04/09/2016 07:17 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Hình như trên khắp địa cầu luôn có những người say mê đi tìm các kho báo nào đó? Một nhà khảo cổ nghiệp dư người Anh cả quyết ở Myanmar có 124 chiến đấu cơ Spitfire được chôn dưới lòng đất từ khi chấm dứt Thế Chiến II. Hơn thế nữa, chúng hầu như còn mới tinh và được gói bọc cẩn thận trong các hòm gỗ khổng lồ!
... hôm nay tiếng súng cũng ngừng cả ở châu Á, đế quốc Phù Tang đã hạ súng đầu hàng trước đó hai hôm, và từ mấy tuần nay quân Đồng minh đã quét sạch đội quân chiếm đóng Nhật Bản khỏi đất Burma (hôm nay: Myanmar).
Trên phi trường Rangoon (Yangon) nhộn nhạo lính tráng di chuyển. Và giữa quang cảnh huyên náo đó xảy ra một chuyện kỳ dị mà vì nó mấy chục năm sau sẽ có nhiều người Anh mất ăn mất ngủ.
Bên cạnh đường cất cánh, lính Mỹ đào một hố đất khổng lồ, dài rộng 100 và 180 mét, sâu 10 mét. Đội phu người bản xứ lát kín đáy hố bằng những thanh gỗ Tếch dày để chống nước ngầm sùi lên. Công binh Mỹ đặt lên trên nền đó những hòm gỗ dài 10 mét, nặng hàng tấn và quét kín hắc ín để chống ẩm. Vài hàng chữ sót lại trên hòm cho thấy xuất xứ từ Anh quốc. Sau đó tất cả được cẩn thận phủ kín đất, tựa như sẽ có ngày chúng được bới ra để tái sử dụng.
Cứ thế 7 thập kỷ trôi qua, và dường như chẳng ai nhớ đến sự kiện ấy, trừ Cundall, 63 tuổi, một nông dân Anh có bằng lái máy bay và coi những cỗ máy phản lực ấy là niềm vui duy nhất đời mình.
Ông Cundall không nhớ
… đã chi bao nhiêu tiền để đi lại giữa hai châu lục, để mò vào các văn khố của quân đội và nghiên cứu hàng núi tài liệu vàng úa thời gian, kể từ khi ông nghe kể về cái hố ở phi trường Rangoon. Ít nhất thì ông cũng mò ra địa chỉ 8 nhân vật từng mục sở thị sự kiện nọ. Họ là người Mỹ, Anh và Myanmar.
“Bản thân những người đó không quen nhau, và họ kể cho tôi các chi tiết trùng hợp đến kỳ lạ” - mắt ông Cundall sáng lên như một đứa trẻ được quà khi kể lại.
Và đó chưa phải là điểm tựa duy nhất của ông: Các chuyên gia trắc địa của Đại học University of Leeds đã đo thấy một lượng lớn kim loại trong lòng đất, đúng chỗ Cundall vạch ra. Ông thuê công nhân thử khoan một lỗ và quả nhiên chọc đúng một hòm gỗ có vách dày 5 phân. Tuy không biết bên trong có gì, nhưng với Cundall thì “không nghi ngờ gì nữa, đây là một kho báu từ Thế Chiến II, chính xác hơn là nhiều phi cơ Spitfire được tháo rời và chôn giấu”. Cundall cũng hy vọng là chúng còn tốt!
Từ 1938 hơn 20.000 chiếc Spitfire ra xưởng. Hiện chỉ còn 35 chiếc bay được và có giá trên dưới 1 triệu bảng Anh trong giới sưu tầm. Nhưng nếu Cundall đoán đúng thì sắp tới sẽ có hàng phi đoàn máy bay cổ xé nát bầu trời London trong một cuộc duyệt binh trên mây hoành tráng!?
Tổng cộng 3 địa điểm ở Burma được Cundall đưa vào danh sách kho báu biết bay này, với 124 Spitfire! Và chiểu theo một hợp đồng do ông ký với chính phủ mới ở Naypyidaw 37 chiếc trong số đó sẽ thuộc về Cundall.
Dĩ nhiên sẽ cần 2-3 năm
… để tu tạo những cỗ máy giết người ngày xưa và cho chúng tung hoành tại mọi cuộc triển lãm hàng không toàn thế giới, như những sứ giả của hoà bình và hữu nghị. Từ 35 năm nay, ông đi tìm xác máy bay khắp thế giới với một nhóm khảo cổ kinh nghiệm đầy mình. Nhưng lần này không còn là một cuộc đào bới bình thường, mà cũng không chỉ vì số lượng máy bay cũng như tình trạng kỹ thuật của chúng – mà vì chúng tên là “Spitfire”, cái tên đã thành huyền thoại của công nghệ chế tạo phi cơ Anh.
Dù là bên ngoài biên giới Anh cái tên ấy chỉ làm người ta nhớ đến cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu, nhưng Spitfire là biểu tượng cho đầu óc sáng tạo của các kỹ sư Anh. Mỗi đứa trẻ Anh đều được nghe kể trong tiết lịch sử rằng không có Spitfire thì nước Anh đã thất bại thảm hại trước không quân phát xít Đức hồi 1940/41. Thiếu Spitfire thì không có tự do và độc lập, nói chung là không còn nước Anh trên bản đồ!
Chiến đấu cơ Spitfire quả thực có vòng lượn rất hẹp, nó cực linh hoạt và được quân đồng minh trọng dụng. Cho đến tận hôm nay, không ngày lễ nào của Nữ hoàng Anh, không đám cưới nào của các hoàng tử mà lại thiếu tiếng gầm của một chiếc Spitfire vút qua không phận trên lâu đài Buckingham Palace. Không lực Anh, Royal Air Force, buộc phải thắt lưng buộc bụng, thậm chí xoá sổ chiếc phản lực lên xuống thẳng đứng Harrier, nhưng họ không cho chiếc Spitfire nào vào bảo tàng. Thậm chí có cả một loại bia đen mang tên Spitfire!
“Chiếc phi cơ ấy”, nhà khảo cổ Andy Brockman nói, “có tác động khó lý giải đến tâm lý của người Anh”.
Brockman cũng có mặt
… trong nhóm khai quật của Cundall, tuy ông không bừng bừng lạc quan như Cundall: “Chúng tôi không có một tài liệu nào có giá trị 100%. Không ai biết chắc dưới đó có gì. Có thể ngày ấy người ta đào hố chôn rác?”
Quá nửa nhóm khảo cổ chia sẻ nhận định đó. Vì cớ gì mà quân Mỹ, chỉ vài ngày sau chiến thắng, lại chôn chiến đấu cơ mới tinh xuống đất? Và tại sao không lính công binh nào từng nhìn thấy một chiếc máy bay khi chở hòm đến? Hồi chính quyền quân sự thống trị, Cundall không được vào Myanmar khảo cứu. Thủ tướng Cameron nỗ lực hâm nóng lại chủ đề này với chính phủ mới khi sang thăm, và thế là nhóm Cundall sấp ngửa bắt tay vào việc.
Dự án được tài trợ bởi một công ty viết phần mềm cho các trò chơi chiến tranh, Wargaming Ltd. Ông chủ công ty này là Victor Kislyi, một tỉ phú Bạch Nga, không ngần ngại chi tiền triệu để độc quyền khai thác chủ đề “Khai quật 124 Spitfire” cho một trò chơi điện tử tiềm năng. “Không khác gì cuộc phiêu lưu của Indiana Jones”, Kislyi mừng rỡ, “và dại gì mà không đầu tư vào Indiana Jones?”
Đoạn cuối dự án này thì tóm gọn trong một câu: Brockman có lý, họ chẳng tìm thấy gì ngoài một đống rác rưởi, cũng giống như đại đa số các cuộc truy tầm đảo giấu vàng lãng mạn từ xưa đến nay. Hoặc người Anh thấm nhuần hơn ai hết tư tưởng Olympic “The important thing is not winning but taking part (Không cần phải huy chương, quan trọng là tham gia)”.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất