20/11/2022 17:29 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Ai cũng muốn về quê "nuôi cá và trồng thêm rau", nhưng liệu bạn có thể duy trì cuộc sống này lâu dài?
Mơ ước lớn nhất của cư dân thành phố là gì? Nhiều người đã trả lời rằng: "Sau khi kiếm đủ tiền, tôi sẽ bỏ phố về quê làm nông".
Họ muốn thoát khỏi sự hỗn loạn nơi công sở, không còn phải chịu cảnh tắc đường, không còn phiền muộn về giá nhà cứ mãi tăng cao. Về quê trồng trọt, sống giữa thiên nhiên, cuộc sống điền viên như vậy thật đáng mơ ước.
Thế nhưng, bạn đã bao giờ nghĩ: nếu mình có 2.500 ha đất nông nghiệp thì phải quản lý thế nào chưa?
Jeremy Clarkson là một MC kỳ cựu ở Anh. Ông được mệnh danh là cây bút hàng đầu về xe hơi trong làng báo, sở hữu khối tài sản trị giá 60 triệu USD. Năm 2008, ông đã mua khoảng 2.500 ha đất trang trại ở nông thôn.
"Làm nông chắc không khó đến thế, vì con người vẫn đang làm suốt 12.000 năm qua đấy thôi", Clarkson tự nhủ. "Chỉ cần gieo hạt, cầu mong thời tiết thuận lợi, rồi đợi cây đơm hoa kết trái. Còn mình sẽ có thời gian để đi trượt tuyết. Tuyệt vời! Làm ngay thôi!"
Ban đầu, Clarkson thuê người đến canh tác. Tuy nhiên, khi nhân viên nghỉ hưu vào năm 2019, ông phải tự điều hành tất cả. Trải nghiệm cuộc sống nông thôn đầy thăng trầm của ông đã được quay thành phim tài liệu "Trang trại của Clarkson".
Cả đời Clarkson đã đạt biết bao thành tựu, cũng hiểu không ít về nông nghiệp. Thế nhưng, ông không ngờ mình lại phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
2.500 ha đất rộng ngang với 500 sân bóng đá tiêu chuẩn. Với diện tích khổng lồ như vậy, phải sử dụng máy kéo mới có thể đạt được hiệu suất cao. Clarkson dành cả đời để chơi xe hơi, tưởng như rất rành rẽ về các loại bốn bánh. Thế nhưng, khi đến chợ máy kéo, ông sững sờ không biết gì ngoài màu sắc, đành nhờ đại lý tư vấn.
Thay vì mua máy kéo thông thường, Clarkson chi hẳn 40.000 bảng Anh (khoảng 1,2 tỷ VNĐ) để tậu một chiếc Lamborghini R8 có kích thước khổng lồ, với vô số nút bấm và ứng dụng công nghệ Internet hiện đại. Quả thật, chiếc R8 không hề vô dụng. Ngay ngày đầu tiên, nó đã giúp ông canh tác được 25 ha đất.
Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày, Clarkson nhận ra chiếc máy kéo này bị hỏng, lại còn là hàng lắp ghép khắp châu Âu: chữ trên bảng điều khiển bằng tiếng Đức, logo tiếng Pháp, một vài linh kiện lại được sản xuất ở Ý.
"Tôi có hàng trăm cuốn sách, nhưng bây giờ tôi chỉ cần một cuốn sách hướng dẫn sử dụng máy kéo bằng tiếng Anh!", vị triệu phú nước Anh cảm thán.
Để tiết kiệm chi phí, máy móc phải được liên tục vận hành. Clarkson đã nghĩ ra hàng loạt "kế hoạch kinh doanh thiên tài", thực hiện chúng một cách bừa bãi.
Để duy trì sự đa dạng sinh học, chính phủ Anh đã trả tiền để giữ khoảng 728 ha đất trong trang trại như tự nhiên, không cho trồng cây, chỉ được cắt cỏ dại. Thay vì để vậy, Clarkson lại bỏ 11.000 bảng Anh (325 triệu VNĐ) để mua 78 con cừu nhằm nuôi và bán lấy tiền.
Thế nhưng nuôi cừu chẳng đơn giản chút nào. Clarkson phải bỏ ra 2.700 bảng Anh (80 triệu VNĐ) để mua hàng rào điện ngăn cừu trèo qua tường. Lúc cừu bị bệnh, ông phải đưa chúng đi bác sĩ thú y; lúc cừu mang thai, ông phải thuê người chăm sóc; cỏ dại không đủ để cừu ăn; ông phải mua cỏ khô riêng.
Clarkson đầu tư khoảng 7.000 - 8.000 bảng Anh để nuôi cừu, nhưng lại thu về vỏn vẹn có 7.800 bảng Anh (230 triệu VNĐ). Dù bận rộn như thế, ông vẫn chẳng kiếm được đồng nào, chỉ đủ hòa vốn.
Đây không phải lần duy nhất Clarkson phạm sai lầm. Ông xây dựng cửa hàng nông sản mà không xin phép quy hoạch, rốt cuộc bị dân làng phàn nàn và phải đóng cửa. Trong lúc dịch bệnh, vị triệu phú này nhận thấy mặt hàng rau khan hiếm nên đã ồ ạt trồng rau, dù thời tiết ở trang trại không hề phù hợp.
Là dân thành phố, Clarkson đã quá tự tin vào vốn hiểu biết của mình về thị trường, vào những lý thuyết tiếp thị cao siêu vốn được áp dụng trong công nghiệp. Thế nhưng, ông không hiểu rằng sản xuất nông nghiệp không phải là dây chuyền lắp ráp của Foxconn. Mọi chi phí không phải lúc nào cũng có thể được tính toán rõ ràng.
Khác với suy nghĩ của người thành thị, nông nghiệp hiện đại không còn đơn giản là gieo hạt xuống đất, thuận theo thời tiết tự nhiên mà sinh sôi nảy nở. Bây giờ, nông nghiệp đã trở thành một ngành có giá trị đầu vào và tài sản cao, với sự tự động hóa của máy móc, cũng như đòi hỏi người nông dân phải có chuyên môn cao.
Trong quá trình làm nông, Jeremy Clarkson đã gặp phải vô số trở ngại. Vấn đề pháp lý là một trong số đó.
Chẳng hạn như một lần nọ, cả 60 mẫu hạt cải dầu không thể thu hoạch được vì bị bọ cánh cứng tàn phá. Clarkson chẳng thể làm gì được vì EU không cho phép sử dụng thuốc trừ sâu có chứa neonicotinoid.
Muốn bán trứng và thịt cừu đông lạnh, vị triệu phú này cần xin phép Cục Vệ sinh thực phẩm. Vừa khai trương được 1 ngày, ông nhanh chóng phải đóng cửa hàng nông sản của mình vì bị dân làng xung quanh phàn nàn về vật liệu mái.
Để nhận trợ cấp nông nghiệp, Clarkson phải điền hơn 20 trang biểu mẫu với đủ loại mã số khác nhau cho cây trồng. Dù khó chịu nhưng ông vẫn "cắn răng" hoàn thành để nhận khoản tiền khổng lồ lên tới 82.000 bảng Anh (2,4 tỷ VNĐ).
Đến lúc này, nhiều người hẳn đã nhận ra rằng giấc mơ nông thôn kiểu Lý Tử Thất cũng có nhiều hạn chế. Những thất bại của Clarkson ở trang trại không chỉ đến từ sự kiêu ngạo của người thành thị, mà còn từ sự thiếu hiểu biết của ông về các chính sách và quy định trong nông nghiệp.
Chưa kể, vận đen cũng liên tiếp bám theo nam MC nổi tiếng. Khi cừu sắp đến ngày xuất chuồng thì dịch Covid-19 bùng phát, khiến các nhà hàng và siêu thị lớn phải đóng cửa. Giá thịt cừu giảm một nửa chỉ trong vòng 1 tuần; nhiều mặt hàng nông sản ông trồng suốt nửa năm đều bị thối rữa do không bán được.
Đến thời tiết cũng chẳng ủng hộ "ông nông dân tập sự" này. Trong năm đầu tiên làm ruộng, mưa lớn kéo dài suốt 8 tuần khiến thời gian canh tác bị trì hoãn, hạt giống trong kho bị ẩm nên phải vứt đi. Đến khi cây trồng cần mưa, nước Anh lại hứng chịu mùa xuân khô hạn nhất kể từ năm 1976.
Những năm trước đó, Clarkson có thể đạt doanh thu lên tới 226.000 bảng Anh/vụ (6,6 tỷ VNĐ). Thế nhưng, năm nay ông chỉ kiếm được 137.000 bảng Anh (4 tỷ VNĐ). Ngay cả người giàu có như vị triệu phú này cũng phải thở dài: "Những người nông dân chân chính phải làm sao? Họ sẽ lấy thu nhập từ đâu ra nếu trợ cấp bắt đầu giảm?".
Trải nghiệm của Clarkson đã hé lộ mặt tàn khốc của nông nghiệp: dù có trang bị hiện đại đến đâu thì vẫn là bới đất, cậy trời mà ăn.
Suốt thời gian canh tác trên trang trại hàng nghìn mẫu, Clarkson đã nếm đủ mọi loại khó khăn: hạn hán, lũ lụt, bão giông, mưa đá, băng tuyết. Thực sự, nếu không có trợ cấp của chính phủ và một số dự án nghiên cứu khoa học, khả năng cao là trang trại của ông phải đóng cửa.
Sau một năm làm việc quần quật ngoài đồng, Clarkson chỉ lãi vỏn vẹn 144 bảng Anh (khoảng 4 triệu VNĐ) - một con số quá thấp so với công sức ông đã bỏ ra. Vào thời khắc khó khăn ấy, vị triệu phú lại nghĩ: "Có lẽ nên bán trang trại rồi gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi thì tốt hơn".
Tuy nói vậy nhưng Clarkson vẫn cố gắng vượt qua sóng gió, cần mẫn chăm sóc trang trại. Cuối cùng, ông cũng chờ được tới ngày cây trái trưởng thành, nông sản đến mùa thu hoạch. Ngắm nhìn thành quả do mình làm ra, vị triệu phú nước Anh lại thấy trong lòng thêm ấm áp.
Ở ngoài kia, còn nhiều người ngày đêm vất vả lao động, thậm chí còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn cả Clarkson để nuôi lớn một con gà, trồng ra một quả táo. Không phải ai cũng đủ giàu có như vị triệu phú nước Anh để hét lên rằng: "Cuộc sống này thật kinh khủng, nhưng tôi vẫn thích nó".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất