Triều Tiên tuyên bố cuộc tập trận Mỹ-Hàn gần biên giới nước này là sự khiêu khích và khẳng định tiếp tục theo đuổi con đường phát triển hạt nhân để tự vệ.AFP cho hay Bộ Ngoại giao Triều Tiên hôm qua cáo buộc Washington và Seoul khiêu khích khi sử dụng quốc kỳ Triều Tiên làm mục tiêu giả định trong cuộc tập trận chung giữa hai nước.
"Việc bắn đạn thật và nã pháo vào quốc kỳ của một quốc gia có chủ quyền mà không tuyên bố chiến tranh thực sự là một hành động quân sự cực kỳ nghiêm trọng và là sự khiêu khích mang động cơ chính trị", hãng thông tấn chính thức KCNA trích thông báo của Bộ Ngoại giao nước này. "Triều Tiên sẽ tiếp tục tăng cường khả năng hạt nhân để tự vệ một khi Mỹ, cường quốc vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, còn duy trì chính sách thù địch với Bình Nhưỡng".
Khoảng 2.000 binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc, cùng hàng loạt chiến đấu cơ, xe tăng và các trực thăng tấn công đã tham gia vào cuộc tập trận bắn đạn thật hôm 22/6 nhằm kiểm tra khả năng ứng phó với bất kỳ cuộc tấn công nào từ Triều Tiên. Dù tên lửa và đạn pháo không thực sự đánh vào quốc kỳ Triều Tiên, nhưng sự xuất hiện của lá cờ khiến Bình Nhưỡng giận dữ.
Hai nước đồng minh sau đó lại tiếp tục tổ chức tập trận hải quân quy mô lớn trên biển Hoàng Hải, cách không xa biên giới với Triều Tiên, nhân kỷ niệm 62 năm nổ ra cuộc chiến tranh liên Triều (25/6/1950). Cuộc tập trận thường niên kéo dài 3 ngày, với sự tham gia của 10 tàu chiến Hàn Quốc và siêu tàu sân bay USS George Washington của Mỹ, cùng 8.000 binh sĩ và hàng trăm máy bay chiến đấu.
Sóng gió dâng cao kể từ khi Triều Tiên phóng vệ tinh thất bại hồi tháng 4, hành động bị Mỹ và đồng minh xem là nỗ lực thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Đáp lại, Bình Nhưỡng cũng đe dọa tấn công chính phủ và các hãng truyền thông Seoul vì "mạo phạm" các nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Triều Tiên đã theo đuổi tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân nhiều thập kỷ qua. Quan điểm chính thức của nước này là cần phát triển hạt nhân để tự vệ trước mối đe dọa từ Mỹ, tuy nhiên cũng vẫn mở cửa cho đối thoại giải trừ vũ khí với các điều kiện về ngoại giao và kinh tế.
Theo một thỏa thuận vào tháng 9/2005 trong cuộc đàm phán 6 bên, Bình Nhưỡng đã đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy các lợi ích kinh tế, ngoại giao và đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, cuộc đàm phán về thực thi thỏa thuận này đã bị trì hoãn từ tháng 12/2008. Triều Tiên trong khi đó tiếp tục thử nghiệm hạt nhân vào các năm 2006 và 2009.
Theo Vnexpress