01/10/2015 07:30 GMT+7 | Phim
(giaidauscholar.com) - PhimTôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (ĐD: Victor Vũ) vừa ra mắt báo giới và đang có những suất chiếu sớm đã làm được rất nhiều điều cho nền điện ảnh còn dư thừa bất cập. Trong các đóng góp đó, có thể khẳng định: Không phải phim đặt hàng nào cũng “cúng cụ”, mà chỉ có thái độ muốn làm “cúng cụ” mà thôi.
Chia sẻ với vài báo đài tại buổi ra mắt phim, Victor Vũ nói: “Quan trọng nhất vẫn là tinh thần tác phẩm. Truyện của anh Nguyễn Nhật Ánh khá ngắn nên tôi phải tìm cách cấu trúc lại từng chương. Dĩ nhiên, có những chi tiết phải hy sinh hoặc hư cấu để mang đến tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa”.
Đồng sáng tạo
Nếu phải so sánh phim với nguyên tác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, với kịch bản gốc của đạo diễn Việt Linh, thì việc đồng sáng tạo của Victor Vũ rất đáng kể. Đầu tiên, anh cùng với Đoàn Nhật Nam chỉnh sửa, bổ túc khá nhiều chi tiết cho kịch bản, bởi rõ ràng, mắt nhìn, đòi hỏi về câu chuyện của thế hệ Victor Vũ (sinh 1975) sẽ khác thế hệ Nguyễn Nhật Ánh (1955) và Việt Linh (1952).
Một vài ví dụ. Trong kịch bản gốc, sau hệ thống nhân vật do người đóng, Việt Linh chú thích: “Cùng với sự tham gia vô cùng quan trọng của ba nhân vật thú: cóc tía, chó vàng, đàn dê; và nhân vật khách mời quyến rũ là thiên nhiên”.
Lên phim, thiên nhiên và cóc được tô đậm, còn chó vàng và đàn dê thì “cho qua”. Bối cảnh trong kịch bản vào cuối những năm 1970, lên phim lùi lại cuối những năm 1980.
Truyện của Nguyễn Nhật Ánh là một hiện thực vừa miên man vừa bối rối, nơi các nhân vật đang ở ngưỡng dậy thì, với những băn khoăn, bốc đồng đặc trưng. Victor Vũ đã rất thành công trong việc chuyển tải tinh thần này.
Đầu tiên là bộ ba nhân vật Thiều (Thịnh Vinh thủ vai), Tường (Trọng Khang) và Mận (Thanh Mỹ), họ diễn rất ra chất và rất hợp bối cảnh. Điều này cho thấy việc chọn vai, sự thị phạm công phu, song hành đó là việc tạo dựng bối cảnh của nhóm họa sĩ.
Đặc biệt là sự “ăn gian” khá tinh tế, đẹp mắt của nhóm quay phim, họ chọn nhiều trung cảnh cho bối cảnh nhân vật, còn toàn cảnh dành cho thiên nhiên, để hạn chế các sai biệt về thời đại.
Nếu nhìn lại các phim Victor Vũ đã làm tại Việt Nam, phim này thuộc diện đơn giản và ít chiêu trò nhất, thế nhưng lại rất khó làm. Bởi nhìn chung điện ảnh đã đánh mất cảm xúc thật sự, thay vào đó là thị giác đơn thuần, trong khi phim này lại xoáy vào khía cạnh cảm xúc mộc mạc, bình dị. Hơn nữa, sở trường của Victor Vũ là ly kỳ, hồi hộp, gay cấn…Để làm một phim mộc mạc và bình dị không hề dễ dàng.
Chỉn chu, tinh tế, sâu lắng, đúng tâm lý là những gì mà phim này đã chạm đến được. Nếu phải so sánh, thì phim này tốt hơn Thiên mệnh anh hùng ở nhiều khía cạnh, dù quy mô và thể loại rất khác nhau.
Một “sĩ diện” cho phim đặt hàng
Lâu nay khán giả khá mất niềm tin vào nhiều phim do nhà nước đặt hàng, vì dường như các đạo diễn và ê-kíp chỉ muốn làm để “trả lễ”. Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có nguồn tài trợ chính từ Nhà nước, thế nhưng cách đặt hàng lần này có hai khác biệt.
Thứ nhất, nhiệm vụ tuyên tuyền của phim được cài cắm kín đáo đến mức khó nhận ra, nên đạo diễn và khán giả chỉ còn nguyên thế giới trong trẻo của tuổi thơ để chiêm ngưỡng. Thứ hai, có thể Victor Vũ không tài năng hơn các đạo diễn từng được Nhà nước đặt hàng gần đây, nhưng anh thể hiện trách nhiệm cao hơn, nên phim chỉn chu, hoàn thiện hơn.
Việc khán giả cảm xúc cao độ với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là điều dễ hiểu, vì phim đã cố gắng chạm đến sự chân thực nhất có thể, với diễn xuất tuyệt vời. Đủ để gọi Thịnh Vinh, Trọng Khang là những nghệ sĩ trẻ đích thực, nó làm chúng ta liên tưởng đến Em bé Hà Nội (năm 1974, ĐD: Hải Ninh), nơi ươm mầm nên tên tuổi NSND Lan Hương sau này.
Rõ ràng, nếu cởi mở, nới lỏng quan niệm về tuyên truyền, rồi chọn đúng đạo diễn trách nhiệm, giỏi nghề để trao tay, việc đặt hàng có thể cho trái ngọt. Điều này có lẽ cũng là chìa khóa để làm nên sự thàng công của những Chung một dòng sông (năm 1959, ĐD: Nguyễn Hồng Nghi - Phạm Hiếu Dân), Con chim vành khuyên (1962, ĐD: Nguyễn Văn Thông - Trần Vũ), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972, ĐD: Hải Ninh), Cánh đồng hoang (1978, ĐD: Nguyễn Hồng Sến), Bao giờ cho đến tháng Mười (1984, ĐD: Đặng Nhật Minh), Ván bài lật ngửa (1982-1987, ĐD: Lê Hoàng Hoa), Biệt động Sài Gòn (1986, ĐD: Long Vân), Sống trong sợ hãi (2005, ĐD: Bùi Thạc Chuyên)…
Và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một nối tiếp hoàn toàn xứng đáng.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất