Một ngày trước trận SLNA- V.NB: Cực nóng!

27/04/2013 06:38 GMT+7 | V-League

(giaidauscholar.com) - SLNA đang thăng hoa ở V-League 2013 với thành tích bất bại (5 trận thắng, một hòa), chính điều đó giúp họ trở thành thỏi nam châm lớn hút được khán giả đến sân. Cảnh tượng trên sân Vinh ở vòng 5, khi khán giả tìm mọi cách để vào sân trong lúc trên các khán đài đã không còn một chỗ trống, chính là một minh chứng cụ thể.

BTC sân Vinh đang nỗ lực để cảnh tượng này không lặp lại ở trận đấu chiều mai. Ảnh: VSI

Với rất nhiều CĐV SLNA, cảnh tượng “vỡ sân” chỉ tồn tại trong niềm ký ức tự hào của thời bóng đá ngày xưa. Nhưng ở mùa bóng 2013, bất kỳ trận nào trên sân Vinh đều có thể “vỡ”, khi mà số lượng khán giả đến sân được tăng lên theo cấp số nhân cùng với thành tích thăng hoa của đội bóng.

Điều đó đặt ra bài toán cho BTC sân Vinh là làm sao bảo đảm an toàn trước, trong và sau khi trận đấu diễn ra, mà để làm tốt nhiệm vụ này thì việc đầu tiên phải làm là xem lại quy trình phát hành vé cho khán giả.

Cháy vé?

Để lấp kín khán giả trên khắp 4 khán đài sân Vinh vào thời điểm hiện nay thì cũng chỉ khoảng 3 vạn người (tính cả tới khả năng khán giả ngồi nêm chặt ở các hành lang và lối đi), nhưng số lượng CĐV đến sân Vinh rất đông, bởi họ không chỉ là người dân trong thành phố Vinh, mà còn là CĐV từ các huyện trên địa bàn Nghệ An đổ về xem đá bóng, cho dù họ phải bắt xe đò hay đi xe máy mấy chục km.

Tất cả những điều này đã góp phần tạo thành hiện tượng CĐV đổ đến sân đông hơn sức chứa của sân Vinh. Vì thế mới có chuyện giá vé được BTC niêm yết có mức đắt nhất là 60.000đ/vé (khán đài A1) và 20.000đ/vé khán đài B, C, D, nhưng thực tế ở một số trận cầu đinh thì giá vé được đẩy lên gấp 10 lần, 5 lần so với giá gốc (như trận SLNA gặp XMXT.SG vòng 5 vừa qua). Điều đó cho thấy nhu cầu về vé của CĐV SLNA là rất lớn, và đây cũng là thời cơ để những tay phe vé đầu cơ hốt bạc.

Để tránh tình cảnh vé của BTC bị các tay phe vé chuyên nghiệp thâu tóm, BTC sân Vinh đã có chủ trương chỉ bán vé rộng rãi trước khi trận đấu diễn ra 24 giờ đồng hồ, và mỗi lần bán vé ra có chia đều cho các khu vực khán đài, không tập trung về một khu vực riêng lẻ nào. Đây là phương pháp bán vé cho các cá nhân, còn với những tập thể muốn mua vé với số lượng lớn phải có công văn gửi tới BTC sân Vinh để được phê duyệt.

Tuy BTC đã lường trước được tình hình như thế, nhưng để ngăn cản được lượng vé lớn tuồn ra ngoài là điều không dễ dàng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đã có rất nhiều phe vé cũng có “kênh” riêng để mua được vé từ BTC với đúng giá gốc.

“Mừng và lo vì khán giả đến sân đông”

Trao đổi với TT&VH, ông Hồ Văn Chiêm, GĐĐH SLNA kiêm trưởng BTC sân Vinh, cho biết: “Chúng tôi rất mừng khi khán giả đến sân càng ngày càng đông, nhưng đó cũng là nỗi lo cho chúng tôi, khi phải làm tốt công tác phân phối phát hành in và bán vé, để làm sao vé đến tận tay khán giả một cách công khai. Còn về việc chống đầu cơ đối với BTC là không dễ vì trong bóng đá chuyện có phe vé là điều tất yếu”.

Một phe vé có thâm niên làm ăn lâu năm ở sân Vinh xin giấu tên cho biết: “Chúng tôi không ngại việc có vé để bán vì nguồn chúng tôi có sẵn. Chúng tôi chỉ sợ không có nhiều vốn để ôm vé vào rồi chờ sốt mới bán ra. Đây cũng là nghề kinh doanh của chúng tôi”.

Trong trận đấu vào ngày Chủ nhật (28/4), BTC sân Vinh đã phát hành vé ở khu vực khán đài C, D như một cách để giải quyết nhu cầu cho các khán giả muốn vào sân vượt cả sức chứa ở khu vực khán đài A, B. Trước đây, khán giả ở khu vực khán đài C, D được vào sân miễn phí nếu xuất trình thẻ học sinh sinh viên.

Giải thích về điều này, ông Chiêm cho biết: “Trước đây khi khán giả đến sân chưa đông thì chúng tôi đã mở cửa tự do để thu hút lực lượng học sinh sinh viên đến sân cổ vũ cho đội bóng. Nay đội thi đấu tốt, tạo nên sức hút với khán giả thì BTC phải hạn chế số lượng học sinh sinh viên là đương nhiên. Và hơn nữa chúng tôi tiến hành in vé ở khu vực này cũng là một hình thức để cho CĐV có thêm đóng góp cho đội bóng. Nói thế không có nghĩa là chúng tôi cấm triệt để mà đã có công văn đề nghị tới các trường theo tiêu chuẩn cụ thể”.

Các dịch vụ ăn theo lên ngôi

Nắm bắt tình hình số lượng khán giả đổ về sân theo dõi trực tiếp mỗi khi SLNA thi đấu trên sân nhà là rất đông, nên các tiểu thương đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ này để kinh doanh hốt bạc. Áo CĐV, cờ, băngrôn, thanh đập…, nói chung tất cả những gì có thể phục vụ cho khán giả nhằm phủ kín sân Vinh bằng màu vàng đều được bán rất chạy.

Ngay cả việc Hội CĐV SLNA ở khu vực thành phố Vinh khi tổ chức in áo để bán với mức giá ưu đãi cho các thành viên và khán giả cũng rất đắt hàng, chẳng hạn 500 chiếc áo đợt một chuyển từ TP.HCM về được bán hết chỉ trong vòng một tuần. Trước nhu cầu đó, các tiểu thương đã đổ xô mua hàng là áo đấu SLNA, áo Hội CĐV, cờ, khăn chít đầu… để bán và thực tế là khá đắt hàng.

Chị Trần Thị Thủy, chủ một ki-ốt trên đường Đào Tấn, nơi đặt trụ sở CLB SLNA, cho biết: “Từ đầu tuần rất nhiều CĐV đến hỏi mua áo in logo của CLB hoặc là áo của Hội CĐV. Vì thế, chúng tôi đã nhập về lượng lớn những chiếc áo như thế để bán. Dự đoán sẽ mặt hàng này còn bán được nhiều khi ngày thi đấu sẽ có nhiều khán giả từ các huyện đổ về”.

Trận đấu chưa diễn ra nhưng công tác chuẩn bị xung quanh trận đấu đã bắt đầu nóng lên. Điều đó hứa hẹn sân Vinh sẽ tiếp tục xuất hiện cảnh tượng nêm chặt khán giả ở các khán đài.

ĐẠI NGHĨA
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm