Triển lãm "Vọng sơn" và "Khải sinh": Hành trình của những cái tôi điêu khắc

11/12/2024 08:40 GMT+7 | Văn hoá

Hai triển lãm cá nhân này cùng là điêu khắc, khai mạc cùng ngày, đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, sẽ kết thúc cùng ngày 15/12. Hai nhà điêu khắc Lê Lạng Lương (1974) và Hoàng Mai Thiệp (1982) cùng là giảng viên Khoa Điêu khắc tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Một tác giả nhìn từ sự sinh sôi, nảy nở để thể hiện những khát vọng của cuộc sống, của tình yêu và từ đó tìm đến hạnh phúc. Một tác giả lại muốn chia sẻ thông điệp về hạnh phúc, đi tìm hạnh phúc từ những điều giản đơn, gần gũi.

Cơn say gốm của Hoàng Mai Thiệp

Triển lãm Khải sinh trưng bày hơn 30 tác phẩm gốm, là loạt tạo hình mới, thể hiện khát khao vào sự sống, sự sinh sôi phát triển của nhà điêu khắc Hoàng Mai Thiệp.

Tác giả cho biết, sau những chất liệu như kim loại, đá, gỗ… đến gốm, anh mới có được trải nghiệm chinh phục chất liệu này như một cô nàng mong manh, đỏng đảnh và khó chiều.

Triển lãm "Vọng sơn" và "Khải sinh": Hành trình của những cái tôi điêu khắc - Ảnh 1.

Tác phẩm điêu khắc khổ lớn của Hoàng Mai Thiệp

Điều này được anh lý giải: Nếu sử dụng các chất liệu khác, làm đến đâu, được đến đấy, thì với gốm, bạn có thể gặp sự cố ngay từ khi tạo hình. Gốm - trong lúc di chuyển, cho vào lò hoặc thậm chi cả khi ra lò, vẫn chưa hết những rủi ro. Thế nên, để thực hiện triển lãm này, có những tác phẩm khiến Hoàng Mai Thiệp phải làm đi làm lại đến vài lần.

Còn nữa, chất liệu gốm cũng có hạn chế khi muốn thực hiện những tác phẩm có kích thước lớn, vì nung phải phụ thuộc vào kích thước lò, nhiệt độ, men và cả người đốt. Ví dụ như khi thực hiện một tác phẩm điêu khắc gốm lớn nhất được trưng bày trong triển lãm này, anh đã phải chia phần tạo hình thành từng thớt để nung. Sau đó, mới xếp chồng các thớt lên nhau để tạo hình tác phẩm.

Triển lãm "Vọng sơn" và "Khải sinh": Hành trình của những cái tôi điêu khắc - Ảnh 2.

Tác phẩm điêu khắc gốm của Hoàng Mai Thiệp

"Rủi ro là đặc trưng của chất liệu này và cũng làm nhân tố tạo ra sự thú vị. Chỉ có điều, càng làm về gốm tôi càng nghiện hơn khi chất liệu này cho tôi nhiều cảm xúc trong quá trình tạo hình. Tôi đã tiếp xúc và ấn tượng với gốm từ thời sinh viên, nhưng phải đến khi tham gia workshop gốm Tết tại Bát Tràng Ceramic Art Spase của nhà điêu khắc Lê Anh Vũ năm 2020, tôi mới thật sự bị cuốn hút bởi gốm. Từ đây, tôi theo đuổi, say và yêu gốm luôn" - Hoàng Mai Thiệp tâm sự.

Triển lãm "Vọng sơn" và "Khải sinh": Hành trình của những cái tôi điêu khắc - Ảnh 3.

Anh lý giải thêm: "Đó là bởi mỗi khi làm hỏng, tôi lại được học từ cái hỏng nhiều hơn, tôi có cơ hội làm cái mới tốt hơn. Nhiều khi gặp phải tình huống với những tác còn đang trên đường bê vào lò nhưng do mải sửa nên rơi. Khi đó, tác phẩm đã hoàn thành luôn sứ mệnh dù chưa thành hình hài, còn mình thì cứ đứng tẩn ngần mãi không thôi - gốm đã hấp dẫn và cuốn hút tôi như thế".

Với những gì Hoàng Mai Thiệp chia sẻ, có thể mượn lời giám tuyển - họa sĩ Vũ Hồng Nguyên "đúc kết" về anh: "Tố chất với gốm và điêu khắc gốm dường như đã có sẵn trong cơ địa con người Thiệp, chỉ chờ một cơ duyên bật nút nguồn khởi động để bộc ra "cơn say".

Triển lãm "Vọng sơn" và "Khải sinh": Hành trình của những cái tôi điêu khắc - Ảnh 4.

Theo giám tuyển Vũ Hồng Nguyên, mặc dù nhiều thế hệ nghệ sĩ đã sáng tác nghiên cứu rồi thử nghiệm chất liệu gốm trong điêu khắc, số lượng tác giả điêu khắc gốm đương đại vẫn không đếm hết một bàn tay. Hơn nữa, điêu khắc gốm với kích thước lớn rất khan hiếm trong bối cảnh môi trường nghệ thuật đương đại. Do đó, bộ tác phẩm Khải sinh đã thành công khi khẳng định rõ nét tài năng của một tác giả điêu khắc gốm xuất sắc, góp phần làm vững mạnh và phong phú thêm cho điêu khắc gốm Việt Nam đương đại.

Triển lãm "Vọng sơn" và "Khải sinh": Hành trình của những cái tôi điêu khắc - Ảnh 5.

"Trùng điệp" núi của Lê Lạng Lương

Cũng là 30 tác phẩm điêu khắc, nhưng Vọng sơn của Lê Lạng Lương được thực hiện trên chất liệu đồng, nhôm, sơn đắp... Đây là triển lãm được anh thực hiện sau gần một thập niên ấp ủ, theo đuổi.

Lê Lạng Lương miêu tả các tác phẩm điêu khắc của mình là những khối tự do của vật chất khi dễ thấy như núi, như cây, khi khó nắm bắt như mây, như sương, như gió; những cảm giác căng chùng của bước chân bập bênh men rượu lúc chiều tà… không gian núi là vậy.

Triển lãm "Vọng sơn" và "Khải sinh": Hành trình của những cái tôi điêu khắc - Ảnh 6.

Nhà điêu khắc Lê Lạng Lương phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm

Anh viết: "Cái riêng lẻ, cái chung, cái tách, cái hợp luôn thay đổi, đảo chiều, hoán vị cho nhau, cái tĩnh và động, cái thực và ảo cũng đổi ngôi trong sự dịch chuyển không ngừng của không gian, thời gian và khí tiết. Tất cả những hình thái mơ hồ, khó nắm bắt tạo nên "cơ thể" tác phẩm như trạng thái của cái "mơ thấy", "cảm thấy".

Lê Lạng Lương cho biết, mạch nguồn miền núi - nơi anh sinh ra đã khởi tạo cảm hứng sáng tạo cho anh trong triển lãm này.

Triển lãm "Vọng sơn" và "Khải sinh": Hành trình của những cái tôi điêu khắc - Ảnh 7.

Tác phẩm điêu khắc “Men lá” của Lê Lạng Lương

"Môi sinh miền núi chính là mạch nguồn cảm xúc cho tôi, khiến tôi muốn chia sẻ những cảm nhận, cảm nghĩ của mình khi đứng trong không gian của núi. Mỗi tác phẩm trong triển lãm này là một câu chuyện riêng, nhưng kết nối bằng sự cảm nhận cá nhân của tôi - những cảm nhận cá nhân khi sinh ra từ môi sinh miền núi" - Lạng Lương bày tỏ - "Qua đây, thông điệp của tôi là khi hòa mình vào không gian của thiên nhiên, mình nhìn cuộc sống, có thể tìm đến hạnh phúc từ ngay trong sự đơn giản và đơn sơ nhất. Hạnh phúc giản đơn đôi khi không nằm ở nơi phồn hoa quá căng thẳng mà có thể ở nhiều nơi khác, giúp ta có thể thay đổi cảm giác và cảm nhận hạnh phúc của sự sống xung quanh chúng ta".

Triển lãm "Vọng sơn" và "Khải sinh": Hành trình của những cái tôi điêu khắc - Ảnh 8.

Tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Lạng Lương

Triển lãm "Vọng sơn" và "Khải sinh": Hành trình của những cái tôi điêu khắc - Ảnh 9.

Triển lãm "Vọng sơn" và "Khải sinh": Hành trình của những cái tôi điêu khắc - Ảnh 10.

Triển lãm "Vọng sơn" và "Khải sinh": Hành trình của những cái tôi điêu khắc - Ảnh 11.

Triển lãm "Vọng sơn" và "Khải sinh": Hành trình của những cái tôi điêu khắc - Ảnh 12.

Cách sắp đặt và trình bày đầy sáng tạo

Cả 2 triển lãm không chỉ gây ấn tượng bởi nội dung tác phẩm, mà còn bởi cách sắp đặt và trình bày đầy sáng tạo. Ở Khải sinh, từng tác phẩm gốm được thể hiện tinh tế với sự chăm chút tỉ mỉ, từ các khối hình lớn được ghép nối đến những chi tiết nhỏ được sắp xếp đầy cảm xúc. Trong khi đó, không gian của Vọng sơn lại được thiết kế như một hành trình qua núi rừng, kết hợp với ánh sáng tạo hiệu ứng liền mạch, dẫn lối người xem qua những góc nhìn mới lạ.

Theo giám tuyển Vũ Hồng Nguyên, đây là sự phối hợp độc đáo của cả 2 nghệ sĩ. Lê Lạng Lương mang đến sự kết hợp giữa cảm xúc và không gian, tạo nên hiệu ứng liền mạch cho người xem. Còn Hoàng Mai Thiệp, với sự tinh tế trong từng chi tiết gốm, đã làm nổi bật khát khao sáng tạo và bản lĩnh của mình. Hai triển lãm này không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật, mà còn là hành trình khám phá bản thể của mỗi nghệ sĩ.

Triển lãm "Vọng sơn" và "Khải sinh": Hành trình của những cái tôi điêu khắc - Ảnh 13.

không gian trưng bày của hai triển lãm và khách tham quan

Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp cho rằng: Với Lê Lạng Lương, sau khi "nhảy" qua nhiều trạng thái và phong cách thì hy vọng đến giờ này, nhà điêu khắc đã tìm được ngôn ngữ riêng trong hệ thống mình đang đi. Đó là sự định vị của bản thân Lê Lạng Lương trong nghệ thuật điêu khắc đương đại Việt Nam. Đó là sự tiến bộ vượt bậc của anh.

"Những gì anh làm bây giờ, vượt qua cái nhìn thấy, cái định hình của anh khi giải quyết được tâm khảm đời sống nội tâm, cách đặt vấn đề nên anh được cả khối, cả hình cả ý tưởng và ý niệm" - ông Tiệp nói - "còn với Hoàng Mai Thiệp, tôi đã nhìn thấy một dòng chảy thôi thúc trong anh ấy từ dăm năm trước. Với một người sâu sắc nội tâm như Thiệp, tôi chủ quan nghĩ rằng, có biến cố nào đấy đẩy anh ấy bộc lộ nguồn cơn trong mình mà lần này mạnh hơn. Nhiều khi mặc định hình hài, khối là như vậy nhưng tính thiền, tâm linh của điêu khắc trong Hoàng Mai Thiệp rất rõ. Điều đó khiến người xem nghĩ ngợi, liên tưởng và bị thuyết phục người bởi sự quyến rũ. Đây cũng chính là những thành công lớn của hai nhà điêu khắc".

Hai nhà điêu khắc

Hoàng Mai Thiệp sinh năm 1982 tại Hải Dương. Anh là giảng viên Khoa Điêu khắc, Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh đã tham gia thường xuyên các cuộc triển lãm và sớm đặt được dấu ấn các nhân trong các cuộc triển lãm nhóm, workshop và các dự án nghệ thuật. Khải sinh là triển lãm điêu khắc gốm cá nhân đầu tiên của anh.

Lê Lạng Lương sinh năm 1974 tại Lạng Sơn. Anh là giảng viên Khoa Điêu khắc, Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Những dấu ấn trong hoạt động nghệ thuật của anh có thể kể đến từ năm 2015 đến nay, anh tham gia các trại sáng tác điêu khắc, các workshop cũng như nhiều triển lãm trong nước và quốc tế. Anh nhận Huy chương Đồng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2000 và 2005.

Lam Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm