10/06/2013 12:33 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Các công trình Kiến trúc xanh của Việt Nam, mà tiêu biểu là của KTS Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào đã được ghi nhận rộng rãi trong làng kiến trúc quốc tế. Nhân giải thưởng Green Good Design 2013 của KTS Hoàng Thúc Hào, một câu hỏi không thể không đặt ra, đó là Kiến trúc xanh có vị trí như thế nào ở trong nước, khi mà giải Kiến trúc Quốc gia vừa qua hoàn toàn vắng bóng hạng mục giải thưởng này?
1. Vừa qua, lần thứ hai liên tiếp, kiến trúc sư (KTS) Hoàng Thúc Hào nhận giải thưởng kiến trúc uy tín của Mỹ và châu Âu - Green Good Design 2013 với công trình Nhà cộng đồng Tả Pìn. Năm ngoái, anh cũng từng đoạt giải này với công trình Nhà cộng đồng Suối Rè. Vì sao những công trình này lại gây ấn tượng như vậy?
Trao đổi với TT&VH, KTS Hoàng Thúc Hào cho biết, giải Green Good Design năm ngoái được trao cho công trình Nhà cộng đồng Suối Rè (xã Cư Yên, Lương Sơn, Hòa Bình), giải International Architecture Awards (IAA) của Mỹ, và lọt vào Top 7 giải Ecowan của tổ chức World Architecture News (Kiến trúc sinh thái). Bản vẽ, ảnh chụp công trình này vẫn đang triển lãm ở châu Âu. Mua đất hết 200 triệu đồng, xây dựng tốn 35.000 USD, bằng vật liệu đất, tre, công trình Nhà cộng đồng Suối Rè gồm 80m2 mặt bằng, tầng dưới âm vào núi, xung quanh trồng sấu, mít, tre, bưởi, dong riềng.
Còn công trình Nhà cộng đồng Tả Pìn (Sapa) lọt vào trong 5 công trình cộng đồng trên web Archdaily.com (trang web về kiến trúc của Mỹ nổi tiếng thế giới), và giành giải Green Good Design 2013 vì đã đóng góp cho cộng đồng lối kiến trúc riêng, mang bản sắc vùng núi cao Việt Nam. Nó làm từ gạch không nung, mái và trần bằng vỏ gỗ thông tái chế (trong có lớp xốp giữ nhiệt), các cửa gỗ thông, nền là gạch không nung màu ghi. Áp dụng chuỗi giải pháp kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng: công nghệ lọc nước mưa, pin mặt trời, bể phốt 5 khoang không gây ô nhiễm, lò sưởi tiết kiệm năng lượng, tận dụng nhiệt thừa ống khói. Quanh nhà trồng thuốc người Dao...
2. Đây không phải lần đầu những công trình kiến trúc mang đậm chất sinh thái, thậm chí được làm bằng các vật liệu "tranh tre nứa lá" hết sức khiêm nhường và tiết kiệm năng lượng của các kiến trúc sư Việt Nam đoạt được những giải thưởng quốc tế rất uy tín.
Còn sự ghi nhận ở trong nước thì sao? Trở lại với giải thưởng Kiến trúc Quốc gia, tại kỳ trao giải lần thứ 10 ngày 25/4/2013, Hội KTS Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ VH,TT&DL đã trao 1 giải Nhất, 5 giải Nhì, 17 giải Ba, 15 giải Khuyến khích. Và rất tiếc không hiểu vì sao không một tác phẩm nào được trao giải Kiến trúc xanh?
Khác với nhưng kỳ giải thưởng trước, trong quy chế xét giải và chấm thưởng của giải Kiến trúc Quốc gia lần này, Hội đồng đã đưa yếu tố “Xanh” như một điều kiện để xét giải và điều quan trọng là có hẳn một giải thưởng Kiến trúc xanh cho các tác phẩm kiến trúc đạt được 5 tiêu tiêu chí Kiến trúc xanh mà Hội KTS Việt Nam đã công bố và xây dựng. Tuy nhiên, với 140 tác phẩm tham dự , Hội đồng Giải thưởng đã không chọn được bất cứ tác phẩm nào để trao giải thưởng này. Đây là một câu hỏi lớn chưa có được lời giải đáp. Trong khi đó, chúng tôi được biết, Hội đồng chuyên ngành cũng đã đề xuất một số tác phẩm để trao giải Kiến trúc xanh. Còn nhớ 2 năm trước đó Hội KTS Việt Nam phát đông cuộc thi Kiến trúc xanh cũng với 5 tiêu chí đã công bố và chỉ có hơn 30 tác phẩm tham dự mà Hội đồng vẫn chọn được 12 tác phẩm để trao giải.
Tại giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2012 nói trên, KTS Võ Trọng Nghĩa cũng đã gửi đến ngót chục tác phẩm tham dự theo định hướng của Hội đồng Giải thưởng năm nay là khuyến khích các sáng tạo theo hướng kiến trúc sinh thái xanh. Nhưng các công trình đình đám của anh như Stacking Green, Bamboo Wings... (từng nhận nhiều giải thưởng quốc tế như: Giải thưởng Green Good Design (Mỹ), International Architecture Award (Mỹ), Building of the year của tạp chí Archdaily (Mỹ), FuturAch Green Leadership Award (Singapore); hay công trình Trường Phan Chu Trinh tại Bình Dương, từng đạt giải Nhất Festival kiến trúc thế giới tại Singapore ... Vậy mà không có bất cứ tác phẩm nào được Hội đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia trao giải Kiến trúc xanh? Ở đây bài báo chỉ đặt vấn đề về giải Kiến trúc xanh, có trong bộ giải thưởng Kiến trúc Quốc gia; chứ chúng tôi chưa đề cập đến toàn bộ các hạng mục của bộ giải thưởng này, mà trong đó Võ Trọng Nghĩa cũng đã có được 1 giải Nhì).
3. Năm 1993 Thủ tướng chính phủ giao cho Hội KTS Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ VH,TT&DL phối hợp tổ chức giải thưởng kiến trúc với quy mô toàn quốc (2 năm/lần trao giải) nhằm góp phần định hướng sáng tạo kiến trúc Việt Nam
20 năm qua đánh dấu chặng đường phát triển mạnh mẽ. Dù chưa có những tác phẩm lớn (Giải thưởng lớn) đỉnh cao của sự sáng tạo nhưng các kỳ giải thưởng đã tập hợp được đông đảo KTS trong nước và quốc tế với rất nhiều những tác phẩm, đa dạng phong phú về đề tài và thể loại. Qua các tác phẩm dự thi đã thấy định hình xu hướng kiến trúc mới: Đó là xu hướng kiến trúc hiện đại; sinh thái thân thiện môi trường; đẩy lùi những kiến trúc lai căng nệ cổ; rườm rà phô trương nặng hình thức.
Năm 2013 là kỷ niệm 20 năm giải thưởng Kiến trúc Quốc gia, một mốc thời gian đáng chú ý. Rất cần phải tổng kết và đánh giá lại ảnh hưởng của giải thưởng Kiến trúc Quốc gia đến định hướng nền kiến trúc nước nhà và đến các KTS.
Nguyễn Hòa
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất