28/12/2013 07:29 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Là một trong những phóng viên ảnh chiến trường vĩ đại nhất thế kỷ 20, Robert Capa nổi tiếng với những hình ảnh đen trắng về chiến tranh và các cuộc xung đột chính trị. Tuy nhiên, triển lãm ảnh Capa in Color tại Trung tâm Nhiếp ảnh Quốc tế (ICP) ở New York (Mỹ) cho thấy ông cũng rất giỏi khi chụp ảnh màu.
1. Triển lãm trưng bày 125 bức ảnh, trong đó có nhiều bức lần đầu tiên được biết đến sau gần 70 năm. Trung tâm Nhiếp ảnh Quốc tế ước tính họ đang lưu giữ hơn 4.200 bức ảnh màu của Capa, với phần lớn chưa từng được xuất bản.
Chúng gồm những bức ảnh được Capa chụp từ năm 1938 về cuộc chiến tranh ở Trung Quốc, cho đến năm 1954, khi ông qua đời do đạp trúng mìn, lúc đang là phóng viên chiến trường ở Việt Nam.
Capa nổi tiếng với những bức ảnh đen trắng, chụp từ hình ảnh người lính trúng đạn ngã xuống trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, cho tới loạt ảnh chụp lính Mỹ đổ bộ vào bãi biển Omaha ở Normandy. Nhưng trong phần lớn sự nghiệp của mình, ông đã sử dụng phim màu.
Tuy nhiên, việc cân nhắc nên sử dụng phim màu hay phim đen trắng đã ám ảnh Capa trong nhiều thập kỷ. Việc lựa chọn này từng gây tranh cãi lớn trong giới phóng viên ảnh khi đó. Người bạn thân và đồng nghiệp của Capa là Henri Cartier-Bresson từng tuyên bố: “Chụp ảnh bằng phim màu ư? Đây là thứ ‘không thể tiêu hóa được’. Nó giống như sự phủ nhận tất cả các giá trị 3 chiều của nhiếp ảnh”.
Sau khi Capa qua đời, nhiều bức ảnh màu của ông đã bị các sử gia nhiếp ảnh và các nhà viết tiểu sử bỏ qua. Tuy nhiên, thực tế này đang được thay đổi với triển lãm nêu trên.
2. Trong số các bức ảnh màu được Capa chụp cho các tạp chí Mỹ ănkhách như Life, Collier's, Holiday, Ladies' Home Journal và hãng ảnh Magnum mà ông đồng sáng lập hồi năm 1947, còn có các bức ảnh chụp bạn ông, danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso, đang nô đùa cùng con trai Claude ở miền Nam nước Pháp năm 1948. Bên cạnh đó là ảnh bạn ông - thần tượng màn bạc Ava Gardner - tại trường quay phim The Barefoot Contessa ở Italia hồi năm 1954.
Capa còn đặt chân tới Israel trong cuối những năm 1940 để ghi lại hình ảnh giai đoạn đầy hỗn loạn của đất nước này. Ông đã dùng cả phim màu và phim đen trắng để chụp hình ảnh những người nhập cư mới đến Haifa. Trong lĩnh vực ảnh báo chí du lịch, Capa cũng chụp được những hình ảnh đầy xúc động, gồm bức ảnh về một gia đình sống ở miền Bắc Na Uy trong năm 1951.
Thời kỳ ở Anh trong Thế chiến II, Capa đã sử dụng phim Kodachrome để chụp hình các tốp máy bay ném bom của Mỹ, Anh và đây là những hình ảnh chiến trường ít được biết đến nhất của ông. Phần lớn chúng chưa hề được đăng trên báo chí.
Một số hình ảnh được Capa chụp bằng phim Ektachrome đã bạc màu. Song ICP đã sử dụng kỹ thuật số để khôi phục màu của những hình ảnh đó.
“Capa biết rằng ông phải sử dụng phim màu để giữ quan hệ làm ăn với các tạp chí. Một trong những lý do khiến chúng ta chưa hề được thấy những hình ảnh này trước đó là bởi chúng không mô tả những sự kiện lớn, mang tính lịch sử” - Cynthia Young, Giám đốc ICP, giải thích.
Từ năm 1947 trở đi, Capa thường dùng phim màu lẫn phim đen trắng. Khi ông tử nạn ở Việt Nam, trong 2 máy ảnh ông mang theo bên người có một máy lắp phim màu và máy kia là phim đen trắng.
Một trong những câu chuyện hay nhất được Capa “kể” bằng phim màu là những hình ảnh mô tả chi tiết cuộc sống thường nhật của nhiều phụ nữ Nga, được đăng trong bài viết của John Steinbeck trên tạp chí Ladies' Home Journal vào năm 1948.
Ông John Morris (97 tuổi), người “đặt hàng” Capa chụp loạt ảnh này và từng là “sếp” của nhiếp ảnh gia tại tạp chí Life ở London trong Thế chiến II, kể lại: “Tôi không nhớ có yêu cầu Capa chụp bằng phim màu hay không, nhưng tôi đã rất hài lòng với những bức ảnh của ông. Nếu không có chúng, tôi không thể kể được câu chuyện sinh động đến vậy”.
VIỆT LÂM (theo The Guardian)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất