Triển lãm 'Ngày về I' ở Bảo tàng Mỹ thuật: Những người sáng tác ra quân!

12/02/2015 10:15 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Từ 8 đến 13/2, có một cuộc triển lãm sáng tác mới nhất của những họa sĩ, nhà điêu khắc gốm đã và đang làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học) gồm: Nguyễn Xuân Tiệp (sinh năm 1956), Nguyễn Ánh Nguyệt (1960), Nguyễn Khắc Quân (1962), Lê Quốc Huy (1968). Phạm Hà Hải (1974), Trần Mạnh Hùng (1977), Trần Ngọc Hưng (1983).

Phải đến tám năm rồi các họa sĩ ở Bảo tàng mới ra quân “đồng loạt” như vậy, họ kế thừa truyền thống sáng tác của những người công tác tại bảo tàng mỹ thuật quốc gia. Họa sĩ sáng lập bảo tàng và là giám đốc đầu tiên Nguyễn Đỗ Cung là một họa sĩ bậc thầy. Và sau đó lần lượt thời kỳ nào cũng có các nghệ sĩ danh tiếng xuất thân từ bảo tàng như: Trần Đình Thọ, Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn Chung, Cao Trọng Thiềm, Trần Nguyên Đán, Tạ Quang Bạo, Nguyễn Tấn Cứ, Nguyễn Trọng Đoan, Trần Tuy, Đặng Thế Minh, Nguyễn Xuân Cường, Nguyễn Bảo Toàn…

Bảy nghệ sĩ trong triển lãm, có người thành danh đã lâu, có người vẫn đang mày mò trên con đường sáng tạo, sau tám tiếng một ngày “hít thở cùng các danh tác” ở chỗ làm. Có người là “quan chức” (hai họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp và Nguyễn Ánh Nguyệt là đương kim phó giám đốc và cựu phó giám đốc Bảo tàng), có người là nhân viên, chuyên viên, nghiên cứu sưu tầm, tổ chức triển lãm, kho lưu trữ, phục chế tác phẩm. Nhưng tất cả cùng làm một cuộc đi chung khá ngoạn mục trên hành trình nghệ thuật trải dài cách nhau 27 năm tuổi. Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp, người thành danh từ thời Nghệ thuật Đổi Mới thập kỷ 1990s, sinh năm 1956. Họa sĩ trẻ nhất trong nhóm Trần Ngọc Hưng, sinh năm 1983.

Nếu có thể chia nhóm theo chủ đề quan tâm, có thể tạm chia ra nhóm vẽ con người và phong cảnh. Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp, với 16 bức chân dung dường như tự họa với nhiều trạng thái phong phú bằng bút pháp nghệ thuật biểu hiện. Sự suy tư về thân phận cá nhân làm cho các bức họa vừa có nội dung riêng biệt, vừa gộp lại một tâm trạng đau đáu khiến người xem phải băn khoăn không dứt. Ngược lại với cái nhìn phóng chiếu nội tâm của Nguyễn Xuân Tiệp, nhà điêu khắc gốm Nguyễn Khắc Quân lại đưa cho người xem cái nhìn quan chiêm xã hội và lịch sử với một loạt tác phẩm gốm hình chân và đầu người khổ lớn, phóng to, với “cách nhìn thường trực diện, đau đáu với một tinh thần quyết liệt”.

Các họa sĩ còn lại, chọn những hình thức biểu đạt và chủ đề nhẹ nhàng và đáng yêu là phong cảnh và hoa. Họa sĩ Nguyễn Ánh Nguyệt với các tác phẩm sơn mài phong cảnh làng, thiếu nữ với mầu sắc khỏe khoắn, vui tươi. Họa sĩ Phạm Hà Hải và Trần Ngọc Hưng lại chọn chủ đề hoa sen và hoa chuối rừng với hai tông mầu ngược hẳn nhau, một người  tông nóng, mãnh liệt, một người tông lạnh, dịu mát. Họa sĩ Lê Quốc Huy dùng acrylic với “cấu trúc mạng” rộn ràng, tung tẩy thoải mái. Ngược lại, Trần Mạnh Hùng lại dùng sơn dầu với một tông mầu trầm, với những ấn tượng về thời gian…

Bảy họa sĩ, mỗi người một vẻ, một phong cách, đắp đổi, nâng đỡ thành một triển lãm sinh động. Cũng hay là, việc bày đi cọ lại, vạch vời cưa kéo mãi trên một tấm toan, đối với hội họa, hoặc khi có thể giãi bày hết cõi lòng mình, hoặc chỉ là làm đẹp cho những bức tường, hoặc cao hơn nữa trở thành “họa dâng” - những bức tranh để cúng dường, hoặc là… n điều nữa. Thực khó lắm thay!!!

Những tác phẩm trong triển lãm:

Vũ Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm