Trước thềm Thế vận hội mùa Đông 2022: Một Olympic xanh và sạch?

31/01/2022 07:00 GMT+7 | Thể thao

(giaidauscholar.com) - Trung Quốc đã hứa sẽ tổ chức một Thế vận hội mùa đông "xanh và sạch", dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 4/2 tới. “Xanh và sạch” như các nhà tổ chức cho biết là họ ưu tiên bảo vệ các loài bản địa, giảm phát thải khí nhà kính và cắt giảm tài nguyên sử dụng.

Khai mạc Olympic trên sông Seine: Ý tưởng lãng mạn của Olympic 2024?

Khai mạc Olympic trên sông Seine: Ý tưởng lãng mạn của Olympic 2024?

Còn hơn hai năm nữa Olympic 2024 mới chính thức diễn ra, nhưng Ban tổ chức kỳ Olympic tiếp theo đã lên kế hoạch cho một buổi lễ khai mạc giàu tham vọng: Tổ chức buổi lễ trên dòng sông Seine thơ mộng. Một ý tưởng điên rồ?

Tuy vậy, cũng đã có những lời chỉ trích cho rằng đây sẽ là Thế vận hội mùa đông đầu tiên dựa hoàn toàn vào tuyết nhân tạo. Thậm chí, một số sự kiện sẽ được tổ chức ở giữa một khu bảo tồn thiên nhiên.

Di dời một khu rừng

Olympic mùa đông Bắc Kinh sẽ được tổ chức ở 3 địa điểm và Diên Khánh là nơi tổ chức các sự kiện trượt tuyết Alpine nổi tiếng. Thế nhưng, vấn đề là các đường trượt tuyết được xây dựng ở giữa khu bảo tồn thiên nhiên Songshan ở Diên Khánh - trên một khu vực rộng hơn 1.000 sân bóng đá. Để xây dựng, người ta đã phải loại bỏ hơn 20.000 cây và được thực hiện trong vài năm qua.

Ủy ban Olympic Bắc Kinh (BOC) cam kết sẽ chuyển cây - cùng với 81 ha lớp đất mặt - đến một địa điểm khác ở vùng núi phía Bắc thành phố. Họ đã hợp tác chặt chẽ với Đại học Lâm nghiệp Bắc Kinh và cho biết hơn 90% số cây đã sống sót sau khi di chuyển.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Carmen de Jong, Giáo sư Thủy văn tại Đại học Strasbourg (Pháp), nói rằng việc loại bỏ lớp đất mặt trong quá trình này có thể làm tăng đáng kể nguy cơ xói mòn và lở đất, ô nhiễm nước và thiệt hại cho môi trường sống của động vật. “Khu bảo tồn đã mất khoảng 25% bề mặt… Khu bảo tồn này có tính đa dạng sinh học rất cao và các loài được bảo vệ như đại bàng vàng”, bà de Jong nói.

Thực tế thì BOC đã được các nhà sinh vật học Trung Quốc cảnh báo về nguy cơ môi trường tiềm ẩn trong khu vực này ngay từ năm 2015, nhưng rồi địa điểm thi đấu này vẫn không được chuyển đi nơi khác.

Vào thời điểm đó, tạp chí Nature đã đưa tin rằng, các bài đăng về vấn đề này trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc đã bị xóa. Còn khi đặt câu hỏi cho Ủy ban tổ chức Bắc Kinh về việc này, họ cho biết: "Bắc Kinh 2022 đã làm hết sức mình để bảo vệ hệ sinh thái trong các khu vực thi đấu".

Tuyết nhân tạo

Bắc Kinh đã hứa rằng tất cả các địa điểm thi đấu sẽ được bao phủ bởi "tuyết chất lượng cao", mặc dù thành phố chỉ có tuyết vài ngày trong những năm gần đây. Tại Diên Khánh, địa điểm của trung tâm trượt tuyết, lượng tuyết rơi trung bình được ghi nhận chỉ là 21cm một năm. Và chỉ riêng địa điểm này sẽ cần hơn 1,2 triệu m3 tuyết cho các sự kiện Olympic. Vì vậy, lần đầu tiên, tuyết nhân tạo 100% sẽ được sử dụng.

Điều đáng nói là quá trình sản xuất tuyết nhân tạo vừa tốn năng lượng vừa tốn nhiều tài nguyên. Người ta ước tính rằng 49 triệu gallon (tương đương 222,8 triệu lít) nước đã được sử dụng, trong một khu vực vốn đã thiếu nước.

Chú thích ảnh
Thế vận hội mùa Đông 2022 sẽ là một kỳ Olympic xanh và sạch?

Đây là một vấn đề khiến Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) lo ngại khi họ đánh giá các thành phố ứng cử viên đăng cai Olympic mùa đông 2022. Theo báo cáo, "việc phụ thuộc vào sản xuất tuyết nhân tạo của Bắc Kinh sẽ đòi hỏi phải chuyển hướng nước từ các hồ chứa hiện có và có thể ảnh hưởng đến các mục đích sử dụng đất khác".

Trước những lo ngại, Bắc Kinh khẳng định lượng nước sử dụng cho Thế vận hội chỉ chiếm chưa đến 2% nguồn cung cấp nước tại địa phương. Họ cũng cho biết những khẩu pháo tuyết đang được sử dụng cần ít năng lượng hơn 20% so với những khẩu pháo được sử dụng tại các kì Olympic trước đó.

Trung tính carbon

Các nhà tổ chức có kế hoạch tổ chức Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh như là "Thế vận hội đầu tiên không có carbon". Hiển nhiên thì với kế hoạch đầy tham vọng đó, Trung Quốc sẽ phải sử dụng 100% năng lượng tái tạo.

Để thực hiện thì trong hơn 6 năm qua, các nhà tổ chức đã xây dựng các dự án năng lượng mặt trời và gió mới để cung cấp đủ năng lượng sạch, không chỉ cho Thế vận hội mà cho toàn bộ thành phố Bắc Kinh.

Nếu chúng ta lấy con số của chính phủ về lượng than tiết kiệm được, thì con số này có thể tránh được 12,9 triệu tấn CO2 phát thải hằng năm.

Những người chỉ trích thì cho rằng cam kết năng lượng xanh của Thế vận hội vẫn không che giấu thực tế rằng hơn một nửa năng lượng của Trung Quốc vẫn được sản xuất từ than đá.

Tuy vậy, các nhà chức trách cũng đã công bố các quy định hạn chế tại khu vực Bắc Kinh đối với các phương tiện và ngành công nghiệp thải ra nhiều khí CO2 nhất. Ngoài ra, thật trùng hợp khi để giảm lượng khí thải du lịch, Ban tổ chức quyết định không cho khán giả nước ngoài vào vì lí do an toàn trước dịch Covid-19 - chỉ khán giả địa phương được phép.

Và họ nói rằng, bất kì lượng khí thải còn lại nào sẽ được bù đắp bằng cách trồng 80.000 ha cây cối xung quanh Bắc Kinh. Mặc dù vậy, việc sử dụng cây xanh để chống lại lượng khí thải đang gây tranh cãi. Bởi các cây phải phát triển từ 10 đến 20 năm để loại bỏ một lượng đáng kể carbon khỏi khí quyển, chúng phải được duy trì và - theo một báo cáo về đa dạng sinh học do Liên hợp quốc tài trợ - chúng có thể phá vỡ các hệ sinh thái bản địa.

So sánh với các Thế vận hội khác

Hiển nhiên thì nhiều vấn đề lo ngại cũng đã được nêu ra trong các Thế vận hội mùa đông trước, đặc biệt là về vấn đề các nguồn lực cần thiết để sản xuất tuyết. Chẳng hạn như tại Thế vận hội 2010 ở Vancouver (Canada), các nhà chức trách đã bị chỉ trích vì vận chuyển tuyết từ nơi khác bằng máy bay trực thăng.

Hay IOC năm 2020 tuyên bố rằng họ sẽ thể hiện "một vị trí chủ động hơn và vai trò lãnh đạo liên quan đến tính bền vững".

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Loughborough ở Anh đã cảnh báo trong một báo cáo ngay tuần này rằng: "Trong số 20 địa điểm được sử dụng cho Thế vận hội mùa đông kể từ Chamonix năm 1924, các nhà khoa học nghĩ rằng đến năm 2050 sẽ chỉ có 10 địa điểm có... mức tuyết rơi tự nhiên đủ để tổ chức sự kiện".

Thế vận hội Mùa đông 2022 sẽ diễn ra ở Bắc Kinh và các thị trấn ở vùng lận cận tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, từ ngày 4 đến 20/2/2022. Đây là Thế vận hội mùa đông lần thứ 4 được tổ chức tại châu Á sau các kỳ Thế vận hội mùa đông 1972 ở Sapporo (Nhật Bản), Thế vận hội mùa đông 1998 ở Nagano (Nhật Bản) và Thế vận hội mùa đông 2018 ở Pyeongchang (Hàn Quốc); đồng thời Bắc Kinh cũng trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới đăng cai cả Thế vận hội mùa hè cũng như Thế vận hội mùa đông.

Mạnh Hào

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm