Truyền cảm hứng sống vào học đường

18/10/2023 14:00 GMT+7 | Văn hoá

Khi liên lạc với nhà báo Huy Đăng để viết bài cho chuyên mục này, anh nói: "Tôi là phóng viên thể thao, đâu có liên quan gì đến sách ngữ văn đâu?". 

Sau khi cho biết bài báo Paralympic: Một lịch sử chữa lành những vết thương của anh, từng đăng trên báo Tuổi trẻ cuối tuần vào đầu tháng 9/2021, đã vào sách Ngữ văn 11, tập 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Huy Đăng ồ lên ngạc nhiên.

Huy Đăng không ngờ rằng những năm gần đây, sách ngữ văn không còn là "địa hạt" dành riêng cho tác phẩm văn chương, mà những bài báo cũng được chấp nhận.

Không chỉ là một văn bản thông tin

Một bài báo đương nhiên cần nhắc đến giá trị về thông tin. Tuy nhiên, giá trị của tác phẩm báo chí còn tính đến việc nó truyền tải cảm xúc như thế nào đến bạn đọc nữa. Ngoài thông tin về lịch sử hình thành Paralympic (Thế vận hội dành cho người khuyết tật), những câu chuyện trong bài báo của Huy Đăng đã đem đến cho bạn đọc nhiều cảm xúc tốt đẹp về cuộc sống.

Khi Paralympic 2021 diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản), Huy Đăng đã đăng ký với ban biên tập viết về một lát cắt trong lịch sử hình thành giải thể thao này. Trong lúc tìm kiếm thông tin trên Internet, anh bị cuốn theo những câu chuyện thú vị về các vận động viên khuyết tật. Những con người đầy năng lượng và nghị lực sống, những tấm lòng hướng về người khuyết tật đã lay động trái tim người làm báo. Anh vừa đọc thông tin vừa liên tưởng đến điểm tương đồng giữa những người tham gia Paralympic ở các nước và Việt Nam.

Truyền cảm hứng sống vào học đường - Ảnh 1.

Nhà báo Huy Đăng

Huy Đăng cảm phục các vận động viên khuyết tật trên thế giới như thế nào vì đã vượt qua những mất mát của cơ thể thì cũng cảm phục những vận động viên khuyết tật củanước ta như thế, thậm chí hơn thế, vì hoàn cảnh sống thiếu thốn hơn rất nhiều.

Khi kể về vận động viên Van Gass (Anh) hoặc Bradley Snyder (Mỹ), Huy Đăng liên tưởng đến những Cao Ngọc Hùng, Lê Văn Công của Việt Nam về nghị lực và cách họ đã làm cho cuộc sống của mình trở nên nhiều ý nghĩa. Khi nhắc đến bác sĩ Guttmann, người tạo ra Paralympic, anh thấy có nét tương đồng với tiến sĩ Lý Đại Nghĩa (PGĐ Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM) về sự hết lòng mong muốn tạo ra những sân chơi, khơi dậy tinh thần thể thao cho người khuyết tật.

Truyền cảm hứng sống vào học đường - Ảnh 2.

Bài báo “Paralympic: Một lịch sử chữa lành những vết thương” vào sách “Ngữ văn 11”, tập 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Khi một bài viết nằm ở trang báo, chưa chắc học sinh đã đọc, nhưng khi đưa vào giảng dạy ở sách giáo khoa, chắc chắn các bạn phải đọc và phân tích. Vậy nên, những câu chuyện mang tính chất chữa lành, đầy tính sẻ chia và truyền cảm hứng sống như bài báo của Huy Đăng đã được lan tỏa trong học đường.

Không chỉ cung cấp thông tin về tiền thân của Paralympic với tên gọi Thế vận hội xe lăn quốc tế, chủ yếu dành cho cựu binh Thế chiến II và những người sáng lập, bài báo còn giúp học sinh phần nào thấy rằng: Sống không còn cách nào khác là biết vượt qua những nỗi đau, là làm cho cuộc đời có ý nghĩa, là tận hưởng hành trình sống trọn vẹn nhất.

Truyền cảm hứng sống vào học đường - Ảnh 3.

Nhà báo Phan Huy Đăng sinh năm 1990 tại TP.HCM, hiện đang làm việc tại báo Tuổi trẻ. Tốt nghiệp Khoa Toán của Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM năm 2011, nhưng chọn nghề báo để theo đuổi.

Vài giải thưởng báo chí: Giải Ba giải Báo chí TP.HCM năm 2015 với loạt bài Nói "không" với ASIAD. Giải Khuyến khích của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023 với loạt bài Chuyện hậu trường SEA Games xứ Chùa Tháp…

Có duyên giao du với vận động viên khuyết tật

Hơn 10 năm viết báo ở mảng thể thao, Huy Đăng đã lăn lộn ở khá nhiều đấu trường. Từ các giải đấu, anh có dịp tiếp xúc thường xuyênvới các vận động viên nói chung và vận động viên khuyết tật nói riêng. Vì vậy, khi viết về họ, anh có cái nhìn về một quá trình, chứ không chỉ là liệt kê thông tin.

Việc đi lên của các nhân vật khuyết tật đủ sức truyền cảm hứng đến cộng đồng. Vận động viên bơi lội Nguyễn Hồng Lợi là một ví dụ. Lợi sinh ra trong một gia đình nghèo, lớn lên ở làng Hòa Bình (nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật thuộc Bệnh viện Từ Dũ), bị cụt 3 chi, chỉ còn lại cánh tay trái, nhưng ở anh toát lên một năng lượng sống với tinh thần vui tươi và cơ thể khỏe khoắn.

Truyền cảm hứng sống vào học đường - Ảnh 5.

Tranh thủ bắt taxi đến xem Phạm Quang Huy thi đấu, chụp được khoảnh khắc xạ thủ chuẩn bị cho phát bắn mang tới Huy chương Vàng

Huy Đăng nói: "Anh ấy rất biết tận hưởng cuộc sống. Không chỉ bơi, anh còn vẽ áo dài cho những nhân vật nổi tiếng và học thiết kế áo dài từ NTK Sỹ Hoàng. Khi có những thành quả nhất định, anh thường quay lại mái ấm của mình để giúp đỡ, dạy thể thao cho các em đang sống ở làng Hòa Bình".

Những người khuyết tật khi tìm đến và yêu thích thể thao hầu hết đều có tinh thần mạnh mẽ. Vì vậy, khi viết về họ, Huy Đăng không chọn cách viết than khóc cho số phận của họ, mà luôn chọn cách viết tươi sáng về những nỗ lực và đóng góp của họ cho cuộc sống như những người lành lặn khác.

Những nhân vật lành lặn và luôn gắn bó với vận động viên khuyết tật như tiến sĩ Lý Đại Nghĩa, người dạy các vận động viên một cách vô vụ lợi, cũng là "kho đề tài" để anh khai thác. "Nói một cách khá sách vở là mỗi khi chùn bước, nghĩ đến sự vươn lên của họ, tôi cảm thấy xấu hổ, nên tôi phải suy nghĩ tích cực, sự thật là vậy" - Huy Đăng cười, kiểu cười phóng khoáng của những chàng trai Nam bộ.

"Thể thao đưa tôi đi khắp nơi"

Dù không phải là vận động viên, nhưng thể thao đã đưa Huy Đăng đến nhiều nước trên thế giới. Anh thường xuyên được tòa soạn cử đi tác nghiệp ở các giải thể thao lớn như World Cup 2018 (Nga), Olympic 2016 (Brazil), các kỳ SEA Games từ năm 2012 đến nay và gần đây nhất là ASIAD 2023 (Trung Quốc)...

Truyền cảm hứng sống vào học đường - Ảnh 6.

Huy Đăng chụp hình kỷ niệm với vân động viên Hoàng Xuân Vinh ở Olympic 2016

Tốt nghiệp Khoa Toán của Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, nhưng cái duyên tình cờ đã đưa Huy Đăng trở thành phóng viên viết mảng thể thao và thấy viết báo mới là công việc phù hợp với mình. Tuy học một ngành không liên quan gì đến báo chí, nhưng thuở sinh viên, Huy Đăng thường viết bài trên các diễn đàn thể thao, tham gia các cuộc thi viết về thể thao do các báo phát động. Hơn 10 năm viết mảng thể thao, chưa khi nào anh có ý định từ bỏ công việc của mình, dù gặp không ít khó khăn.

Mỗi khi vác ba-lô vào tác nghiệp ở một giải đấu, một sân chơi thể thao, Huy Đăng đều cảm thấy mình tràn đầy niềm vui. "Trước khi chuẩn bị lên đường tác nghiệp, tôi thường có chút lo lắng vì sẽ đến một đất nước khác, nên chuẩn bị mọi thứ khá kỹ lưỡng, nhưng khi vào tác nghiệp thì quên hết những lo lắng trước đó" - Huy Đăng tâm sự.

Truyền cảm hứng sống vào học đường - Ảnh 7.

Xạ thủ Phạm Quang Huy (trái) cùng với HLV tại ASIAD 2023

Làm báo chẳng những giúp anh rộng bước ra thế giới, mà còn tạo cho anh kỹ năng xử lý công việc linh hoạt và óc phán đoán. Dịp ASIAD 2023 vừa qua, không khí nước ta khá trầm lắng và dường như phóng viên lẫn người hâm mộ khá thờ ơ với đội nhà, đặc biệt ở môn bắn súng, ít ai kỳ vọng vào xạ thủ Phạm Quang Huy. Thế nhưng, linh cảm của một người có kinh nghiệm khi tác nghiệp, Huy Đăng cho rằng bắn súng thường có nhiều may rủi, biết đâu Quang Huy lập thành tích, nên đã bắt taxi đến đấu trường, vừa đúng lúc Huy thi đấu và đoạt Huy chương Vàng 10m súng ngắn hơi.

Những bức ảnh Đăng chụp lúc Huy thi đấu (chỉ kịp chụp lúc vận động viên của ta quay lưng lại) và cùng với huấn luyện viên Hoàng Xuân Vinh trở thành ảnh độc quyền. Anh đã chia sẻ số ảnh mình chụp được cho các báo khác với tinh thần: "Tôi hiểu báo chí hiện đại có tính cạnh tranh cao, nhưng tôi cũng biết đồng nghiệp của mình cần những bài báo có lượt người xem cao như thế nào, nên đã dễ dàng chia sẻ ảnh với họ".

Huy Đăng có được sự bình thản ấy vì thấy phóng viên Việt Nam quá vất vả, điều kiện tác nghiệp của ta khó khăn hơn đồng nghiệp các nước khác. Trong khi phóng viên của họ có hẳn những phòng làm việc khang trang với đầy đủ con người và thiết bị hiện đại thì phóng viên ta một mình làm rất nhiều việc, từ viết bài, chụp hình, quay video và dựng phim. Trong hoàn cảnh ấy, các phóng viên Việt Nam luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau.

Là một phóng viên năng động, đang trong độ tuổi dần chín muồi với nghề, Huy Đăng viết đa dạng đề tài và thể loại, đã có khá nhiều giải thưởng báo chí trong tay. Đưa tin là công việc bắt buộc của một phóng viên, bên cạnh đó anh còn thích viết các loạt phóng sự, tiêu biểu như tuyến bài Những chiến binh K, viết những bài phân tích thể thao.

(Còn tiếp)

Lâm Hạnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm