27/10/2015 06:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Triển lãm mỹ thuật đương đại Filters do urbanArt tổ chức khai mạc lúc 9h ngày 28/10 tại tầng 3 Gem Center (8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.HCM) đang nhận về nhiều lời đồn thổi, kiểu chơi nổi. Lý do có thể đến từ việc vé VIP vào cửa có giá 3,6 triệu đồng/cặp; và do chưa có thông cáo báo chí chính thức, trong khi BTC thì muốn kín đáo nhất có thể.
Với 3 tác giả và khoảng 30 tác phẩm, triển lãm xa xỉ này giới thiệu các gương mặt quen thuộc của làng mỹ thuật TP.HCM, họ gồm điêu khắc gia Bùi Hải Sơn, họa sĩ Nguyễn Quang Vinh, họa sĩ Lê Kinh Tài.
1. Đồn thổi đầu tiên đến từ việc tổ chức “hội kín” cho khoảng 100 cặp vé VIP vào tối 27/10, trong khi trên danh nghĩa thì triển lãm chỉ diễn ra trong hai ngày 28-29/10. Trên cộng đồng Facebook có người đặt vé VIP cho biết BTC dự kiến đưa xe taxi hạng sang ra tận sân bay, đến khách sạn để đưa đón.
Ngày “hội kín” này thực chất là “vernissage” (gặp trước), với ý nghĩa riêng tư, dành riêng cho một lượng khách mời được xác định trước. Các triển lãm xa xỉ, các phiên đấu giá ở phương Tây (từ giữa thế kỷ 19) thường tổ chức các buổi “xem riêng” (private view) như thế này cho các khách mời, trước khi khai mạc chính thức. Thậm chí với những triển lãm quy mô, dài ngày còn có “finissage” (gặp sau), và “midissage” (gặp giữa).
Nhà tổ chức urbanArt là một tên tuổi mới, thế nhưng họ đã có cách tiếp cận khác so với “thói quen” thường thấy tại thị trường mỹ thuật Việt Nam. Khác biệt không phải ở chuyện họ tổ chức bài bản, xa xỉ (ước tính chi phí hàng tỷ đổng)… mà ở cách tiếp cận với các tác giả, cách nghĩ về việc làm triển lãm.
Cũng lời đồn thổi cho biết Filters tại Việt Nam mới ở mức khởi động, bởi họ còn trở đi trở lại với các tác giả này nhiều lần, mà các lần sau là tại thị trường quốc tế, kéo dài trong khoảng 5 năm liên tục.
Lâu nay triển lãm tại Việt Nam vẫn được xem là dịp gặp gỡ giữa tác giả với bạn bè, đồng nghiệp, gia đình, báo giới…, nhưng với Filters, đặc biệt ngày vernissage, không hướng đến điều này. Đây có lẽ là các lý do khiến họ bán vé, để làm sao kín đáo nhất có thể, ngay cả hình ảnh tác phẩm cũng hạn chế cung cấp cho báo giới.
Trên Facebook của mình, hôm 15/10, họa sĩ Nguyễn Quang Vinh viết: “Có chuyện này muốn nhờ vả cả nhà: Triển lãm Filters sắp tới của tôi cùng với họa sĩ Lê Kinh Tài và điêu khắc gia Bùi Hải Sơn tại GEM Center, trong không gian 1.200m2.
BTC bán vé để gây quỹ từ thiện vì trẻ em nghèo Việt Nam. 3 nghệ sĩ được phân công bán mỗi người tối thiểu 50 vé (vé các ngày 28-29/10), giá vé 250 ngàn đồng, sinh viên giảm 50%”. Toàn bộ số tiền vé thu về dành cho từ thiện, nghĩa là BTC cũng không chủ đích đến việc thu hồi vốn, nhưng có lẽ, vì các nghệ sĩ phải bán vé, thay vì gửi vé mời, một lần nữa họ giữ thêm được sự kín đáo.
Nhiều người cũng phàn nàn trên mạng rằng dù việc bán vé được diễn ra với nhiều phương cách khác nhau, nhưng khi họ đặt vé thì nói đã hết. Nghe đồn BTC chỉ phát hành chừng 350 đến 400 vé cho cả hai thứ hạng.
2. Việc urbanArt nỗ lực mô phỏng, rồi tái hiện mô hình triển lãm xa xỉ giống như nhiều nước phát triển, nếu thành công, sẽ có mấy ích lợi chung cho thị trường mỹ thuật Việt Nam.
Đầu tiên, đó là việc tái khẳng định mỹ thuật hoàn toàn có thể là chuyện của xa xỉ, chứ không chỉ văn nghệ, thù tạc, mua vui miễn phí. Kế đến, nếu chúng ta không trân trọng các triển lãm nội địa thì đừng mong quốc tế thay đổi, nâng cấp cái nhìn về mỹ thuật Việt Nam. Nếu nhìn từ cột mốc 1985-1986, khi những bức tranh bắt đầu được bán trở lại, thì thị trường đã manh nha từ 30 năm trước, nhưng đến nay vẫn dừng ở mức môi giới, hoặc cùng lắm là đại lý bước 1, chứ chưa thật sự nên hình nên dáng.
Kế đến nữa, chính các triển lãm dạng này mới có hy vọng làm giá, rồi nâng giá tác phẩm nghệ thuật - điều mà các nước trong khu vực như Indonesia, Singapore, Malaysia, rồi gần đây Thái Lan, Philippines, Myanmar đã làm được.
Xét lại lịch sử mỹ thuật hiện đại ở khu vực Đông Dương ngày xưa và Đông Nam Á sau này, hoàn cảnh, đẳng cấp của mỹ thuật Việt Nam có nhiều nét tương đồng, thậm chí còn sớm hơn về thị trường so với vài nước, nhưng giá tranh hiện nay lại gần như thấp nhất. Không có các doanh nhân/người yêu nghệ thuật nội địa và các hoạt động nội địa tiếp tay thì đừng mong quốc tế chủ động nâng giá, bởi đó không phải là mục đích chính của họ.
Vài khảo sát ở các nước phát triển cho thấy tỷ lệ người mua hơn bức tranh cho một vị trí cần treo, nghĩa là có thay đổi việc treo, là rất ít, chỉ vài phần ngàn. Những nhà sưu tập thì càng ít hơn nữa, thế nhưng các sự kiện nghệ thuật của họ vẫn thu hút được nhiều người tham dự, vì công tác tổ chức và truyền thông tốt.
Trước năm 1945, người Pháp nhiều lần đem nghệ thuật Đông Dương về Pháp làm những phiên đấu xảo, thu hút đông đảo người mua cũng vì các yếu tố vừa nêu. Nhà đấu xảo tại Hà Nội (nay là Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội) mở phiên đầu tiên ngày 16/2/1902 (Exposition 1902), kéo dài đến tháng 4 năm đó, thu hút khách viếng từ khắp Đông Dương và quốc tế. Nhờ sự thành công của phiên đấu xảo này mà Bảo tàng Maurice Long được thành lập, ngay sau đó, trở thành bảo tàng kinh tế đầu tiên và lớn nhất Đông Dương.
Chắc chắn với một tên tuổi còn non trẻ như urbanArt, nếu xét các khía cạnh chưa được thì Filters còn khá nhiều. Ví dụ như việc chọn các tác giả, họ đã thực sự đương đại đồng đều để đứng chung một triển lãm chưa? Thế nhưng vạn sự khởi đầu nan, nếu chỉ xoáy vào những yếu kém thì chẳng còn gì để nói nữa, bởi hàng năm chúng ta đã có khá nhiều triển lãm diễn ra, nhưng có gì để hy vọng?
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất