Từ bê bối trên sânThống Nhất: Đừng để tình yêu khán giả tắt lịm!

22/02/2017 13:40 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Câu chuyện Long An “đình công” chắc chắn còn được hâm nóng trên báo chí ngoài nước và trong nước. Nhưng nếu để ý, ngoài phóng viên và những người đang hoạt động bóng đá trực tiếp, có vẻ như khán giả không còn mấy để ý.

“Con chim biết chết vẫn cứ lao vào bụi mận gai”?

Trở lại câu chuyện khi xảy ra sự cố, anh bình luận viên của HTV, lần đầu tiên chứng kiến trận đấu “kỳ quặc”, nên cũng lúng túng không biết xử lý như thế nàođể bình luận cho “ngọt”.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên các lãnh đạo CLB bóng đá “hờn dỗi” trọng tài, đình công, đòi giải tán. Trong quá khứ, bầu Vũ của Tôn Hoa Sen Cần Thơ từng tuyên bố: “Ai cũng có thể mua trọng tài được nhưng tôi không làm điều đó vì muốn bóng đá tử tế nhưng rồi đội tôi bị thiệt thòi quá!”. Hay bầu Long của Hòa Phát bỏ hết bóng đá chỉ vì cho rằng đội ông bị thua oan ở mùa 2011 trên sân Lạch Tray…

Đình công, giải tán, thậm chí cầu thủ bị phạt cũng đòi giải nghệ. Ai cũng biết nếu hành xử như thế, dứt khoát sẽ lãnh đủ các án phạt. Còn, trọng tài sai chẳng hạn, thường thì bị xử nhẹ rồi cho làm việc trở lại. Dù vậy, không ít cá nhân, tập thể sẵn sàng “chơi đến cùng” với người của BTC

Giờ đây, việc phản ứng, đối phó với các cấp của BTC giải, các ban liên quan, đã được coi như phản xạ vô điều kiện của CLB, cầu thủ, quan chức bóng đá. Vòng nào cũng ầm ĩ chuyện trọng tài. Vòng nào cũng có phản ứng vô lối. Tóm lại, phía nhà tổ chức cuộc chơi chưa tạo niềm tin cho người chơi, thì họ nghi ngờ, phản ứng là dễ hiểu.

Chúng tôi để ý đến phát biểu của Chủ tịch Hội CĐV bóng đá Việt Nam, Trần Hữu Nghĩa, sau sự cố Long An: “Dưới góc độ của người hâm mộ, tôi hoàn toàn không ủng hộ thái độ của Long An trên sân. Nhưng hành động này giống như phản kháng trước cái kim dính trong quần áo lâu ngày. Nó không chịu lòi ra. Họ chỉ giãy giụa để họ tìm ra chống lại cây kim khó chịu đó. Phải giúp họ lấy cái kim đó ra đi, lấy cái khó chịu từ trọng tài ra đi”.

Bất chấp trọng tài Nguyễn Trọng Thư có sai thì cầu thủ Long An cũng phải nghĩ đến khán giả để không hành xử vô lối. Ảnh: Liêm Hồ

Tại sao khán giả tìm về bóng đá phủi, bóng đá trẻ...

Và cả các giải sinh viên nữa. Mỗi lần tổ chức, khắp các sân cỏ nhân tạo cả nước, khán giả kéo đến cổ vũ nườm nượp. Vì ở đó, thực sự khán giả tìm được niềm vui bóng đá. Thắng thua rất quan trọng với đội mình yêu, nhưng vẫn không quan trọng là tìm được niềm vui bóng đá, được tôn trọng, được hát ca và sẻ chia niềm hân hoan.

Các đội tuyển tuyến U mỗi lần thi đầu các giải lớn đều nhận được tình cảm vô cùng nồng nhiệt của khán giả cả nước.

Ông Nguyễn Minh Ngọc, Trưởng BTC giải, chua chát trước hành động của Long An:“Một giải bóng đá vô địch quốc gia mà chúng ta mất bao nhiêu công sức xây dựng, để xảy ra tình huống bị người ta gọi là nhục nhã này, thì còn gì là thể diện?”.

Còn khán giả lại có quyền đặt câu hỏi cho những nhà quản lý bóng đá: “Ai sẽ trả thể diện cho khán giả, những người bỏ tiền đến sân để phải chứng kiến các trò hề trên sân cỏ?”.  “Bao giờ Việt Nam sẽ có bóng đá sạch?”.

Cũng nên nhớ rằng, bóng đá thời bao cấp tiêu cực cũng không ít. Dù vậy, tính chất cống hiến vẫn vô cùng cao. Vai trò quản lý về mặt Nhà nước với các đội bóng không bị buông lỏng. Các địa phương, các ngành, rất chú trọng đến việc xây dựng bản sắc của đội bóng mình. Chất lượng cầu thủ cũng rất ổn.

Còn giờ đây, đang hiển hiện thứ bóng đá quá coi trọng vật chất, xem thường khán giả. Khi khán giả bị xem thường, họ ngoảnh mặt thì đồng nghĩa với giải chuyên nghiệp không thể thoát ra khỏi trì trệ. Mà thế thật, ngoại trừ truyền thông có vẻ sốt vụ Long An đình công, cộng đồng mạng cũng coi đó là chuyện... bình thường của bóng đá nội.

Những người có trách nhiệm với nền bóng đá, làm ơn đừng làm tắt lịm hẳn tình yêu nơi khán giả!


Đông Hùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm