông, nghề thủ công.

Theo ông Trần Hữu Phúc Tiến, khi người Pháp chiếm vùng đất này, đã xây dựng Sài Gòn - Thành phố kiểu phương Tây bao gồm các công trình, kiến trúc, diện tích xây dựng, mật độ dân số theo quy chuẩn trên nền của thành thị phong kiến, trong đó có những công trình mang ý tưởng từ nhiều quốc gia khác hoặc mang đậm nét đặc trưng của nước Pháp như: Nhà Thờ Đức Bà, Dinh xã Tây nay là Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố, Nhà hát lớn…

Triển lãm mở cửa tự do phục vụ khách tham quan từ ngày 4/1 tại số 2 Ter, đường Lê Duẩn, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thanh Vũ/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm