05/09/2019 11:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Triển lãm Tứ lập 3 đánh dấu một khúc rẽ rõ nét của bốn chàng trai từ nông thôn Bắc bộ: Bùi Văn Tuất, Nguyễn Minh, Đặng Hữu và Phạm Xuân Trung. Họ cũng vừa bước vào độ tuổi chín muồi trong nghề nghiệp.
Triển lãm Tứ lập 3 giới thiệu 42 tác phẩm, khai mạc lúc 17h ngày 4/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, kéo dài đến hết ngày 8/9/2019.
Từ những thay đổi
Thay đổi rõ rệt nhất là ở Nguyễn Minh (quen gọi Minh “béo”, để phân biệt với Minh “phố”, họa sĩ cùng tên). Từ bỏ những hình bóng yêu kiều của những thiếu phụ mơ màng trong vườn xuân, những em bé bụ bẫm líu ríu níu áo mẹ, Minh bày ra những bụi bặm, rêu mốc và sần sùi, heo hút mảnh trời chật hẹp bó khung giữa chung cư, cầu vượt và bê tông.
Từ bỏ bảng màu sáng rỡ và ngọt ngào, từ bỏ những gam xanh mơn mởn của cây cỏ, Minh nhặt vào tranh những màu xám của trụ bê tông dọc tuyến đường sắt trên cao, màu xanh lợt của nước xi măng quét chống thấm, màu vàng bụi đất, màu đen xì của khói xe bám lại.
Sắp xếp khôn ngoan những mảng lớn đơn sắc, sử dụng sắc độ tương phản, cân nhắc bề mặt, Minh như ngẫu nhiên tạo ra một nhịp điệu sống động, dồn dập quen thuộc của đô thị, đến nỗi nếu ai dừng chân lắng nghe một chút sẽ thấy tiếng còi xe, tiếng động cơ, tiếng ầm ì đặc trưng trên những tuyến phố quận Đống Đa, quận Hà Đông ken chặt người.
Thay đổi rõ nhì là ở Phạm Xuân Trung. Dù vẫn là bút pháp hiện thực đó, bảng màu đó, nhưng cũng như Minh, Trung chuyển hoàn toàn sang một đề tài mới. Cái góc công cuộc vất vả tần tảo kiếm ăn của những kẻ chẳng có gì, cái góc khuất ít lãng mạn nhất của cuộc sống, lại dường như là nguồn cảm hứng cho những bức sơn dầu khổ lớn, tỉ mỉ của Trung lần này.
Những sườn thuyền nứt toác bị xô lên bãi bồi, những lòng thuyền đầy mảnh gỗ vụn, những bến thuyền đầy rác bị sóng đánh vào sau cơn bão, dòng nước ròng lờ đờ chảy. Những con bò gầy giơ xương kiếm ăn trên bãi rác cũng kiệt quệ không kém.
Trung vẽ như một nhu cầu giải thoát cho tình thương, nỗi xót xa đang dồn dâng lên trong tim mình, như một lời đáp lại, mà không nghĩ rằng đây là những rung cảm chân thành nhất về môi trường từng được ghi lại trên toan, tự nhiên, không ồn ào, lặng lẽ như tính cách của họa sĩ này.
Với Đặng Hữu (quen gọi Hữu Gồ), cái hùng vĩ và uy nghiêm của những vách đá Hà Giang, Mèo Vạc, Đồng Văn… là sự thay thế dứt khoát cho những khu vườn rụt rè và những cánh đồng ấm áp từ lần Tứ lập đầu tiên.
Bút pháp của Hữu cũng được trau dồi và vượt trội hơn. Vẫn là những gam màu chuyển thật nhẹ đến nỗi nếu chỉ nhìn lướt qua, tranh của Hữu thiếu hoàn toàn những gần xa nông sâu quen thuộc với những con mắt dễ dãi. Nhưng chính cái độ rung thoảng qua đấy đã bắt được thứ không khí bảng lảng lúc đầu ngày hoặc khi đêm xuống, mới tả được cái cảm giác ngợp khi đứng nhìn lên những đỉnh kia và không biết đâu là núi, đâu là trời.
Cảm xúc đó trọn vẹn nhất, truyền tải nhất qua những bức Nhà bên núi và Vách đá đêm. Tiếp tục theo đuổi ấn tượng, nhưng lại lập luận ánh sáng là thứ hiếm, Hữu có vẻ đang tự tìm đến con đường tối giản để thử thách chính mình.
Còn Bùi Văn Tuất dường như vẫn mải mê theo đuổi những góc bếp hồng lửa ấm áp, những mảnh sân đất nện chắc nịch, những em bé miền núi vừa ngây thơ, vừa cứng cáp. Nhưng người họa sĩ chỉ có thể vẽ theo con tim của mình, và Tuất vẫn ngang bướng theo đuổi những ký họa cảnh sinh hoạt vùng cao được thể hiện khổ lớn, hoàn chỉnh.
Có khác chăng là những thử nghiệm bố cục phức tạp hơn, với những nét vẽ buông bỏ một cách nhuần nhuyễn hơn. Có lẽ nhóm cũng cần một cái gốc bắt rễ sâu như Tuất, đứng ngoài biến động, làm chỗ gửi an toàn cho tâm hồn thôn dã của các bạn.
Cách nhìn vị tha
Thật thú vị khi quan sát sự trưởng thành của bốn chàng trai Tứ lập, giờ không còn là những cậu bé nông thôn chất phác, mà đã dần dần tạo nên cách nhìn riêng của mình. Dù có đương đại hơn, sắc sảo hơn, thực tế hơn, đó vẫn là cách nhìn vị tha, “thấy điều tốt” trong mọi hoàn cảnh - cái khả năng chỉ có ở những tâm hồn hồn hậu, khoáng đạt, thương yêu.
Sự đồng điệu tâm hồn đó làm Tứ lập trở nên một nhóm họa sĩ gắn kết nhất trong những nhóm nghệ sĩ đương đại tự phát, khi sự ảnh hưởng lẫn nhau phần nào phản ánh qua các tác phẩm triển lãm lần này.
Phố xá của Minh là kết quả của quá trình lang thang trực họa cùng Trung và Hữu, để rồi những thể hiện bán trừu tượng của Hữu có phần nào chịu ảnh hưởng từ thói kéo hình và bóp hình của Minh.
Cùng một bản làng bên triền núi, nếu Trung nhìn thấy những vách nhà trăm tuổi say đắm thì với Hữu chỉ là những ảo ảnh đang tan dần vào sương. Những bố cục nhóm và gam màu hoài cổ của Tuất cũng phảng phất trong những lớp lang câu chuyện của Trung. Và bao trùm cả triển lãm là lời ca ngợi vẻ đẹp cuộc sống kính cẩn và chân thành, một lời ca ấm áp như là quà tặng cho Sài Gòn nồng hậu, thấm đẫm tình người.
Đỗ Tú Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất