Mộc bản triều Nguyễn được làm phiên bản composite

19/08/2010 15:11 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Hôm qua, 18/8, tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1 (Trung  Yên, Cầu Giấy) đã diễn ra Hội nghị Khoa học quốc tế Việt Nam - Cuba Bảo quản và phát huy giá trị các di sản tư liệu do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức, thu hút hơn 100 đại biểu, báo cáo viên đến từ 11 cơ quan lưu trữ trung ương và địa phương. Đặc biệt là sự tham gia của 7 đại biểu và báo cáo viên quốc tế đến từ cơ quan lưu trữ các nước Cuba, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Composite hóa di sản tư liệu cũng là cách bảo tồn
 


Bà Phạm Thị Huệ bên những
tấm Mộc bản triều Nguyễn

Các tham luận báo cáo tại Hội nghị tập trung vào nhiều vấn đề nhưng đáng chú ý hơn cả là đã bàn sâu về công tác bảo quản và phát huy giá trị 2 di sản tư liệu của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) và đặc biệt là Mộc bản triều Nguyễn.

Sở dĩ hội nghị đánh giá sâu sát về 2 di sản thế giới của Việt Nam này là bởi: Mộc bản triều Nguyễn là 1 trong 2 tư liệu quý hiếm (hiện lưu giữ được 34.618 tấm ván khắc, hầu hết là khắc 2 mặt). Do mộc bản làm bằng gỗ thị dễ bị nứt lúc thời tiết khô và bị mốc khi độ ẩm cao nên việc bảo quản tư liệu này gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó là những người có khả năng nghiên cứu sâu về tài liệu này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Muốn di sản tư liệu này phát huy được giá trị cần phải có chế độ ưu đãi đặc biệt để thu hút và đào tạo lực lượng kế cận nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả khối tài liệu đặc biệt này.

Bà Phạm Thị Huệ, GĐ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết: “Đối với bản gốc Mộc bản, Trung tâm bảo quản rất cẩn mật không phải ai muốn vào là vào, muốn sờ là sờ. Để công chúng như được chứng kiến tận mắt Mộc bản, chúng tôi đã làm những phiên bản bằng composite giống như “một khuôn đúc ra” vậy. Đây là công nghệ bảo quản mà chính tôi đã được học từ cách lưu trữ di sản tư liệu Hàn Quốc và hiện đang trưng bày tại Phòng trưng bày tài liệu lưu trữ quý hiếm của Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4 (Đà Lạt) và phục vụ du khách trong và ngoài nước tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ, Tết. Khi du khách đến với phòng trưng bày, ngoài việc được giới thiệu cho biết về giá trị của Mộc bản còn được cầm, “sờ vào hiện vật”.

Đa dạng hóa cách bảo tồn

30.000 m tài liệu lưu trữ

Việt Nam hiện nay có 4 trung tâm lưu trữ quốc gia, đang quản lý hơn 30.000 mét tài liệu trong đó có khoảng 2.000 mét tài liệu thời kỳ phong kiến bằng chữ Hán - Nôm: Châu bản triều Nguyễn, Mộc bản triều Nguyễn, địa bạ, bản đồ... Ngoài ra còn có 300.000 tấm phim ảnh; 500 giờ chiếuphim điện ảnh; 10.000 giờ phát băng...; 100 mét tài liệu cá nhân, gia đình, dòng họ.

Trao đổi kinh nghiệm trong việc bảo quản và phát huy giá trị các di sản tư liệu, TS Martha Marina Ferriol Marchena, Giám đốc Lưu trữ Quốc gia Cuba lại cho rằng, Việt Nam có thể củng cố kiến thức về văn hóa xã hội bằng cách ưu tiên đặc biệt cho việc thực hiện các cơ chế để đảm bảo sự toàn vẹn của tài liệu trên giấy, phim, radio, điện tử và nghe nhìn...


Thực ra sáng kiến này đang được các nhà lưu trữ Việt Nam áp dụng và áp dụng hiệu quả. Cụ thể, tới đây Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4 (Đà Lạt) sẽ xuất bản 2 cuốn sách. Một cuốn là Khoa bảng Thăng Long Hà Nội qua Mộc bản triều Nguyễn. Nội dung sách chỉ công bố những người đỗ đại khoa ở Hà Nội được khắc trên Mộc bản bằng cách scan từ bản gốc của Mộc bản chứ không chỉ dịch, biên soạn lại. Những người không được khắc trên Mộc bản thì không công bố.

Cuốn sách thứ hai là Mộc bản triều Nguyễn và Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn. Mục đích xuất bản cuốn sách này là nhằm chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cuốn sách này sẽ giới thiệu bản khắc chữ Nôm (ngược) về Chiếu dời đô (chứ không phải văn bản Chiếu dời đô). Công chúng sẽ được tiếp cận với sách đúng vào dịp diễn ra đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sắp tới.

Nhiều phương án bảo vệ bia Văn Miếu

“Về việc bảo quản và phát huy giá trị di sản tư liệu Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, như có lần tôi đã phát biểu là đã từng đưa ra nhiều phương án như: sử dụng kính chịu lực loại đặc biệt làm vách ngăn toàn bộ 2 dãy nhà bia. Hoặc, trung tâm làm lan can bằng gỗ cao khoảng 1m quây quanh khu nhà bia. Bên cạnh đó, cần tích cực hơn nữa trong việc quảng bá giá trị của 82 bia tiến sĩ trên các phương tiện thông tin đại chúng, Internet. Trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng long - Hà Nội cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi, in ấn tờ rơi... phát cho khách tham quan cùng người dân để họ hiểu về ý nghĩa, giá trị của di sản này” (Phát biểu của TS Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Văn Miếu Quốc Tử Giám).

Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm