Khánh thành hai ngôi nhà ‘xây bằng nét cọ’: Một đời người nay mới thấy tương lai

23/02/2014 12:48 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Trận mưa tuyết bịt bùng đêm qua cũng không làm ướt tiếng đàn tròn hân hoan của gia đình anh Thào Mí Giàng. Không vui sao được, vì ước mơ đời người của anh chị hôm nay đã thành hiện thực.

Cùng cảm xúc với gia đình anh Giàng, gia đình anh Giàng Mí Lúa cũng trực òa trong niềm vui tột cùng trong ngày khánh thành ngôi nhà mới, ngôi nhà xây bằng những nét cọ.

Buổi lễ đơn giản ấm cúng được báoThể thao & Văn hóa tổ chức ngày 21/2 vừa qua, tại thôn Sì Phai và Bản Mới (Huyện Đồng Văn, Hà Giang)


Vợ chồng Thào Mí Giàng đàn tri ân những vị khách phương xa trong ngày mừng nhà mới

“Cái tranh của họa sĩ thế mà hay!”

Phăm phăm bước trên con đường gập ghềnh tới thôn Bản Mới nơi lưng núi, bà Lý Trung Kiên (Phó chủ tịch Huyện Đồng Văn) không giấu nổi sự hồi hộp. Từng cành lê, mận, đào hấp hé sau những hộc đá tai mèo. Thi thoảng, một đôi tiếng họa mi thánh thót ngân sau những tán sa mộc…

Nhưng bước chân chị Kiên cùng đoàn công tác mỗi lúc một gấp. Ai cũng muốn xem căn nhà nghiêng tứ bề “chờ sập” của anh Thào Mí Giàng giờ ra sao? Số tiền từ thiện do bán tranh có thay đổi được cuộc sống gia đình anh? Cháu Thào Mí Già (con gái anh Giàng) sau trận mưa tuyết khủng khiếp đêm qua giờ thế nào? Một loạt câu hỏi cùng chuỗi dài lo lắng.

Đứng trước cửa căn nhà mới xây vững chãi, anh Giàng chào niềm nở xua tan mọi ái ngại: “Cái tranh của ông họa sĩ thế mà hay! Từ ngày nhận được hỗ trợ sau cuộc bán tranh, vợ chồng mình giờ ngủ ngon lắm. Nhà mới, tường xây bằng gạch ba banh dày tới 15 phân, mưa bão, lốc tuyết cũng chẳng sợ.”

Trong cuộc trao đổi, anh Giàng cũng kể về nỗi sợ hãi đã đeo bám anh cả chục năm qua. Đó là nỗi sợ những bức tường che chở gia đình bỗng chốc đổ ập. Nỗi sợ một ngày thấy gia sản chỉ còn đống đất. Nỗi sợ bất lực nhìn vợ con màn trời chiếu đất giữa cao nguyên đá lạnh căm. Nỗi sợ của một người đàn ông vượt hết con sông này tới con sông khác, đi bộ qua quả núi này tới quả núi khác để làm ăn mà không nuôi đủ cho gia đình. Một nỗi sợ đeo bám truyền kiếp từ tổ tiên Giàng cầm mảnh cờ xé quyết định cư ở miền đá núi Việt Nam, tới ông anh, cha anh và có lẽ sẽ là cả con cháu anh sau này.

“Nhưng giờ mình hết sợ rồi. Vợ chồng, con cái mình từ nay yên tâm làm ăn mà không phải lo... nhà sập nữa.” - Thào Mí Giàng thì thầm trong lúc vợ đang đánh đàn tròn một bài dân ca Mông tri ân những vị khách phương xa.

Ngắm cặp vợ chồng người Mông lúng liếng trong “mùa xuân chín”, họa sĩ Đỗ Đức rút trong chiếc túi sách bản sao bức tranh Gặp nhau trên nương (bức tranh đã bán lấy tiền xây nhà cho Giàng) và kể rằng không phải ngẫu nhiên ông dành bức tranh này nhờ báo Thể thao & Văn hóa tổ chức đấu giá để giúp vợ chồng anh chị. Cũng chẳng phải vô cớ mà ông tặng anh chị một bản sao bức tranh.

“Bức tranh vẽ hai người phụ nữ đứng thẳng tắp giữa điệp trùng đá núi đã phạm luật cơ bản của mỹ thuật. Nhưng nó thể hiện sức sống mãnh liệt và tính tình cương thường của người dân nơi cao nguyên đá này” - Họa sĩ Đỗ Đức nói tiếp.

Bà Lý Trung Kiên ngồi cạnh tỏ vẻ ái ngại: “Nhưng người Mông đốt lửa ngay trong nhà. Liệu treo bản sao bức tranh nơi này có làm bức tranh bị ám khói?”

Họa sĩ Đỗ Đức vừa đặt tranh vào tay của Thào Mí Giàng vừa đáp: “Tranh cao nguyên đá của tôi không triển lãm ở Đồng Văn, không treo tới nhuốm màu thời gian ở một hộ gia đình người Mông tôi không thỏa.”


Họa sĩ Đỗ Đức tặng tranh Mẹ trong đá cho bà Cho, đại diện gia đình Giàng Mí Lúa

Niềm vui nhà có... sàn

Bà Cho, mẹ Giàng Mí Lúa, đi đi, lại lại trên sàn nhà láng xi măng nhẵn mịn. Đây là lần đầu trong đời, bà sống trong một ngôi nhà… có sàn. Bà Cho kể: “Từ bé ở nhà tới lúc theo chồng, sàn nhà toàn bằng đất à. Sau, thằng Lúa cưới vợ, cũng muốn lo cho nó một cái nhà ra hồn. Nhưng lực bất tòng tâm. Rồi vợ đầu của nó bỏ nó vì nghèo, tao lại càng áy náy. Song giờ, nhà cao cửa rộng, thằng Lúa cùng vợ hai chăm chỉ làm ăn, tao thấy mãn nguyện lắm!”

Cũng do mải đi làm nương trên ngọn núi xa tắp, đoàn công tác không gặp được vợ chồng Giàng Mí Lúa để chia vui với anh. Song nhìn đôi mắt bà Cho ánh lên nỗi lòng “một đời người nay mới thấy tương lai”, họa sĩ Đỗ Đức liền tìm búa, tận tay đóng đinh vào bức tường vững chãi để treo bản sao bức tranh Mẹ trong đá (tác phẩm đã bán để lấy tiền xây nhà từ thiện cho gia đình Giàng Mí Lúa).

Bà Cho rưng rưng nhìn bức tranh. Rồi bà im lặng miết miết đôi chân xuống sàn, chúi đầu về phía trước đi lại quanh nhà, dáng đi nặng trĩu của một đời gùi gánh...

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm