26/03/2018 15:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Ngày 1/4 tới đây, lần đầu tiên Sotheby's sẽ đưa tranh Nguyễn Huyến ra đấu giá với mức định giá khá cao cho 2 bức tranh lụa và giấy.
Thông tin trên vừa được ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc đấu giá của Chọn’s cung cấp cho báo chí trong buổi khai mạc triển lãm tranh sưu tầm "Hội họa Nguyễn Huyến" vào cuối tuần qua.
"Cha đẻ" của "con trâu xanh"
Trong số những cây đa, cây đề của làng mỹ thuật Việt, cái tên Nguyễn Huyến không quá nổi bật về mặt... truyền thông. Nhưng xem nhật ký ông để lại và những tư liệu lưu trữ của gia đình mà ông Trần Quốc Hùng cung cấp, có thể nói không nhắc đến ông kể như là một thiếu sót lớn.
Nguyễn Huyến (1915-1994) là một trong 108 Hội viên đầu tiên của Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (nay là Hội Mỹ thuật Việt Nam) từ năm 1957. Ông theo học hai năm tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong khoảng thời gian 1932-1936, nhưng sau đó rời bỏ trường để tạo cho mình một lối đi riêng. Ông đã từng có các triển lãm tranh vào những năm 1939, 1941, 1942 tại Pháp. Theo thống kê sơ bộ, đã có ít nhất 259 nhà sưu tầm cá nhân trong nước và quốc tế sưu tập các sáng tác trong suốt 50 năm hoạt động nghệ thuật của ông.
Năm 1945, Nguyễn Huyến đã vẽ chân dung Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch, trong những ngày đón mừng cách mạng thành công. Năm 1946, ông là một trong 20 họa sĩ (bao gồm cả nhiều tên tuổi nổi tiếng khác như: Mai Văn Hiến, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng, Lê Phả, Nguyễn Văn Khanh…) tham gia vẽ giấy bạc cho Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cụ thể, Nguyễn Huyến cùng với KTS Lương Văn Tuất, cán bộ ở Sở Địa đồ Đào Văn Trung thời bấy giờ được giao vẽ tờ tiền 100 đồng, trong đó Nguyễn Huyến vẽ mặt sau là hình "con trâu xanh" (mang ý nghĩa con trâu là đầu cơ nghiệp của nhà nông).
Đến nay, tờ 100 đồng vẫn "giữ kỷ lục" là đồng tiền giấy có kích thước lớn nhất và nếu quy đổi ra VNĐ bây giờ thì 100 đồng "con trâu xanh" bằng khoảng 33 triệu đồng.
Một số họa sĩ từng biết Nguyễn Huyến cho hay, vì muốn con trâu thật sống động, thanh thoát và có thần nên thay vì ngồi ở xưởng vẽ, ông quyết định chạy ra cánh đồng Láng (nay là Quận Cầu Giấy) để tận thấy một con trâu đang gặm cỏ và hí hoáy vẽ lại. Khi tờ 100 đồng được lưu hành, người dân lúc bấy giờ vẫn gọi đồng bạc là đồng "con trâu xanh". Nếu ai còn giữ được tờ bạc này có thể lấy kính lúp soi kỹ sẽ rất thích thú với những cái xoáy lông trâu hiện lên ở đầu và mình trâu rất sống động.
Ba ông họa sĩ ngày nào còn đưa ra một quyết định rất... ngây thơ nhưng lại được nhiều người khen, ấy là đánh dấu bằng một chấm nhỏ ở góc phải và cùng màu với tờ giấy bạc để phân biệt tiền thật, tiền giả dù người dân khi ấy... chẳng mấy ai để ý.
Đắt giá đến từng centimet
Sở trường của Nguyễn Huyến là tranh sơn mài và ông bắt đầu nổi tiếng với chất liệu này từ những năm 40 của thế kỷ trước với rất nhiều tác phẩm mang đậm tính hiện thực, được giới chuyên môn nghiên cứu mỹ thuật cũng như các họa sĩ đồng nghiệp cùng thời đánh giá cao về cách tạo hình nhân vật, bối cảnh thiên nhiên trong các tác phẩm...
Năm 1950, bức tranh lụa 120x80cm Tình mẫu tử của Nguyễn Huyến đã được Thị trưởng thành phố Hà Nội khi ấy là Thẩm Hoàng Tín mua với giá 10.000 đồng Đông Dương (bằng 270 kg bạc, tương đương 143.000 USD bây giờ). Sau nửa thế kỉ nhiều biến động, cái tên Nguyễn Huyến lắng đi, không nhiều người biết đến tên ông ngoài những nhà sưu tầm quen thuộc. Các nhà sưu tầm đều mong tranh Nguyễn Huyến trở lại vị thế xưa.
Trong khoảng 10 năm (1967-1976), theo thống kê, Nguyễn Huyến đã bán được 200 tác phẩm nhưng không được truyền thông quan tâm. Phải đến năm 2017, khi Chọn's và sau đó là Art Valorem (Pháp) đưa các tác phẩm đầu tiên của ông ra đấu giá công khai thì công chúng mới có điều kiện biết đến ông nhiều hơn.
Theo ông chủ của đấu giá của Chọn’s, đến cuối năm 2017, những bức tranh sơn mài cỡ trung của Nguyễn Huyến xuất hiện và giá lập tức tăng mạnh.
"Nếu như đầu năm 2017, những tranh của Nguyễn Huyến chỉ dao động quanh 1 USD/cm2 thì từ khi những bức sơn mài của ông lên sàn đấu giá, giá trị trung bình đã nhảy lên mức 2,04 USD/cm2 với bức Chú bé chăn trâu tại Art Valorem và sau đó là 4,38 USD/cm2 với bức Quay sợi tại Chọn's” – ông Hùng nói.
Cũng theo ông, bức tranh "Dáng Ngọc" - bức tranh khoả thân sơn mài hiếm hoi được vẽ vào năm 1967 xuất hiện tại Phiên đấu giá Chọn's số 9 ngày 23/12/2017 - đã đạt giá gõ búa 45.000 USD (16,67 USD/cm2) vượt xa những bức tranh đấu giá trước đó. Tuy nhiên, "Chúng ta chỉ nên coi đây là một sự bất ngờ chứ vẫn cần thêm nhiều bức tranh lên sàn đấu giá nữa để tìm ra khoảng giá trung bình hợp lý đối với tranh Nguyễn Huyến", ông Hùng cho hay.
Trong khuôn khổ của triển lãm tranh sưu tầm Hội họa Nguyễn Huyến (đang diễn ra tại 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội), ông Hùng cho biết vào tuần cuối cùng của tháng 4 tới đây, Chọn’s Auction House sẽ chọn khoảng 50% tác phẩm trong BST 52 bức đang triển lãm thuộc sở hữu của 8 nhà sưu tầm để đấu giá. Trong đó, có những bức như: chì than trên giấy Chân dung phụ nữ Việt Nam (vẽ năm 1938, giá khởi điểm 600 USD), bức chì than màu Chân dung cô Vân (vẽ năm 1940, giá khởi điểm 700 USD), bức bột màu trên giấy Tìm bạn (vẽ năm 1944, giá khởi điểm 1.000 USD), bức màu nước Chợ Bờ (vẽ năm 1961, giá khởi điểm 600 USD)...
Ông Hùng còn cung cấp một tin vui: ngay khi Chọn’s công bố thông tin về triển lãm hội họa Nguyễn Huyến, Nhà đấu giá Sotheby’s đã chọn tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Huyến để đấu giá ở phiên sắp tới. "Điều này cho thấy thị trường nội địa Việt Nam đang ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường nghệ thuật quốc tế, đặc biệt là với thị trường nghệ thuật Hong Kong (Trung Quốc)” – ông nói.
Nguyễn Huyến và những triển lãm lịch sử Sinh thời, Nguyễn Huyến đã tổ chức triển lãm ở nhiều địa điểm quan trọng mang giá trị lịch sử tại Hà Nội như: Nhà Hát Lớn, Phòng Thông tin Pháp, Nha đại diện Tổng giám đốc thông tin. Tranh của Nguyễn Huyến từng được Chính phủ Việt Nam chọn làm quà tặng cho Hoàng thân Sihanouk. Ngoài ra, tác phẩm Thác Bờ (4 bức) được bảo tàng Thụy Điển mua và hiện vẫn còn đang trưng bày. |
Huy Thông
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất