'Về đi Vàng ơi!' và 'Trẻ con không được ăn thịt chó'

17/04/2015 08:17 GMT+7

(giaidauscholar.com) - 1. “Chỗ thờ lợn, chỗ thờ bò/ Chỗ thì thờ cái Linga của người/ Đạo Phật, Thiên Chúa, đạo Hồi/ Đều là đạo cả chỉ lời khác thôi”.

Mỗi lần bức xúc vì một ai đó hay một việc gì đó trái ý mình, tôi lại tự dằn lòng bằng những câu trên. Đó là một kiệt tác của nhà thơ dân gian hiện đại - “ông vua chó mèo” Nguyễn Bảo Sinh.

Ấy thế nhưng, Bảo Sinh cũng có chỗ thiên lệch. Ông lập chùa “tề đồng vật ngã” (con người và loài vật đều bình đẳng như nhau), nhưng ông lại yêu chó mèo hơn các loài vật khác, viết "á kinh" và làm lễ cầu siêu cho chó mèo. Ông chính là người (có lẽ đầu tiên) khởi xướng phong trào 1 triệu chữ ký ủng hộ không ăn thịt chó, mèo trên facebook, và ông còn định góp ý đưa quy định cấm việc này vào văn bản pháp luật cao nhất.

2. Người Việt Nam có thói quen nuôi chó, mèo, vừa để chúng giữ nhà, bắt chuột; vừa để tận dụng các sản phẩm thừa trong đời sống hàng ngày; và vừa để… giết thịt.

"Sống trên đời ăn miếng dồi chó/ Chết xuống âm phủ biết có hay không"? Thời thực phẩm khan hiếm, thịt một con lợn là chuyện kinh thiên động địa xóm làng, nhưng nuôi một đàn chó, để khi mát giời, "ngả một con" ra nhắm rượu thì đó là cái thú tuyệt đỉnh của người dân quê thời xưa. Sự thèm thuồng với miếng thịt chó đã được kể một cách xót xa trong "Trẻ con không được ăn thịt chó" của nhà văn Nam Cao, khi ông bố và đám bạn rượu chén sạch cả một mâm thịt chó trước con mắt thèm thuồng của đàn con. Đó là câu chuyện về cách ăn, về miếng ăn (nó làm tha hóa nhân cách của con người), chứ không phải bàn về chuyện ăn cái gì.

Có thể chúng ta yêu chó mèo hơn các con vật khác. Nhưng tôi không nghĩ rằng những gã đàn ông trong "Trẻ con không được ăn thịt chó" không biết quý con chó, nhưng chuyện phải giết thịt chúng, để thoả mãn cơn thèm hay để khai thác giá trị thương phẩm của chúng lại là chuyện khác.

Nhiều người Việt Nam cũng như người Hàn Quốc, Trung Quốc có thói quen ăn thịt chó, nhưng không có nghĩa họ kém yêu con chó hơn các dân tộc khác. Xem trường đoạn miêu tả món thịt chó của nhà văn đoạt giải Nobel Mạc Ngôn trong "Đàn hương hình" thì có chết cũng muốn lên Nhật Tân ăn miếng dồi chó cho đỡ thèm.

Người Việt Nam còn thờ chó. Đó là điều khó tin, gây tranh cãi mãi, nhưng cuối cùng lại là sự thật. Song điều đó cũng không có nghĩa là người Việt Nam sùng bái con chó hơn các con vật khác, vì thiếu gì con vật cũng được thờ cúng như thần.

3. Từ câu chuyện "Trẻ con không được ăn thịt chó", liên hệ tới chiến dịch "Về đi Vàng ơi!", trong đó có nội dung vận động không ăn thịt chó, tôi có suy nghĩ rằng, trẻ con được ăn thịt chó, người lớn cũng được ăn thịt chó. Ta tôn trọng quyền ăn và cả quyền không ăn thịt chó của mỗi người. Ta cũng tôn trọng khẩu vị và truyền thống ẩm thực của mọi dân tộc, tôn giáo trên thế giới. Ta tôn trọng những người nuôi chó mèo để giết thịt (tức "táng" chó vào dạ dày mình) và cả những người nuôi chó mèo làm thú cưng rồi khi chúng chết, "táng" chúng vào nghĩa trang.

Nhưng chuyện đối xử với chó mèo thì lại là chuyện khác. Không phải với chó mèo, mà với mọi loại động vật ta cũng không được đánh cắp, buôn lậu hay đối xử tàn bạo với chúng.

Thăm dò ý kiến

Bạn đồng ý hay phản đối việc ăn thịt chó?


Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm