Chuyện truyền hình ở World Cup: Khi trận đấu không còn là tâm điểm

21/07/2014 21:17 GMT+7 | World Cup 2018

(giaidauscholar.com) - Rất thường xuyên tại World Cup vừa qua, các đạo diễn hình cho khán giả trên truyền hình thấy những khuôn mặt nổi tiếng trong đám đông trên khán đài giữa các trận đấu, chứ không phải những pha bóng trên sân.

Thay vì đơn giản là chiếu trận đấu theo cách rõ ràng nhất có thể, các đạo diễn và đội ngũ kĩ thuật được tuyển mộ bởi FIFA có vẻ như đã được chỉ đạo tập trung vào việc tường thuật cảm xúc xung quanh trận đấu. Do đó, chúng ta được xem liên tục các pha chiếu quay chậm với độ phân giải siêu nét khuôn mặt và cử chỉ của các cầu thủ, thường được xen vào khi trận đấu đang diễn ra. Các đạo diễn hình đã bắt chúng ta xem những hình ảnh đẹp mắt, nhưng lại làm gián đoạn diễn biến trận đấu.

Khán giả cần xem trận đấu, nhưng…

Tệ hơn cả là khi họ chiếu những hình ảnh đó khi trận đấu vẫn đang diễn ra, thường là vài giây sau khi trận đấu đã tiếp tục với một pha phát bóng lên hoặc ném biên. Khi quay trở lại với những diễn biến của trận đấu, chúng ta không được chứng kiến những gì đã diễn ra trước đó. Khán giả truyền hình buộc phải chia sẻ với giả định của đạo diễn là những hình ảnh đó còn đáng xem hơn trận đấu.

Chúng ta thấy rất thường xuyên hình ảnh cận của các cổ động viên, vẽ màu cờ quốc gia lên mặt và mang theo những băng rôn cổ động. Những hình ảnh này cũng thường được chiếu vào lúc trận đấu đang diễn ra. Một kì World Cup trên đất Brazil giống như một dịp lễ hội và thật dễ hiểu là các nhà sản xuất truyền hình muốn phản ánh những tâm trạng đó, nhưng việc làm này lại là một sự xúc phạm với những ai đang bật TV đơn giản để xem một trận bóng đá.

Các hãng truyền hình đã đầu tư rất lớn vào thể thao, nhưng lại hoạt động như thể bản thân trận đấu là thứ ít quan trọng nhất. Đối với các khán giả, một pha phát bóng lên buồn tẻ không chỉ đơn giản là cách để trận đấu tiếp tục. Cách nó được thực hiện và điều gì sẽ diễn ra sau đó đôi khi cũng cho chúng ta hiểu thêm một khía cạnh nào đó của trận đấu. Không được xem hình ảnh nhỏ đó cũng giống như mất đi một miếng ghép trong bộ xếp hình, và bức tranh sẽ không thể hoàn thiện.

Truyền hình làm mất đi sự hấp dẫn?

Bình luận viên của kênh BBC Jonathan Pearce đã chỉ ra vấn đề này trong trận đấu giữa Argentina và Thụy Sỹ, khi ông phàn nàn về việc thiếu những pha quay chậm những tình huống đáng chú ý. Pearce còn cho các khán giả biết người lựa chọn những hình ảnh đó là một đạo diễn hình người Pháp. “Ông ta tên là Jean- Jacques”, Pearce nói với giọng hằn học.

Về mặt lịch sử, chúng ta có thể đổ lỗi cho 2 nhân tố. Thứ nhất là loạt phim tài liệu được FIFA sản xuất về mọi World Cup kể từ năm 1954. Các đạo diễn của những bộ phim như Goal! (1966), Hero (1986) và những bộ phim còn lại đã mượn phần cứng và kĩ thuật của phim truyện trong một nỗ lực tạo ra một trải nghiệm điện ảnh bằng cách tách ra và làm nổi bật những khoảnh khắc cảm xúc cao trào. Nhưng giờ thì những kĩ thuật đó thậm chí còn được đưa vào cả những trận đấu được truyền hình trực tiếp.

Thứ 2 là kênh truyền hình NBC của Mỹ, luôn ưu tiên tường thuật những cảm xúc hơn là diễn biến của môn thể thao khi sản xuất các chương trình Olympic trong vài thập kỉ qua. Các nhà sản xuất của NBC đã lựa chọn sẵn “cốt truyện” về hình ảnh trước khi Olympic diễn ra, và sau đó tiếp tục theo “cốt truyện đó” trong nỗ lực giữ chân đại đa số các khán giả.

Hy vọng rằng một lúc nào đó, ai đó ở FIFA sẽ nhận ra rằng những cảnh quay cận chiếu chậm giờ đã có phần rập khuôn đến nhàm chán, và sự cuốn hút thật sự nằm ở bản thân trận bóng đá, hơn là những cảm xúc xung quanh nó.

THANH HOÀI (theo Guardian)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm