Truyền thông Trung Quốc: ByteDance sẽ không bán hoạt động của TikTok tại Mỹ cho Oracle

14/09/2020 15:06 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Kênh truyền hình tiếng Anh CGTN của Trung Quốc ngày 14/9 dẫn các nguồn tin cho biết công ty ByteDance sẽ không chuyển nhượng các hoạt động của ứng dụng TikTok tại Mỹ cho tập đoàn Oracle Corp hay Microsoft Corp, cũng như không cung cấp mã nguồn nền tảng chia sẻ video này cho bất cứ công ty nào của Mỹ. 

Tương lai nào cho TikTok sau khi 'cập bến xứ người'?

Tương lai nào cho TikTok sau khi 'cập bến xứ người'?

Sau nhiều tuần cân nhắc, hãng công nghệ đa quốc gia ByteDance của Trung Quốc được cho là sắp công bố tên công ty được lựa chọn trong cuộc đua nhằm mua lại hoạt động tại Mỹ của ứng dụng chia sẻ video TikTok.

Hãng tin Reuters dẫn một số nguồn thạo tin cho biết ByteDance đã từ bỏ ý định bán các hoạt động của TikTok ở Mỹ và quyết định theo đuổi quan hệ đối tác với Oracle với hy vọng tránh lệnh cấm của Mỹ.

ByteDance từ chối bình luận về thông tin trên của CGTN. 

Ngày 13/9, Microsoft thông báo đã nhận được thông tin từ ByteDance từ chối đề nghị nhượng quyền vận hành hoạt động của TikTok tại Mỹ.

Chú thích ảnh
ByteDance được cho là từ bỏ ý định bán các hoạt động của TikTok tại Mỹ

Trước khi thông tin trên được công bố, Microsoft và Oracle được cho là các ứng cử viên hàng đầu tiếp quản TikTok tại Mỹ. 

Trong thời gian gần đây, TikTok đã trở thành "tâm bão" căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cấm các cá nhân, công ty Mỹ giao dịch với ByteDance, chủ sở hữu TikTok, cũng như Công ty Tencent, chủ sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat. 

Ngày 15/8, Tổng thống Trump yêu cầu trong vòng 90 ngày ByteDance phải chuyển nhượng các hoạt động của TikTok tại Mỹ.

Đáp lại các động thái trên, cuối tháng 8, TikTok đã đệ đơn kiện chính quyền của Tổng thống Trump liên quan đến sắc lệnh cấm các công ty Mỹ giao dịch với công ty chủ quản  ByteDance.

TikTok cho rằng nhà chức trách Mỹ tước quyền của công ty này mà không có bất cứ bằng chứng nào. Đơn kiện của TikTok nêu đích danh Tổng thống Trump, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và Bộ Thương mại Mỹ.

Hiện TikTok đang hoạt động ở khoảng 150 quốc gia. Ứng dụng này đặc biệt phổ biến với người dùng smartphone trẻ tuổi. Nền tảng này cho phép người dùng tạo các video ngắn từ 15 giây đến 1 phút. Kể từ khi ra mắt năm 2016, ứng dụng đã được tải xuống hơn 2 tỷ lần, trở thành nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất thế giới.

Lan Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm